Bí quyết tăng giá thuốc lên 50 lần vẫn bán tốt? Hãy hỏi các hãng dược Mỹ

10/06/2016 09:22 AM | Kinh tế vĩ mô

Vào tháng 8/2015, CEO Martin Shkreli của hãng dược phẩm Turing Pharmaceuticals quyết định mua lại bản quyền thuốc Daraprim dành cho các bệnh nhân điều trị HIV. Ngay sau đó, vị CEO này quyết định nâng giá thuốc lên hơn 5.000% với 90.000 USD cho 6 tuần điều trị.

Vài ngày sau, hãng Turing đã liên hệ với tổ chức từ thiện Patient Services Inc (PSI), một tổ chức giúp các bệnh nhân HIV có thể thanh toán tiền thuốc nhờ những hợp đồng bảo hiểm. Hãng Turing muốn PSI thiết lập một quỹ từ thiện cho các bệnh nhân bị toxoplasmois, một dạng nhiễm ký sinh đối với các bệnh nhân HIV và buộc phải điều trị với Daraprim.

Nếu nhìn sơ qua, hành động trên của Turing là một bước đi cân bằng khi vừa nâng giá thuốc như lại đồng thời xây dựng hệ thống cung cấp dược phẩm với mức giá phải chăng hơn. Tuy nhiên, đây là cả một câu chuyện dài về việc tại sao các loại thuốc ở Mỹ ngày càng đắt đỏ và việc các hãng dược đã lợi dụng hệ thống từ thiện để kiếm lời từ ngân sách.

Nạn nhân thực sự

Tổ chức từ thiện PSI đã đồng ý lời đề nghị trên và đưa ra bản kế hoạch quyên góp 22 triệu USD điều trị cho các bệnh nhân HIV, bao gồm khoản chi phí 1,6 triệu USD để vận hành quỹ này. Ngay lập tức hãng Turing đồng ý với kế hoạch trên và bơm 1 triệu USD cho quỹ, bao gồm khoản dự chi 800.000 USD vận hành. Số tiền còn lại được hỗ trợ bởi ngân sách chính phủ.

Tổ chức PSI là một trong 7 tổ chức từ thiện lớn nhất cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán y tế cho 40 triệu người Mỹ thông qua chương trình bảo hiểm Medicare của chính phủ. Với hệ thống này, người bệnh có thể được thanh toán toàn bộ hay một phần phí trị liệu tùy từng trường hợp.

Trở lại câu chuyện của Turin, ngay sau khi hãng nâng giá thuốc Daparim, nhiều người bệnh điều trị qua PSI đã phải trả thêm tới 3.000 USD tiền thuốc. Nếu so sánh với mức giá từ 60.000-90.000 USD cho 6 tuần điều trị thì khoản tiền trả thêm 3.000 USD chẳng phải quá lớn.

Tuy nhiên, một dấu hỏi lớn là tại sao các hãng thuốc lại nâng giá phi lý như vậy và ai sẽ là người thanh toán khoản tiền điều trị khổng lồ qua các chương trình từ thiện như PSI? Câu trả lời là để tăng thêm lợi nhuận và lấy thêm từ tiền thuế của người dân.

Hệ thống Medicare của chính phủ Mỹ không công bố các khoản chi phí cho bảo hiểm qua chương trình từ thiện như PSI, nhưng có một điều rõ ràng là ngân sách Mỹ đã phải chi rất nhiều tiền để góp vốn với những hãng dược phẩm như Turing cho các quỹ từ thiện. Tất nhiên, số tiền ngân sách này sẽ chảy vào túi các công ty dược khi bệnh nhân điều trị.

Hệ quả tất yếu cho việc tăng giá thuốc và buộc ngân sách phải chi trả cho các quỹ từ thiện là tiền thuế của người dân bị bào mòn nhanh chóng. Chương trình y tế quốc gia Medicare trong năm 2014 đã tốn 996 triệu USD riêng cho tiền mua thuốc, tăng 158% so với năm 2010.

Ngoài ra, việc tuyên truyền đóng góp hàng triệu USD của các hãng dược không chỉ quảng bá thương hiệu mà còn đánh lừa bệnh nhân, khiến họ cho rằng mình đang được giúp đỡ và chịu gắn bó với loại thuốc cũ thay vì các dược phẩm mới được tung ra thị trường.

Việc các hàng dược nâng giá thuốc nhưng lại quyên góp hàng triệu USD cho các quỹ từ thiện điều trị khiến những công ty này lấp liếm được sự thật đen tối đằng sau việc nâng giá. Nói theo cách khác, những quỹ từ thiện này là vỏ bọc cho sự đục khoét của các hàng dược đối với ngân sách y tế Mỹ.

Trường hợp của Turing không phải cá biệt khi vào năm 2014, hãng dược Retrophin mua lại bản quyền thuốc Thiola điều trị sỏi thận vốn đã có 26 năm danh tiếng trên thị trường. Ngay sau đó, hãng Retrophin nâng giá loại thuốc này lên 1.900% và cũng quyên góp cho PSI để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân.

Năm 2010, hãng dược Valeant Pharmaceuticals International mua lại thuốc điều trị bệnh Wilson Disease, một loại bệnh rối loạn hàm lượng đồng trong cơ thể. Sau đó 3 năm, công ty này cũng nâng giá thuốc lên 2.600% và quyên góp cho tổ chức từ thiện Patient Access Network Foundation (PAN).

Rõ ràng, việc nâng giá quá phi lý và quyên góp cho các tổ chức y tế từ thiện đã và đang là phong trào của ngành dược tại Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới. Riêng trong năm 2014, 7 tổ chức từ thiện điều trị y tế lớn nhất của Mỹ đã nhận được 1,1 tỷ USD tiền quyên góp, cao gấp đôi so với năm 2010 trong khi giá thuốc cũng tăng với tốc độ chóng mặt.

Theo giáo sư Adriane Fugh Berman của trường đại học Georgetown, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm đối với thị trường dược phẩm Mỹ, cứ mỗi 1 tỷ USD quyên góp, các hàng dược sẽ thu về hàng tỷ USD lợi nhuận từ tiền bán thuốc.

Trong khi đó, giáo sư Joel Hay của trường đại học Nam California nhận định các công ty dược không bao giờ cho không hàng trăm triệu USD chỉ vì lòng nhân từ.

Theo một tài liệu nội bộ của Turing, khi hàng này mua Daraprim và tìm cách tăng doanh thu từ 5 triệu USD/năm lên 200 triệu USD/năm, kế hoạch sử dụng các quỹ từ thiện đã được đánh giá là cần thiết.


Công ty dược có thể quyên góp thuốc cho các bệnh nhân nghèo hoặc dùng các tổ chức từ thiện để tăng doanh số.

Công ty dược có thể quyên góp thuốc cho các bệnh nhân nghèo hoặc dùng các tổ chức từ thiện để tăng doanh số.

Sản xuất 200 USD, bán 30.000 USD

Quỹ PSI được Dana Kuhn thành lập vào năm 1989 nhằm phản đối việc các công ty dược quá chậm trong việc cung cấp thuốc điều trị cho bênh nhân mắc HIV, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.

Năm 2003, Nghị viện Mỹ thông qua hình thức việc thành lập các tổ chức từ thiện y tế như PSI và ngân sách chính phủ chấp nhận thanh toán một phần chi phí điều trị cho các bệnh nhân của những tổ chức này. Đồng thời, các công ty dược cũng được quyền quyên góp vào những quỹ từ thiện này và sẽ được làm bằng chứng xem xét trong các cuộc điều trần về giá thuốc nếu có.

Ngoài ra, những tổ chức như PSI sẽ được mua thuốc với mức giá chiết khẩu từ các công ty dược. Trong trường hợp của Turing, tổ chức PSI có thể mua thuốc Daraprim với mức giá một nửa và bán lại cho bệnh nhân với sự hỗ trợ chi trả từ ngân sách.

Với chính sách này, chính phủ Mỹ kỳ vọng người bệnh sẽ nhận được điều trị với mức giá phù hợp còn các công ty dược sẽ giữ chân được bệnh nhân chuyển sang các loại thuốc rẻ hơn.

Mặc dù vậy, các hàng dược đã lợi dụng điều này để trực lợi. Thuốc Daraprim được bán cho PSI với 50% chiết khẩu khi lại tăng giá ngoài thị trường đến 5.000%. Điều này chẳng khác gì buộc bệnh nhân phải chữa trị thông qua PSI, qua đó đem lại lợi ích cho cả tổ chức từ thiện này lẫn công ty dược.

Ngay sau khi dự luật được thông qua năm 2003, doanh thu của PSI tăng chóng mặt từ 16 triệu USD năm 2003 lên 128 triệu USD năm 2015. Riêng trong năm 2014, tổ chức PSI cho biết hơn 50% tiền quyên góp được của hãng là từ một tập đoàn dược nổi tiếng nhưng từ chối tiết lộ tên. Một số cựu nhân viên của PSI cho biết đó là hãng Novartis.

Công ty dược này cũng thừa nhận tài trợ cho PSI nhưng không cho biết số tiền cụ thể.

Tổ chức từ thiện lớn nhất trong số 7 tổ chức lớn tại Mỹ là PAN thậm chí còn tăng trưởng nhanh hơn nhiều, từ mức doanh thu 36 triệu USD năm 2010 lên hơn 800 triệu USD năm 2015.

Riêng trong năm 2014, chỉ 5 công ty dược đã quyên góp tới hơn 70 triệu USD cho PAN. Nhờ sự quyên góp “hào phóng” này mà PAN trong năm 2014 chỉ chi chưa tới 597.000 USD cho việc kêu gọi quyên góp từ thiện. Con số này chiếm chưa đến 1% so với mức chi phí kêu gọi quyên góp bình quân tại các tổ chức từ thiện y tế thông thường, như American Cancer Society hay American Heart Association.


Tổng giá trị quyên góp của 7 tổ chức từ thiện y tế lớn nhất Mỹ (triệu USD)

Tổng giá trị quyên góp của 7 tổ chức từ thiện y tế lớn nhất Mỹ (triệu USD)

Tất nhiên, lương của người đứng đầu những tổ chức như PSI cũng tăng theo không kém. CEO Kuhn có mức lương 576.000 USD/năm vào năm 2014 và là vị CEO có mức lương cao nhất trong mảng từ thiện.

Ngoài ra, vị CEO này còn được trả thêm 476.000 USD trong cùng năm do “có những đóng góp ý kiến quan trọng cho các hoạt động của tổ chức”. Hiện PSI có cho thuê ngoài một số dịch vụ va hầu hết những hoạt động này có liên quan đến các công ty có mối liên hệ hoặc đồng sở hữu bởi ông Kuhn.

Mặc dù giá thuốc tăng, nhưng việc đóng góp cho những quỹ từ thiện khiến các công ty dược hạ nhiệt đám đông bệnh nhân đang giận dữ. Ví dụ như trường hợp bệnh nhân Steve Ashbrook tại bang Cincinnati bị chẩn đoán ung thư tủy vào năm 2009. Bác sỹ yêu cầu ông dùng thuốc Gleevec của Novartis vốn điều trị hiệu quả cho loại bệnh này từ khi được phát minh vào thập niên 90.

Ông Ashbrook chỉ có thu nhập 1.600 USD/tháng nhưng chi phí loại thuốc này coa tới 6.000 USD cho liều điều trị 1 tháng. Ban đầu, Norvatis đồng ý để ông Ashbrook điều trị miễn phí. Sau đó bệnh nhân này được giới thiệu với chương trình PSI và tổ chức này cùng hệ thống bảo hiểm Medicare đã thanh toán toàn bộ chi phí cho ông.

Bệnh nhân Ashbrook cho biết ông không quan tâm số tiền PSI hay Medicare thanh toán cho ông lấy từ đâu, bởi điều duy nhất ông quan tâm là mình được điều trị.

Theo chuyên gia nghiên cứu Andrew Hill của trường đại học Liverpool, tổng chi phí sản xuất thuốc Gleevec điều trị trong vòng 1 năm chỉ tốn 200 USD, nhưng giá bán cho liều điều trị 1 năm của loại thuốc này tại Mỹ lúc mới chào bán năm 2001 là 30.000 USD. Hiện mức giá của Gleevec tại Mỹ đang là 120.000 USD cho liều điều trị 1 năm.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, CEO Kuhn cho biết ông không muốn mọi người đặt những câu hỏi ngớ ngẩn và khiến bệnh nhân hoài nghi về các tổ chức phi lợi nhuận. Theo ông Kuhn, nếu chính phủ can thiệp và chèn ép quá nhiều vào các tổ chức từ thiện y tế, những hãng dược phẩm có thể sẽ rút tài trợ mà từ trước đến nay họ vẫn làm.

Khi được hỏi phải chăng các hãng dược sẽ không tài trợ nếu họ không chắc mình cũng được lợi, ông Kuhn trả lời: “Tất nhiên rồi. Chúng ta đang sống trong một xã hội tư bản và tất cả mọi người đều cần kiếm tiền.”

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM