BIDV sẽ rao bán lại khoản nợ 4.800 tỷ đồng của chủ dự án Grand Sentosa?

23/06/2022 16:44 PM | Kinh doanh

Ngân hàng đang tìm đơn vị tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên - chủ đầu tư dự án đình trệ hơn 13 năm ở Nhà Bè TP HCM.

Dự án Grand Sentosa nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, TP HCM. Ảnh: Quang Anh
Dự án Grand Sentosa nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, TP HCM. Ảnh: Quang Anh

BIDV (HoSE: BID ) thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của một khách hàng tại BIDV, ngân hàng không công bố danh tính cụ thể chủ của khoản nợ. Tính đến 30/4, tổng dư nợ của khách hàng này là 4.837,9 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản vay là các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Theo tìm hiểu của phóng viên Người Đồng Hành, tháng 4/2020, BIDV từng rao bán một khoản nợ có thông tin trùng khớp về tài sản đảm bảo nêu trên. Cụ thể, ngày 1/4/2020 BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên - PV) - chủ đầu tư dự án Grand Sentosa (tên gọi cũ của dự án là Kenton Node) có vị trí tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Tại thông báo năm 2020, BIDV cho biết tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node. Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Tại thời điểm này, giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn là các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, Hà Nội - được định giá lần đầu là 885,5 tỷ đồng.

Novaland "bắt tay" với công ty Tài Nguyên hồi sinh dự án đình trệ 13 năm

Vào đầu năm nay, sau một thời gian thương thảo, Tập đoàn Novaland và công ty Tài Nguyên đã làm lễ khởi động với tên gọi mới của dự án là Grand Sentosa. Trong đó, công ty Tài Nguyên có vai trò là chủ đầu tư còn Tập đoàn Novaland có vai trò là nhà phát triển dự án.

BIDV sẽ rao bán lại khoản nợ 4.800 tỷ đồng của chủ dự án Grand Sentosa? - Ảnh 1.

Lễ khởi động dự án Grand Sentosa ngày 22/2 tại TP HCM. Ảnh: Website dự án Grand Sentosa

Theo quy hoạch, dự án gồm ba phân khu Plaza, Sky Villa và Residences với 9 tòa nhà,16 tòa tháp và 1.683 căn hộ. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu USD, tương ứng 5.400 tỷ đồng. Theo quy hoạch, tổ hợp này gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ ăn uống giải trí, nhà hát biểu diễn và trường học, phòng khám quốc tế.

Chủ đầu tư thiết kế dự án có khách sạn theo tiêu chuẩn 5 sao gồm 288 phòng, hồ bơi vô cực tại tầng 27 trong tòa nhà 44 tầng, ngoài ra khu condotel có 586 căn. Mật độ xây dựng dự án là 23% với nhiều tiện ích như hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, nghỉ ngơi, vườn tiệc nướng, phố đi bộ ven sông gần 2 km, bến du thuyền Kenton Quay. Điểm nhấn khác trong dự án là nhà hát không cột treo sát bờ sông, có sức chứa hơn 5.000 người.

Được khởi công xây dựng từ năm 2009, dự án đã có 2 lần tạm dừng vào năm 2011 và năm 2018.

BIDV sẽ rao bán lại khoản nợ 4.800 tỷ đồng của chủ dự án Grand Sentosa? - Ảnh 2.

Bảng hiệu Novaland đã xuất hiện trên hàng rào xung quanh dự án. Tập đoàn hứa hẹn phát triển và đưa dự án Grand Sentosa vào vận hành theo đúng tiến độ dự kiến trong năm 2024. Ảnh: Quang Anh

Đến tháng 1/2010, Grand Sentosa (khi đó vẫn mang tên Kenton Residence) được mở bán chính thức giai đoạn 1 với 100 căn hộ. Giá bán khi đó khoảng 1.566 - 2.250 USD/m2, tương ứng khoảng 30 - 45 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư công bố sau sự kiện mở bán có 64 khách hàng giao dịch thành công. Tới tháng 7, dự án được mở bán giai đoạn 2 với 178 căn hộ. Thời điểm này, thị trường có dấu hiệu đóng băng, các dự án khó có thanh khoản. Đây cũng là một phần nguyên nhân giải thích cho sự 'bất động' của Kenton Node.

Sau đó, công ty Tài Nguyên vẫn tiếp tục cho xây dựng các block nhà còn lại trong khi thị trường phần lớn dừng giao dịch. Diện tích nhà khoảng 125 - 139 m2, 3 phòng ngủ, giá không thay đổi.

Đến năm 2011, toàn bộ công trình ngừng thi công do khó khăn về tài chính và bán hàng. Năm 2013, ông Vũ Anh Tâm cho biết công ty đã trả lại toàn bộ tiền mua nhà cho gần 100 khách hàng đã mua và đang tìm giải pháp mới.

Tháng 5/2017, dự án được tái khởi động và có một số điều chỉnh về thiết kế cũng như huy động được vốn từ một số đối tác chiến lược. Chủ đầu tư tuyên bố có nguồn tín dụng 1.060 tỷ đồng và dự án được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018, dự án lại bị tạm dừng lần thứ hai, cho đến gần đây được tái khởi công.

Theo Quang Anh

Cùng chuyên mục
XEM