Bộ Công Thương thực hiện "lời hứa" để người dân chọn đơn vị bán lẻ điện thế nào?
Bộ Công Thương vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại Kỳ họp trước.
Theo đó, trong báo cáo trên, Bộ Công Thương khẳng định sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Được biết, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành sẽ có nhiều đơn vị bán lẻ điện, bao gồm doanh nghiệp Nhà nước và các nhà máy điện của tư nhân tham gia. Khi ấy, người dân và doanh nghiệp có thể lựa chọn mua điện của đơn vị mà họ cảm thấy phù hợp, thay vì chỉ được mua trực tiếp qua EVN.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết xây dựng và phát triển thị trường điện là một trong các chính sách quan trọng để phát triển ngành điện tại Việt Nam.
Thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh; Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Bộ Công Thương đã đưa vào vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh trong giai đoạn từ ngày 1-7-2012 đến hết năm 2018 và đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ ngày 1-1-2019.
Ngày 7-8-2020, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó quy định về các nguyên tắc hoạt động, mô hình thiết kế, thành viên tham gia, cơ chế giao dịch, kế hoạch và các giải pháp triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và với khách hàng sử dụng điện lớn, có hiệu lực từ 3-7-2024.
Đây là một cơ chế, chính sách mới, ngoài mục tiêu góp phần phát triển năng lượng tái tạo, thì khi triển khai cơ chế này cũng là một bước tiến tới vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Để chuẩn bị cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, Bộ Công Thương đã và đang rà soát, hoàn thiện các điều kiện tiên quyết, cụ thể như đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để chỉ đạo EVN đẩy nhanh công tác đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện. Cùng với đó, A0 đã tách ra khỏi EVN về trực thuộc Bộ Công Thương.
"Đề xuất sửa đổi Luật Điện lực và các văn bản pháp luật có liên quan để hoàn thiện cơ chế giá điện phục vụ vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh" - Bộ Công Thương cho biết.