Bí mật Facebook, Twitter,... gây nghiện cho người dùng: Dùng cơ chế hoạt động như ngành cơ bạc
Các mạng xã hội đang sử dụng các kỹ thuật tương tự như các công ty cung cấp dịch vụ đánh bạc nhằm tạo ra sự phụ thuộc về tâm lý và khiến sản phẩm của họ ăn sâu vào cuộc sống của người dùng.
Những phương thức này hiệu quả đến nỗi chúng có thể kích hoạt các cơ chế tương tự trong não như cocain, tạo ra tâm lý thèm muốn và thậm chí tạo ra những cuộc gọi hoặc chuông báo ảo tưởng, khi đó người dùng còn cảm thấy sự rung của một chiếc điện thoại kể cả khi nó không có ở đó.
"Facebook, Twitter và các công ty khác đang sử dụng phương thức của ngành cờ bạc để lôi kéo người dùng," Natasha Schüll, tác giả của cuốn sách "Addiction by Design" (tạm dịch: Gây nghiện có chủ đích), cho biết. "Trong nền kinh tế online, doanh thu được đo bằng sự chú ý liên tục của người dùng – tức là số lượng nhấp chuột và thời gian truy cập các trang web."
Dù đó là các dòng đối thoại ở Snapchat, thanh cuộn để xem ảnh trên Facebook, hay chơi CandyCrush, bạn cũng bị hút vào các vòng lặp giải trí hay những chu kỳ vô định, dự tính và phản hồi – và phần thưởng nhận được chỉ đủ để giữ cho bạn tiếp tục dán mắt vào màn hình.
"Chúng ta phải nhận ra được thiệt hại từ khoảng thời gian dành cho các mạng xã hội. Đó không chỉ là một trò chơi – nó còn ảnh hưởng đến các khía cạnh tài chính, sức khỏe và cảm xúc của chúng ta", Schüll cảnh báo.
Tái tạo tâm lý đứng trước một chiếc máy đánh bạc
Theo Tristan Harris, một cựu nhân viên thiết kế của Google, cơ chế kéo màn hình xuống để refresh và cuộn xuống để xem các dòng tin tức mới cũng tương tự như một chiếc máy đánh bạc.
"Bạn kéo cần gạt và ngay lập tức nhận được một phần thưởng hấp dẫn hoặc không gì cả", Harris cho biết.
Chúng ta không thể biết khi nào được thưởng, và thường thì chúng ta chẳng thấy mình được tưởng thưởng thứ gì hay ho thú vị cả, cũng như đánh bạc vậy. Nhưng đó chính là yếu tố khiến chúng ta tiếp tục quay lại.
"Các mạng xã hội chứa đầy các phần thưởng không đoán định được. Chúng cố gắng nắm lấy sự chú ý của người dùng… để khiến người dùng tạo ra một thói quen là luôn luôn kiểm tra màn hình của mình."
Tương tự như trò đỏ đen, vốn làm thay đổi cấu trúc não bộ và khiến con người dễ mắc trầm cảm và lo lắng, sử dụng mạng xã hội cũng khiến người ta bị trầm cảm và có nhiều tác động tâm lý tiêu cực và đôi khi những tổn hại này vẫn bị bỏ qua và coi nhẹ.
Chẳng hạn sự phụ thuộc vào điện thoại dẫn chúng ta đến tình trạng nghĩ rằng điện thoại của mình đang rung, hoặc tưởng mình vừa nhận được một tin nhắn, dù rằng thực tế không phải như vậy.
Dù có hại nhưng số lượng người dùng Facebook vẫn đạt 2,13 triệu vào đầu năm nay, tăng 14% so với năm ngoái. Lý do chủ yếu là bởi Facebook đã trở thành một phần cố hữu trong cuộc sống của con người.
Nhà tâm lý học hành vi Nir Eyal đã giải thích người ta trở nên "nghiện" mạng xã hội như thế nào: "Bắt đầu chỉ là một hành động, một phần thưởng và sau đó là sự đầu tư cả về thời gian và công sức. Rồi các chu kỳ liên tục hình thành, những móc nối được tạo ra và các thói quen dần ăn sâu vào mỗi người."
Chúng ta nhìn thấy hiện tượng này ở mọi loại hình sản phẩm, dù là mạng xã hội hay các sòng bạc. Đây là một phần quan trọng trong cách các thói quen của chúng ta thay đổi.
"Các sản phẩm được thiết kế để lôi cuốn người dùng và những gì lôi cuốn với người này sẽ gây nghiện đối với những người khác, điều đó là chắc chắn", Nir Eyal cảnh báo.