Bộ GTVT khẳng định hầm chui Thanh Xuân đảm bảo chất lượng
Trước thông tin dự án hầm chui Thanh Xuân (Hà Nội) vừa khánh thành đã xuất hiện vết nứt, ngày 22/4, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định dự án hầm chui Thanh Xuân đảm bảo chất lượng.
“Trong quá trình thi công hầm chui Thanh Xuân, khi tiến hành đổ bêtông các đốt hầm xuất hiện hiện tượng bêtông bị gồ lên tại các vị trí khe co giãn, phạm vi tiếp giáp hai bên của khe không bằng phẳng. Để xử lý vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thanh Long yêu cầu các nhà thầu xử lý, khắc phục nhằm đảm bảo mỹ quan cho dự án. Vì vậy, việc xử lý, sửa chữa các điểm khe co giãn bị gồ lên để đảm bảo mỹ quan cho dự án chứ không phải do hầm bị nứt,” ông Trần Xuân Sanh giải thích.
Ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án hầm chui Thanh Xuân) cho hay hầm chui Thanh Xuân được đưa vào sử dụng hơn ba tháng đã giải quyết được căn bản tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến. Tuy nhiên, đến thời điểm dự án đưa vào khai thác, có một số hạng mục liên quan đến cảnh quan, mỹ quan chưa được hoàn thiện và đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép hoàn thiện sau.
Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Ban đã chỉ đạo các đơn vị nhà thầu khẩn trương hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại để đảm bảo về mặt mỹ quan cho dự án; trong đó, có các vị trí mối nối ván khuôn, khe nối giữa các đốt hầm.
Theo đại diện chủ đầu tư, về mặt kỹ thuật việc xử lý khe co giãn giữa các đốt hầm sẽ được các nhà thầu cắt lại khe V thẳng theo vạch, mài phẳng và sơn lại bêtông. Đối với phạm vi tiếp giáp hai bên của khe không bằng phẳng, đơn vị thi công tiến hành tẩy, mài bề mặt bêtông sau đó bả và sơn lại bề mặt.
Riêng một số vị trí bị rỗ bề mặt, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã chỉ đạo nhà thầu tiến hành bả ma tít rồi sơn lại bề mặt. Kinh phí để sửa chữa các hạng mục tồn tại của hầm do nhà thầu chịu trách nhiệm.
Tiểu dự án xây dựng hầm chui Thanh Xuân và đường dẫn với tổng mức đầu tư 551 tỷ đồng sử dụng vốn dư của dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 2 do Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Hạng mục này là mảnh ghép hoàn chỉnh cho nút giao Thanh Xuân, vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa Quốc lộ 6, đường Vành đai 3 và tuyến đường sắt trên cao.
Theo thiết kế, tiểu dự án có tổng chiều dài 980m, bao gồm phần hầm kín dài 125m, hầm hở hình chữ U dài 280m và đường dẫn.