Thêm công ty thép dính nợ xấu hàng trăm tỷ tại BIDV
BIDV thông báo lựa chọn đợn vị thẩm định giá tài sản là khoản nợ gần 233 tỷ của Công ty CP Hoàng Long Steel. Trước đó, ngân hàng này đã rao bán và thẩm định giá một loạt khoản nợ xấu giá trị hàng trăm tỷ tại nhiều công ty thép.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa phát đi thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Hoàng Long Steel (Công ty Hoàng Long) tại Chi nhánh Hải Dương.
Theo BIDV, tổng dư nợ của Công ty Hoàng Long đến thời điểm 31/05/2022 là gần 232,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là hơn 135,3 tỷ đồng, nợ lãi và phí phạt quá hạn là 97 tỷ đồng.
Để có được khoản vay trên, Công ty Hoàng Long đã thế chấp một loạt tài sản gồm: Toàn bộ công trình xây dựng cơ bản, nhà cửa vật kiến trúc, hạ tầng gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm và các tài sản khác gắn liền với thửa đất có diện tích 185.318,1 m2 tại xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang và xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị và các tài sản khác tại Xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang và xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương của Công ty cổ phần Hoàng Long Steel. Dây chuyền sản xuất ống thép cao tần GH114 và xe tải gắn cẩu 5 tấn, hiệu Hyundai.
Tài sản của Công ty CP thép ống Vạn Xuân gắn liền với thửa đất tại xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang và xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; máy móc thiết bị của Công ty CP thép ống Vạn Xuân.
Ngoài ra, tài sản đảm bảo cũng bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Số 60, Phố Giảng Võ, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, TP Hà Nội (nay là 38 Giảng Võ).
Theo tìm hiểu Công ty Hoàng Long được thành lập vào cuối năm 2013, có địa chỉ tại thôn Ngọc Mai, xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất Silico Mangan, thép ống, thép hình; ... và do ông Phạm Đăng Cao làm người đại diện theo pháp luật.
Khi mới thành lập, công ty có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng do ông Bùi Xuân Nguyên sở hữu 80%, số cổ phần còn lại được chia đều cho ông Bùi Quang Đại (10%) và Bùi Khánh Hưng (10%). Vốn điều lệ và cơ câu cổ đông của Công ty Hoàng Long không được cập nhật thêm kể từ đó đến nay.
Về phía BIDV, trong thời gian gần đây, ngân hàng này đã rao bán và thẩm định giá một loạt khoản nợ xấu tại nhiều công ty thép.
Mới nhất, BIDV đã thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định tài sản đảm bảo cho khoản nợ hình thành từ năm 2012 của CTCP Luyện cán thép Sóc Sơn, trụ sở tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, khoản nợ gốc của công ty có giá trị gần 321,5 tỷ đồng được vay tại BIDV chi nhánh Bắc Ninh. Tính đến cuối tháng 2/2022, riêng số tiền nợ lãi của doanh nghiệp đã lên đến 445,9 tỷ đồng và 98.758 USD. Như vậy, sơ bộ tổng dư nợ của khoản nợ Luyện cán thép Sóc Sơn tại BIDV khoảng 770 tỷ đồng.
Trước đó, khoản nợ trị giá 440 tỷ đồng của CTCP Thép Việt Nhật cũng đã được BIDV rao bán. Tài sản đảm bảo cho khoản vay của Thép Việt Nhật tại BIDV là 2 bất động sản tại Hải Phòng gồm số 159 Bạch Đằng và Nhà máy cán Km9 Quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng.
Ngoài ra, tài sản thế chấp cho khoản vay này còn có máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tại Nhà máy cán Km9 Quốc lộ 5 và loạt phương tiện vận tải, xe máy công trình (xe Mercedes E240, Toyota Camry GLI, Toyota Hiace, cần trục bánh lốp tay lái nghịch Kato KR22H, cầu trục bánh lốp Kobelco RK 250).
Vào cuối tháng 3/2022, BIDV cũng lần thứ 10 rao bán khoản nợ hơn 475 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép Việt Nga. Trong đó, dư nợ gốc gần 267 tỷ đồng và dư nợ lãi, phí phạt chậm trả là gần 209 tỷ đồng.
Đến hết quý I/2022, BIDV có 13.730 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tăng 1,4% so với cuối năm trước. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới hơn 63% (hơn 8.684 tỷ đồng) và tăng 19,2% so với cuối năm ngoái. Ngoài ra, nợ cần chú ý của ngân hàng tăng gần 30% lên 19.745 tỷ đồng.
Đại gia thép bị ngân hàng siết nợ cả nhà xưởng, biệt thự, ô tô
https://cafef.vn/them-cong-ty-thep-dinh-no-xau-hang-tram-ty-tai-bidv-20220611113324659.chn