Bộ Công Thương muốn tăng mức phạt chống ‘bóc tem ngoại, dán mác Việt’

13/12/2019 16:35 PM | Xã hội

Bộ Công Thương đang xem xét sửa văn bản pháp luật theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa.

Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm bị nghi ngờ cắt mác Trung Quốc để gắn mác thương hiệu Việt. Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường … liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng giả với số lượng lớn. Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng đáng báo động này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA)?

Bộ Công Thương muốn tăng mức phạt chống ‘bóc tem ngoại, dán mác Việt’ - Ảnh 1.

Khaisilk bị phát hiện cắt mác Trung Quốc để gắn thương hiệu Việt. (Ảnh: VnEconomy)

Chia sẻ với VTC News ngày 13/12, nguồn tin tại Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng chế tài xử phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có hành vi giả mạo xuất xứ hàng hóa.

Bộ Công Thương đang rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa nhằm tăng tính răn đe”, vị này cho biết.

Trước thực tế các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản xử lý.

Cụ thể, ngày 12/11, ban hành Thông tư 22 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất vào thị trường Mỹ.

Ngày 15/11 tiếp tục ra Thông tư 27 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.

Ngày 18/11, gửi văn bản đến Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc ngừng cấp giấy chứng nhận cho hàng hóa xuất khẩu để tránh gây nhầm lẫn với hải quan nước nhập khẩu.

Đồng thời, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, xây dựng danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Tăng cường công tác cấp và kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Đẩy mạnh phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng trong việc cập nhật thông tin, theo dõi, ngăn chặn và xử lý các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời phối hợp với hải quan, VCCI ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Theo Hoàng Hưng

Cùng chuyên mục
XEM