Bí quyết nào giúp một nhân viên văn thư 40 tuổi, lương 7 USD/giờ thành người có thu nhập 500.000 USD/năm chỉ sau 4 năm?

06/10/2020 10:30 AM | Kinh doanh

Ngày nay, không nhiều người thực hiện sẵn sàng tiến thêm một bước để làm những việc vượt trên sự mong đợi của người khác. Nhưng đó lại là tiêu chuẩn của những người thành công. Họ luôn biết rằng làm được những điều trên cả mong đợi sẽ giúp họ trở nên khác biệt.

Stephen J. Cannell vốn là nhà sản xuất và biên kịch phim, công ty ông có 2000 nhân viên. Ông đã thuê những tài năng trẻ từ những trường điện ảnh về để làm việc trong phòng văn thư và một số công việc khác tương tự. Cannell thường nghe thấy những lời phàn nàn về mức lương thấp, chỉ được 7 đô la một giờ cũng như về việc phải làm thêm ngoài giờ của họ. 

Ông nghĩ: À, nhân viên không muốn làm những việc này. Công việc, tiền lương và công ty này chỉ là nằm trong một giai đoạn ngắn trong cuộc đời của họ. Trong khi hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để bắt đầu sự nghiệp, thì họ lại chỉ biết phàn nàn về những vấn đề trong ngắn hạn như tiền lương. Họ thậm chí còn không hiểu được rằng cuộc sống của họ thực sự được quyết định bởi thời gian và nỗ lực khi họ làm việc dưới phòng  văn thư.

Bí quyết nào giúp một nhân viên văn thư 40 tuổi, lương 7 USD/giờ thành người có thu nhập 500.000 USD/năm chỉ sau 4 năm? - Ảnh 1.

Stephen J. Cannell

Rồi một ngày, Cannell tuyển một nhân viên hoàn toàn khác. Anh ta đã 40 tuổi và từng chơi trống cho một ban nhạc rock and roll. Số tiền anh kiếm được khi còn chơi nhạc là hơn 100.000 đô la mỗi năm. Vợ anh sắp sinh em bé, nên anh không muốn tiếp tục đi lưu diễn khắp nơi. Anh sẵn sàng làm những công việc có mức lương vào loại thấp nhất như nhân viên văn thư của Cannell.

"Anh đã gặp nhân viên mới chưa?" mọi người hỏi nhau.

Không lâu sau đó, mọi người đều bàn về đạo đức, quan niệm nghề nghiệp và cách anh làm việc. Steve Beers là một trong những người luôn quan tâm tới mọi việc xung quanh, luôn lắng nghe và thực hiện những gì cần phải làm.

Một lần, anh được cử làm lái xe cho Cannell. Anh nghe thấy Cannell nói về việc bộ trang phục của mình cho cuộc họp quan trọng tới đây chưa được giặt. Hôm sau, bộ quần áo đó được treo sạch sẽ trong xe limo của Cannell. Cannell hỏi tại sao nó lại ở đó và sạch như vậy thì anh ta trả lời: "Tôi lấy nó từ vợ ông rồi đem đi giặt."

Bí quyết nào giúp một nhân viên văn thư 40 tuổi, lương 7 USD/giờ thành người có thu nhập 500.000 USD/năm chỉ sau 4 năm? - Ảnh 2.

Steve Beers và vợ.

Khi anh nghe thấy một thư ký nói cần phải đến thanh toán séc cho ngân hàng gấp, anh đã đề nghị cho mình làm việc đó vào giờ ăn trưa. Khi các nhân viên văn thư trẻ tuổi nổi đóa lên vì phải mang kịch bản đến cho đạo diễn vào giữa đêm, Beers nói: "Đưa đây, tôi mang đi cho". Anh ta chẳng bao giờ đòi hỏi một sự đền đáp hay lời khen ngợi nào cho những nỗ lực của mình.

Khi hai loạt phim của Cannell cùng phải tổ chức thực hiện vào một ngày, lúc đó Beers vừa được chỉ định làm trợ lý sản xuất cho hai loạt phim mới này, Cannell đã quyết định giao 21 Jump Street cho anh. Đây là một bước nhảy vọt của Beers khỏi phòng văn thư. Một năm sau đó, Cannell chính thức bổ nhiệm anh làm nhà sản xuất của 21 Jump Street và sau đó không lâu là đồng quản lý seri phim đó và Booker. Mức lương hàng năm của anh là trên 500.000 đô la.

"Anh ấy không phải là một nhà biên kịch". Cannell nói: "Anh ấy không hề có một công cụ hay kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà quản lý sản xuất phim - ngoại trừ một điều, đó là anh ấy luôn làm việc hết sức hăng say. Chính điều này khiến anh ta vượt trội hơn những người khác. Và cũng chính điều đó đã cho tôi thấy một cách chính xác những quan niệm nghề nghiệp và sự hiến dâng cho công việc của anh ấy".

Từ sau khi trở thành đồng quản lý sản xuất của 21 Jump Street, Beers đã cho ra đời hàng loạt seri phim khác, trong đó có seri phim khoa học viễn tưởng Taken của Steven Spielberg. Hiện tại, Beers đang làm quản lý sản xuất cho seri phim rất ăn khách Dead Like Me của Showtime. Trong danh sách các bộ phim của Beers có thể kể tới Dead Like Me, Magnificent Seven, Seaquest và tất nhiên cả 21 Jump Street.

Nguyên tắc thành công nào đã biến Steve Beers từ một nhân viên văn thư thành một nhà quản lý - từ mức lương 7 đô la một giờ lên 500.000 đô la mỗi năm? Anh luôn sẵn sàng tiến thêm một bước để làm những việc vượt trên sự mong đợi của người khác.

Từ câu chuyện của Steve Beers, hãy tự hỏi bạn sẽ giành được gì khi luôn sẵn sàng cố tiến thêm một bước, luôn có thêm những nỗ lực để làm thêm những việc dù là nhỏ? Ngay bây giờ, bạn có hay không những điều kiện để mình làm nhiều hơn, mang đến những giá trị tốt hơn, hay cải thiện những phẩm chất bạn cần có? Bạn có hay không những cơ hội để tiến thêm một bước nữa, kể cả những cơ hội do chính bạn tạo ra?

Bạn có phải là người luôn cố gắng tiến thêm một bước nữa để thực hiện những lời hứa của mình hay còn làm được nhiều hơn thế? Ngày nay, không nhiều người thực hiện được việc này. Nhưng đó lại là tiêu chuẩn của những người thành công. Họ luôn biết rằng làm được những điều trên cả mong đợi sẽ giúp họ trở nên khác biệt. Như một thói quen, họ luôn muốn làm tốt hơn nữa. Kết quả là, không những giành được phần thưởng tài chính xứng đáng với nỗ lực của bản thân, họ còn có thể cải thiện bản thân, trở nên tự tin hơn, tự lập hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn tới những người xung quanh.

Nếu bạn muốn vượt trội hơn trong những việc bạn làm - trở nên thực sự thành công trong việc học tập, kinh doanh hay cuộc sống - hãy làm nhiều hơn những gì được yêu cầu, hãy luôn mang đến nhiều hơn những gì được mong đợi. Việc kinh doanh của bạn sẽ nhận được nhiều hơn sự tôn trọng và trung thành từ phía khách hàng.

TN

Cùng chuyên mục
XEM