Ông chủ của ngân hàng Việt Á vừa nhảy vào ngành dược nhưng có vẻ hơi "xương"

31/05/2016 08:35 AM | Kinh doanh

Dù có nhiều ưu ái cho Nhà đầu tư chiến lược nhưng đến khi hết hạn đăng ký, Vinapharm mới chỉ nhận được 01 bộ hồ sơ đăng ký, do đó CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Dược Việt Nam

CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương vừa trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) với tỷ lệ sở hữu 17%.

Với mục tiêu tìm NĐT chiến lược có năng lực tài chính để hỗ trợ Vinapharm tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực Dược và các lĩnh vực liên quan đến ngành dược, không muốn để NĐT chiến lược bị thiệt thòi, Vinapharm chủ trương thực hiện bán cổ phần cho NĐT chiến lược trước khi bán đấu giá công khai.

Nhưng cho đến khi hết hạn, Vinapharm chỉ nhận được một bộ hồ sơ đăng ký làm NĐT chiến lược của Tập đoàn Việt Phương. Không có đối thủ, tập đoàn của ông chủ của Ngân hàng TMCP Việt Á đã trở thành NĐT chiến lược của Tổng công ty này.

Tại sao Vinapharm - Tổng công ty duy nhất của Nhà nước hoạt động trong một lĩnh vực “béo bở” là ngành dược, lại đang được quản lý, sử dụng nhiều lô đất vị trí đẹp mà kém hấp dẫn với NĐT lớn như vậy? Sắp tới, vào ngày 22/06/2016, Vinapharm sẽ đem 42,6 triệu cổ phần (tương ứng gần 18% vốn điều lệ) ra đấu giá lần đầu với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cp.

Là "SCIC của ngành Dược", lợi nhuận của Vinapharm đến chủ yếu từ hoạt động tài chính.

Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) là đơn vị đã phát minh ra sản phẩm Cao Sao vàng nổi tiếng được đăng ký bản quyền quốc tế. Tuy nhiên, Vinapharm không trực tiếp kinh doanh nhiều mà có thể ví như SCIC của ngành Dược với hoạt động chính là đầu tư vào các công ty Dược thành viên.

Hiện tại, Vinapharm có 3 công ty con, 11 công ty liên kết và đầu tư dài hạn vào 8 công ty. Tất cả đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh Dược phẩm.

Từ năm 2012 - 2015, dù không đáng là bao so với doanh thu hợp nhất nhưng doanh thu của công ty mẹ đã tăng liên tục từ con số 3 tỷ đồng lên 129 tỷ. Trong khi đó, doanh thu hợp nhất lại có chiều hướng giảm. Năm 2015, doanh thu hợp nhất của Vinapharm đạt 7.281 tỷ đồng – giảm 9% so với năm trước.

Như vậy, doanh thu hợp nhất của Vinapharm hàng năm thậm chí đều kém hơn CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (VMD) – đơn vị mà Vinapharm nắm gần 19% vốn cổ phần. Năm gần nhất, VMD đạt gần 11.800 tỷ đồng doanh thu .

Đối với kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinapharm, do chi phí bán hàng và chi phí quản lý rất lớn nên lợi nhuận chủ yếu đến từ doanh thu tài chính (Cổ tức) và lãi từ công ty liên doanh, liên kết. Mặc dù năm 2015, doanh thu tài chính tăng vọt nhưng LNST giảm 9% còn 350 tỷ đồng.

Vinapharm là 1 trong 3 đơn vị hiếm hoi của Việt Nam được Bộ Y tế cho phép tiến hành nghiên cứu tương đương sinh học với năng lực nghiên cứu khoảng 20 nghiên cứu/năm (bằng ¼ năng lực của 2 đơn vị còn lại là Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện kiểm nghiệm thuốc Tp.HCM).

Theo Công bố thông tin của Vinapharm, công ty đánh giá ngành dược Việt Nam mới chỉ được xếp loại ở mức nền công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập, chỉ tập trung sản xuất thuốc generic. Quy mô sản xuất trong nước của Việt Nam chiếm 77% về số lượng song chỉ chiếm 35% về giá trị. SX trong nước tập trung vào nhóm thuốc cũ có giá trị thấp và công thứ đơn giản.

Đối với 1 doanh nghiệp như Vinapharm, triển vọng lợi nhuận trong các năm tới phụ thuộc vào các dự án triển khai từ nay đến năm 2020 như Trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược, Cơ sở khám chữa bệnh, Vùng dược liệu và nhà máy chiết xuất dược liệu, Nhà máy sản xuất nguyên liệu dược (vỏ nang, hóa dược…), Nhà máy sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị, Nhà máy sản xuất bao bì dược, Dịch vụ kho bãi và logistics…

Tuy nhiên, đó là câu chuyện trong dài hạn, còn trước mắt khi đầu tư các dự án, Vinapharm có thể lỗ một vài năm.

Đất cũng không hấp dẫn?

Vinapharm đang quản lý, sử dụng một số lô đất lớn tại Thành phố Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.

Tại số 95 Láng Hạ - Hà Nội, lô đất có diện tích 3.279,7 m2 đang lên kế hoạch hợp tác với liên danh CTCP Đầu tư tài chính Đất Việt và CTCP Đầu tư xây dựng thương mại sông Hồng xây dựng DA trung tâm kinh doanh dược phẩm, văn phòng, căn hộ. Tuy nhiên do khu đất có nhiều chủ sở hữu và hiện chưa thống nhất được phương án phân chia quyền lợi và nghĩa vụ nên việc triển khai dự án chưa thể khả thi trong ngắn hạn.

Tại số 60B Nguyễn Huy Tưởng là lô đất có diện tích 2.670 m2, Vinapharm hợp tác với CTCP Xây dựng Vinaconex - PVC Xây dựng tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư PVV-Vinapharm, dự kiến hoàn thành cuối năm 2017 và đưa vào khai thác từ năm 2018.

Theo tính toán của Vinapharm, trong năm 2017 có thể tạm thu 60% tiền bán 1.500m2 căn hộ (giá 25 triệu/m2) đem lại lợi nhuận dự kiến 22,5 tỷ đồng. Năm 2018 hoàn thành DA thu nốt 40% tiền bán, LN dự kiến là 15 tỷ đồng và cho thuê 60% diện tích 1.500m2 sàn cho thuê văn phòng (giá 12 triệu/m2/năm), LN dự kiến là 7 tỷ.

2 lô đất tại số 12 Ngô Tất Tố (gồm 1 lô có diện tích 1.863,7 m2 và 1 lô có diện tích 128,4 m2) và các lô đất tại thành phố Hồ Chí Minh gồm số 178 Điện Biên Phủ (1.235,7 m2) và số 126A Trần Quốc Thảo (gần 692 m2) đều được sử dụng để làm văn phòng, trụ sở làm việc.

Ngoài ra còn có lô đất tại số 138B Giảng Võ (Hà Nội) chờ bàn giao về Bộ Y Tế. Tất cả đều là đất thuê trả tiền hàng năm.

Theo Bảo Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM