Bí kíp giữ gìn hạnh phúc của các cặp đôi? Đó là ngủ mỗi người một giường - điều đã được khoa học chứng minh

27/12/2019 14:30 PM | Khoa học

Nhưng liệu ngủ riêng có gây ảnh hưởng đến "chuyện ấy" không nhỉ? Ồ không, không hề luôn nhé!

Vợ chồng là người "đầu ấp tay gối", nên việc ngủ chung tưởng như là chuyện hết sức hiển nhiên. Nhưng điều này không có nghĩa những cặp đôi ngủ riêng, mỗi người một giường thì không hạnh phúc. Thậm chí, ngủ riêng còn có thể xem là lý do giúp họ duy trì hạnh phúc nữa kia, theo như khoa học chứng minh.

Cụ thể theo khảo sát mới nhất của... một công ty nội thất, cứ 6 cặp đôi lại có 1 chọn ngủ riêng, không phải vì tình cảm của họ trở nên kém mặn nồng mà là để giấc ngủ được trọn vẹn hơn. Theo đó, việc một trong hai ngủ ngáy, hay ngọ nguậy, hoặc mò vào giường lúc nửa đêm khi người kia đã đang say giấc... thực sự là nguyên nhân gây ức chế, khiến cả hai chỉ muốn tách nhau ra mà thôi.

Nghe thì tưởng là không đáng tin khi đây là nghiên cứu của công ty nội thất. Nhưng hóa ra, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với nó. Chẳng hạn như tiến sĩ Neil Stanley từng có 35 năm nghiên cứu về giấc ngủ, chính bản thân ông dù có vợ nhưng vẫn ngủ riêng bấy lâu nay. Thậm chí, họ còn ngủ khác phòng luôn.

"Tôi đặc biệt ủng hộ chuyện các cặp đôi có thể ngủ riêng," - Stanley cho biết.

Năm 2005, ông cùng một số đồng nghiệp thực hiện một nghiên cứu, trong đó theo dõi giấc ngủ của một số cặp đôi. Kết quả cho thấy khi một người ngủ không ngon, nửa còn lại cũng chịu ảnh hưởng. "Trên thực tế, 1/3 nguyên nhân gây ngăn trở giấc ngủ đến từ chính người ngủ cùng," - ông chia sẻ.

Và hệ quả từ giấc ngủ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng lớn, cả đến sức khỏe lẫn tình trạng của mối quan hệ. Theo nghiên cứu từ ĐH Y Paracelsus (Đức), những cặp vợ chồng ngủ không ngon thường có tỷ lệ ly dị cao hơn. Ngoài ra khi một người khó ngủ, họ cũng trở nên kém đồng cảm, dễ gây tranh cãi, và cũng dễ ốm nữa.

Bí kíp giữ gìn hạnh phúc của các cặp đôi? Đó là ngủ mỗi người một giường - điều đã được khoa học chứng minh - Ảnh 1.

"Giấc ngủ không tốt có thể gây ảnh hưởng đến năng suất lao động, tình trạng quan hệ, làm tăng rủi ro gây tai nạn, và trong dài hạn có thể dẫn đến tăng cân, tiểu đường, thậm chí là trầm cảm," - Stanley chia sẻ. Theo ông, mỗi cơ thể đều có đồng hồ sinh học, và việc khiến cái đồng hồ ấy bị gián đoạn trong thời gian dài chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không tốt.

"Giấc ngủ là rất quan trọng, vậy nên chẳng việc gì phải khiến nó trở nên khó khăn chỉ vì việc ngủ chung cả," - tiến sĩ Stanley kết luận.

Chuyện ấy thì sao?

Nhưng việc ngủ riêng cũng có vấn đề. Liệu điều này có gây ảnh hưởng tiêu cực đến chuyện phòng the - một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để làm nên hạnh phúc trong hôn nhân?

Thực ra thì... không! Theo tiến sĩ Stanley, do chất lượng giấc ngủ đã được cải thiện, "chuyện ấy" khi đó sẽ trở nên chủ động hơn ở cả hai phía.

"Trong một nghiên cứu, đã từng có nhà xã hội học chỉ ra rằng lý do khiến một cặp đôi làm "chuyện ấy" trước khi ngủ là vì đó là khoảng thời gian duy nhất họ ở cùng nhau trong cả một ngày," - Stanley chia sẻ.

"Điều này có nghĩa rằng khoảng thời gian ấy chưa chắc đã là lý tưởng nhất, cả về thể chất lẫn tâm lý."

Trong một cuốn sách mới xuất bản năm 2019, giáo sư Hilary Hinds từ ĐH Lancaster (Anh) cho biết trước thập niên 1950, chuyện ngủ chung giường tại châu Âu vẫn còn chưa phổ biến. Các cặp đôi lâu năm thuộc tầng lớp trung lưu trở lên luôn ngủ khác phòng, rồi vào cuối thế kỷ 20 giường tầng xuất hiện.

Bí kíp giữ gìn hạnh phúc của các cặp đôi? Đó là ngủ mỗi người một giường - điều đã được khoa học chứng minh - Ảnh 2.

"Trước kia có quan niệm rằng bệnh tật có thể xâm nhập khi hít thở không khí không trong lành. Vậy nên nhiều người lo lắng rằng nếu hít phải hơi thở của người chung giường sẽ mang đến rủi ro." - Hinds giải thích

"Quan niệm này không hoàn toàn chính xác, nhưng ngay cả khi khoa học phát triển thì giường tầng cũng không mất đi. Mục đích của nó bây giờ là giúp người ngủ không phải chịu đựng tiếng ngáy, và cho phép họ có khoảng riêng tư nhất định. Sau giai đoạn Thế chiến, giường đôi lại trở nên phổ biến hơn, và các cặp đôi bắt đầu ngủ chung."

Dù vậy, Hinds cho rằng các cặp đôi vẫn là những cá thể riêng biệt, cần có sự riêng tư nhất định. Vấn đề nằm ở chỗ, không phải cặp đôi nào cũng có thể đủ điều kiện để có phòng riêng cho mỗi người. Trong tình huống này, phải làm như thế nào?

"Ít nhất, hãy chọn một chiếc giường thật rộng, bề ngang ít nhất 1,8m, vì một chiếc giường đơn bình thường cũng đã gần 1m ngang rồi."

"Giấc ngủ nên là thứ chúng ta có thể tỏ ra ích kỷ. Chẳng ai ngủ hộ bạn được, vậy thì tại sao phải ngủ chung làm gì?"

Theo JD

Cùng chuyên mục
XEM