"Bình minh tươi sáng" của Việt Nam hậu Covid: Dịch vụ và tiêu dùng hồi phục nhanh, nâng dự báo GDP năm 2022 lên 8,2%

07/10/2022 15:44 PM | Kinh tế vĩ mô

Sự phục hồi mạnh mẽ của GDP trong quý III/2022 đặt nền tảng cho một kết quả tích cực trong cả năm 2022, khiến ngân hàng UOB nâng mức dự báo cả năm lên 8,2% từ mức công bố 7% trước đó. Dự báo tỷ giá USD/VND của UOB được đặt ở mức 24.000 trong quý IV/2012, 24.100 trong quý I/2023….

GDP QUÝ III/2022 TĂNG TRƯỞNG VƯỢT TRỘI Ở MỨC HAI CON SỐ

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 29 tháng 9 cho thấy tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý III/2022 ở mức 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 7,8% đã được điều chỉnh trong quý 2/2022 (ước tính trước đó là 7,7%).

Mặc dù kết quả đạt được dưới mức ước tính chung là 14,4%, nhưng đây vẫn là mức tăng kỷ lục theo quý đối với Việt Nam và vượt qua mức tăng 13,5% của Ấn Độ trong quý 2 để trở thành kết quả tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á trong năm nay.

Sự phục hồi mạnh mẽ của GDP trong quý III/2022 được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng âm vào cùng kỳ năm ngoái với mức giảm kỷ lục 6% khi Việt Nam phải đóng cửa trong giai đoạn này do biến thể Omicron của virus Covid-19. Trong khi đó, việc mở cửa trở lại và nới lỏng các hạn chế di chuyển kể từ đầu năm nay đã giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh từ quý II/2022, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, khi tâm lý chung được cải thiện.

Trong 3 quý đầu năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,8% so với cùng kỳ, so với mức tăng 6,4% trong 2 quý đầu năm. Nhiều hoạt động được thúc đẩy trên các lĩnh vực chính trong giai đoạn từ quý I đến quý III, bao gồm xây dựng (kết quả gộp 3 quý đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và so với 3,7% trong quý 2), sản xuất (10,7% so với 9,7% trong quý II) và dịch vụ (10,6% so với 6,6 % trong quý II).

"Bình minh tươi sáng" của Việt Nam hậu Covid: Dịch vụ và tiêu dùng hồi phục nhanh, nâng dự báo GDP năm 2022 lên 8,2% - Ảnh 1.

Biểu đồ về sự tăng trưởng của GDP Việt Nam trong vài năm qua.

DỊCH VỤ VÀ TIÊU DÙNG ĐANG HỒI PHỤC RẤT NHANH

Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực dịch vụ, khi mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 3 quý đã tăng 41,7% so với cùng kỳ và so với mức 11,2% trong quý II, trong khi phân khúc vui chơi/giải trí tăng 14,5% so với cùng kỳ từ mức 8% trong quý II do các hạn chế được nới lỏng và khách nước ngoài quay trở lại.

Cụ thể, chi tiêu liên quan đến du lịch đến hết quý III/2022 đã tăng 294,9% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 94,4% tính đến tháng 6.

Theo Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý III đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng hơn 48 lần so với cùng kỳ năm ngoái do các đường bay quốc tế đã khôi phục trở lại.

Trong quý III, lượng khách du lịch đến từ châu Á cao nhất với hơn 918.000 lượt khách, tăng hơn 44 lần sao với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hàn Quốc là nơi có lượng khách du lịch cao nhất với hơn 381.000 lượt người. Ngoài ra, Hàn Quốc là quốc gia có lượt khách du lịch đến Việt Nam đông nhất trong 9 tháng đầu năm 2022 với gần 490.000 người, gấp 21 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,87 triệu lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2022 ước đạt 430.900 tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2022 ước đạt 18.200 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa.

"Bình minh tươi sáng" của Việt Nam hậu Covid: Dịch vụ và tiêu dùng hồi phục nhanh, nâng dự báo GDP năm 2022 lên 8,2% - Ảnh 2.

Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HG Holdings, Nhà sáng lập Gotadi

Công ty đã có chỉ số du lịch toàn cầu và riêng Ấn Độ, hãng hàng không Indigo của Ấn Độ đã vượt doanh thu so với năm 2019.

Du lịch tiếp tục trở thành xu hướng tất yếu sau hậu Covid-19, do đó không chỉ riêng Gotadi mà các doanh nghiệp về lĩnh vực du lịch cũng cần phải chuẩn bị kỹ càng để đón đợt trở lại cho sự bùng nổ của xu hướng du lịch. Gotadi tin chắc rằng trong tương, du lịch sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

Dù thế, hậu Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, Gotadi đồng ý rằng sẽ rất gian nan để doanh nghiệp Việt có thể bật lên trên thị trường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không làm được.

Trong tương lai, công ty dự định sẽ quảng cáo ở nước ngoài, tuy nhiên vẫn đang trong giai đoạn thảo luận để triển khai vì điều này cần nhiều thời gian để nghiên cứu.

Dù khó khăn, nhưng Gotadi sẽ quyết tâm hoàn thành tốt hệ sinh thái du lịch từ sản phẩm cho đến dịch vụ cung cấp”, ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HG Holdings, Nhà sáng lập Gotadi, nhận định.

Các dữ liệu công bố hàng tháng khác cũng cho thấy: các hoạt động nhìn chung đã trở lại bình thường cùng với việc nới lỏng các biện pháp Covid-19 và mở cửa lại biên giới.

Trong nước, lĩnh vực bán lẻ được hưởng lợi đáng kể khi tiếp tục duy trì mức khả quan trong tháng thứ 8 liên tiếp và ghi nhận mức tăng cho đến quý III/2022 là 15,8% so với cùng kỳ năm trước, kéo dài mức tăng 11,3% đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022.

"Bình minh tươi sáng" của Việt Nam hậu Covid: Dịch vụ và tiêu dùng hồi phục nhanh, nâng dự báo GDP năm 2022 lên 8,2% - Ảnh 3.

Ông Kim Lê Huy - Tân Phó Chủ tịch Ngành Hàng Tiêu Dùng, DKSH Việt Nam

Đại dịch là một trong các nguyên nhân gây nên sự suy giảm của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường Việt Nam trong những năm qua, tuy vậy, nhưng nước ta đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2021. Có thể thấy, thị trường đang bùng nổ trở lại và tôi rất lạc quan về triển vọng của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam và trên toàn khu vực châu Á.

Có thể nói “glocalization – toàn cầu hóa kết hợp với nội địa hóa” là từ khóa thành công của chúng tôi.

Với kinh nghiệm hơn 150 năm trên toàn cầu, DKSH thấu hiểu từng thị trường mà chúng tôi hoạt động. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, chúng tôi sở hữu chiến lược riêng, tiêu chuẩn quốc tế, cùng những phương thức tốt nhất có thể đáp ứng được hoàn toàn từng thị trường khác nhau. Đó chính là yếu tố “glocalization” được hình thành tại DKSH.

Bên cạnh đó, yếu tố "địa phương hóa - localization" cũng quan trọng không kém. Đây là điểm khác biệt của chúng tôi so với các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Chúng tôi liên tục đầu tư phát triển nhân tài địa phương, là những người mang đến sự độc đáo và kinh nghiệm cá nhân đóng góp cho công ty, từ đó giúp DKSH củng cố một trong những nguồn tài nguyên quý báu nhất: sự thấu hiểu thị trường địa phương. Với ưu thế này, chúng tôi thâm nhập thị trường tốt hơn và nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công trên toàn thế giới.

Đồng thời, chúng tôi mang lại những cơ hội phát triển nghề nghiệp công bằng cho tất cả nhân viên, vì vậy ngành Hàng Tiêu Dùng của DKSH Việt Nam đã và đang thu hút cũng như giữ chân được nhiều nhân tài chủ chốt trên thị trường.

Tôi tin rằng điều này sẽ giúp DKSH tiến xa hơn trên hành trình đóng góp vào sự phát triển của các đối tác và khách hàng tại Việt Nam, trong khu vực châu Á, và trên toàn cầu”, ông Kim Lê Huy - Tân Phó Chủ tịch Ngành Hàng Tiêu Dùng, DKSH Việt Nam, chia sẻ bí quyết phục hồi sau đại dịch.

Ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 3/2020, trải qua 4 làn sóng Covid-19, DKSH Việt Nam đã giúp MORINAGA – thương hiệu thực phẩm nổi tiếng đến từ Nhật Bản, tăng độ nhận diện thương hiệu và độ phủ phân phối trên thị trường cho cả hai sản phẩm Socola DARS và kẹo dẻo trái cây HICHEW. Từ gần 20.000 điểm bán trong năm 2020, đến quý I năm nay, Socola DARS và kẹo dẻo trái cây HICHEW đã mở rộng thêm hơn 30% điểm bán trong hệ thống phân phối trên toàn quốc.

ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI) VẪN KHẢ QUAN

Về ngoại thương, sự chậm lại ở cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu có thể dẫn đến nhu cầu chậm lại trong tương lai do chính sách thắt chặt từ các ngân hàng trung ương ảnh hưởng đến tâm lý chung cũng như các hoạt động tiêu dùng.

Xuất khẩu tăng 10,3% so với cùng kỳ, chậm đáng kể so với mức tăng 17,3% tính gộp từ đầu năm, trong khi giá trị xuất khẩu đạt 29,9 tỷ USD trong tháng 9, thấp hơn mức trung bình của năm 2022 tính đến nay là 31,3 tỷ USD.

"Bình minh tươi sáng" của Việt Nam hậu Covid: Dịch vụ và tiêu dùng hồi phục nhanh, nâng dự báo GDP năm 2022 lên 8,2% - Ảnh 4.

"Bình minh tươi sáng" của Việt Nam hậu Covid: Dịch vụ và tiêu dùng hồi phục nhanh, nâng dự báo GDP năm 2022 lên 8,2% - Ảnh 5.

Công ty FDI - FM Logistic vừa chính thức vận hành trung tâm phân phối dự án Gro24/7 tại Dĩ An - Bình Dương.

Tương tự đối với nhập khẩu, trong tháng 9 đạt mức tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong khi 9 tháng đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại lũy kế trong năm nay đạt 6,5 tỷ USD trong tháng 9, vượt mức thặng dư thương mại cả năm 2021 là 4,8 tỷ USD.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn khả quan, với dòng vốn giải ngân tính gộp từ đầu năm đến tháng 9 đạt 15,4 tỷ USD, so với mức 10,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, mức tăng gộp 9 tháng tăng 15,6% so với cùng kỳ. Trên dữ liệu tính toán hàng năm, FDI trong năm nay có nhiều khả năng sẽ đi đúng hướng, ít nhất là tương đương với tổng dòng vốn 19,7 tỷ USD được giải ngân ghi nhận vào năm 2021.

Tuy nhiên, vốn FDI cam kết hoặc đăng ký - cho thấy quy mô giải ngân vốn FDI trong tương lai tiếp tục ở mức thấp trong năm 2022. Vốn FDI đăng ký trong 9 tháng giảm 15,3% so với cùng kỳ xuống còn 18,8 tỷ USD, so với 22,1 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước.

Trong số vốn cam kết, 64% dành cho lĩnh vực chế biến và chế tạo, trong khi 19% dành cho bất động sản. Singapore là quốc gia dẫn đầu về vốn cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Số liệu CPI mới nhất cho thấy: áp lực gia tăng lạm phát vẫn hiện hữu. CPI toàn phần tăng 3,9% trong tháng 9 từ mức 2,9% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3 năm 2020 và gần mức trần 4% của ngân hàng trung ương.

Tương tự, lạm phát cơ bản (thực phẩm và năng lượng) tăng 3,8% trong tháng 9 từ mức 3,1% trong tháng 8, hai tháng liên tiếp ở mức trên 3% và là mức cao nhất tính từ kỷ lục bắt đầu vào năm 2015. Sự gia tăng của chi phí vận tải, thực phẩm và nhà ở là động lực chính cho lạm phát toàn phần và có khả năng sẽ vẫn tiếp tục như vậy ở hiện tại.

NÂNG DỰ BÁO GDP CHO NĂM 2022

Sự phục hồi mạnh mẽ của GDP trong quý III/2022 đã tạo nền tảng vững chắc trong 9 tháng đầu năm, là tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ của cả năm 2022. Với mức tăng trong 9 tháng đầu năm đạt 8,8% so với cùng kỳ, chúng tôi tiếp tục nâng cao mức dự báo tăng trưởng cả năm cho Việt Nam là 8,2% (so với mức 7% mà chúng tôi đã công bố trước đó).

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là triển vọng năm 2023, khi chính sách thắt chặt tiền tệ gay gắt từ các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ đè nặng lên Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam.

"Bình minh tươi sáng" của Việt Nam hậu Covid: Dịch vụ và tiêu dùng hồi phục nhanh, nâng dự báo GDP năm 2022 lên 8,2% - Ảnh 6.

Trong Dự báo Triển vọng toàn cầu hàng quý mới nhất của UOB, chúng tôi dự đoán một cuộc suy thoái đối với các nền kinh tế lớn vào năm 2023, mặc dù tại thời điểm này không có sự chắc chắn về mức độ và thời gian của cuộc suy thoái. UOB đang giữ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 6,6%, dựa trên ước tính nhu cầu từ các thị trường chính sẽ tiếp tục chậm lại”, đại diện UOB cho hay.

Về chính sách tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) gây bất ngờ với việc thắt chặt lãi suất vào cuối giờ chiều 22/9, qua đó báo hiệu bắt đầu chu kỳ bình thường hóa chính sách sau khi Fed tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp vào sáng cùng ngày.

NHNN đã tăng hai lãi suất chính sách lên 100 điểm cơ bản, nâng lãi suất tái cấp vốn từ mức thấp lịch sử 4,00% lên 5,00%. Trong bối cảnh FED có lập trường sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá, VND sẽ mất giá thêm và tỷ lệ lạm phát gần mức mục tiêu của NHNN, chúng tôi cho rằng có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới.

Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,50% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6,00% vào cuối quý I/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm Covid-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020.

Về mặt ngoại hối: VND không thể tránh khỏi sự suy yếu chung của các đồng tiền trên toàn châu Á bởi sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD trong kỳ vọng tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ, cùng với lo ngại về sự suy thoái gia tăng của Trung Quốc.

Do đó, VND vẫn có xu hướng giảm giá thêm trong các quý tới mặc dù khoản trượt giá có thể được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nước. Nhìn chung, dự báo tỷ giá USD/VND của UOB được đặt ở mức 24.000 trong quý IV/2012, 24.100 trong quý I/2023, 24.200 trong quý II và 24.300 trong quý III/2023.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM