Bộ Công an nói gì về việc thí điểm hoạt động của Uber, Grab tại Việt Nam?

27/02/2018 14:34 PM | Xã hội

Bộ Công an cho rằng không để kéo dài thời gian thí điểm Uber và Grab nếu vẫn còn tồn tại nhiều bất cập...

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ tham gia góp ý về thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối hỗ trợ vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Công an cho rằng, bộ nhất trí với nội dung báo cáo tổng kết 2 năm thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cần bổ sung nhiều nội dung trong đó có kiểm soát số lượng, chất lượng xe và lái xe tham gia thí điểm.

Nguyên nhân do các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử còn đơn giản, chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát được số lượng, chất lượng xe và lái xe tham giá thí điểm.

"Đây là nguyên nhân chính gây ra một số vụ việc phức tạp về trật tự xã hội, liên quan đến lái xe của các doanh nghiệp vận tải tham gia thí điểm trong thời gian gần đây", văn bản nêu rõ.

Đối với quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Bộ Công an cho rằng, các phương tiện tham gia thí điểm tuy đã được lắp thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định, nhưng dữ liệu thu được mới chỉ được sử dụng trong quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải. Việc cung cấp dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan chức năng phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm còn hạn chế.

Ngành giao thông Vận tải chưa chủ động trong trao đổi thông tin, dữ liệu liên quan đến số lượng đơn vị vận tải tham gia thí điểm, mẫu phù hiệu và số xe tham gia của từng đơn vị được cấp nên lực lượng Công an khó nhận biết, xử phạt các xe thí điểm vi phạm trên đường.

Hiện tại, cũng chưa có biện pháp nào để cơ quan chức năng quản lý được toàn bộ phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng vận tải, hành trình chạy xe, địa điểm đón trả khách đều được thực hiện và giám sát thông qua phần mềm ứng dụng mà không được kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện tham gia thí điểm.

"Điều này khiến việc kiểm soát của cơ quan chức năng gặp khó khăn", Bộ Công an nhấn mạnh.

Về lộ trình thực hiện, Bộ Công an cho rằng Bộ Giao thông Vận tải cần ấn định thời gian cụ thể đối với từng đề nghị, không để kéo dài thời gian thí điểm với những bất cập chưa được giải quyết như đề nghị của Bộ Công an và trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải.

Cùng với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ cũng lấy ý kiến của các Bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông và UBND Tp.Hà Nội về đề án.

Ngày 23/2 vừa qua,Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được ban hành và có hiệu lực.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan: Công an, Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đánh giá đầy đủ các ưu điểm, hạn chế trong thời gian thí điểm, làm cơ sở cho việc bổ sung các quy định để quản lý hoạt động thí điểm, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải.

Đồng thời, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1012/VPCP-CN ngày 26/1/2018, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2018.

Theo Kiều Linh

Cùng chuyên mục
XEM