Bi kịch nam giới không việc làm - Ngòi nổ của "quả bom dân số" Nhật Bản
Ở đất nước mà nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, không có đủ việc làm tốt sẽ tạo nên 1 tầng lớp nam thanh niên không muốn kết hôn và có con bởi họ biết rằng mình không có đủ khả năng để làm điều đó.
Dân số của Nhật Bản vẫn đang co hẹp. Lần đầu tiên kể từ khi Chính phủ Nhật bắt đầu theo dõi số liệu về dân số cách đây hơn 100 năm, trong năm ngoái đất nước này ghi nhận có ít hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra, đồng thời tổng số dân sụt giảm hơn 300.000 người.
Đã có nhiều bài viết nói về nguyên nhân gây nên tình trạng này, trong đó có thể kể đến những yếu tố như nam giới trẻ tuổi không thích chuyện chăn gối vì cuộc sống quá áp lực hay những cô gái trẻ Nhật Bản không muốn kết hôn hay có con sớm vì muốn theo đuổi sự nghiệp.
Bài viết này sẽ nói về một lý do đơn giản hơn rất nhiều và cũng là lý do phổ biến ở nhiều nước khác: tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm xuống vì có ít hơn những cơ hội tốt cho người trẻ, đặc biệt là nam giới. Ở đất nước mà nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, không có đủ việc làm tốt sẽ tạo nên 1 tầng lớp nam thanh niên không muốn kết hôn và có con bởi họ biết rằng mình không có đủ khả năng để làm điều đó.
“Đó là xu hướng đang lan ra cả thế giới – nam giới đang trải qua những thời khắc khó khăn hơn”, Anne Allison, giáo sư tại ĐH Duke nói. “Tỷ lệ sinh giảm, thậm chí tỷ lệ kết hôn cũng giảm. Và nhiều người nói rằng lý do số một chính là vì khả năng kinh tế không được đảm bảo”.
Câu chuyện này nghe có vẻ ngạc nhiên đối với Nhật Bản, nền kinh tế hàng đầu thế giới và đang có tỷ lệ thất nghiệp chưa đến 3%. Tuy nhiên, xu hướng suy giảm các cơ hội kinh tế có gốc rễ từ một xu hướng lớn hơn: ngày càng ít các công việc ổn định và vững chắc.
Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, ở Nhật Bản đã xuất hiện khái niệm lao động thường xuyên, tức là người Nhật thường chỉ làm 1 công việc duy nhất cho đến lúc nghỉ hưu. Họ quan niệm chỉ cần làm việc chăm chỉ là sẽ được hưởng trợ cấp tốt, tăng lương đều đặn và có thể gắn bó với công ty suốt đời. Tuy nhiên, theo Jeff Kingston, giáo sư tại ĐH Temple và là tác giả của một vài cuốn sách viết về Nhật Bản, hiện khoảng 40% lao động Nhật Bản phải làm công việc không thường xuyên. Điều đó đồng nghĩa là họ không có được sự nghiệp vững chắc, thay vào đó làm những công việc thời vụ có mức lương thấp và không có trợ cấp.
Những lao động như vậy vẫn được tính là có việc làm trong số liệu thống kê của Chính phủ. Chỉ khoảng 20% lao động không thường xuyên có thể chuyển đổi sang 1 công việc thường xuyên. Theo Kingston, từ năm 1995 đến 2008, số lao động thường xuyên đã giảm 3,8 triệu trong khi số lượng lao động không thường xuyên tăng 7,6 triệu.
Ở Nhật, các lao động không thường xuyên đôi lúc được gọi là “freeters”, từ kết hợp giữa freelance (chỉ người làm công việc tự do) và từ arbeiter (có nghĩa là lao động theo tiếng Đức). Giáo sư Kingston cho rằng nhóm lao động không thường xuyên bắt đầu mạnh lên ở Nhật từ những năm 1990, khi Chính phủ cải cách luật lao động và cho phép các doanh nghiệp sử dụng lao động tạm thời một cách rộng rãi hơn. Ở thời kỳ sau này, toàn cầu hóa buộc các công ty phải cắt giảm chi phí và lao động thời vụ là 1 lựa chọn hợp lý. Các sinh viên mới tốt nghiệp ngày càng khó thăng tiến hơn.
Trong một xã hội mà nam giới là trụ cột của gia đình, điều này tác động rất mạnh đến việc kết hôn và nuôi con. Những người nam giới không có việc làm thường xuyên sẽ khó tìm vợ hơn, thậm chí nếu họ tìm được người đồng cảm thì cũng sẽ gặp phải sự phản đối của các bậc phụ huynh. Chỉ có khoảng 30% lao động không thường xuyên quanh 30 tuổi có thể kết hôn, so với tỷ lệ 56% trong nhóm có việc làm thường xuyên.
“Nếu bạn tốt nghiệp và không thể kiếm được 1 việc làm thường xuyên, người ta sẽ nhìn bạn như một kẻ thất bại”, giáo sư Ryosuke Nishida của Viện công nghệ Tokyo nói.
Trong khi đó nữ giới muốn tìm việc làm cũng khó khăn. Họ phải làm những công việc không thường xuyên với giờ giấc thay đổi liên tục và thù lao thấp, ảnh hưởng đến chuyện chăm sóc gia đình. Thêm vào đó khoảng 70% phụ nữ Nhật sẽ nghỉ việc sau khi sinh đứa con đầu tiên, do đó sẽ phải phụ thuộc vào lương của người chồng.
Phụ nữ Nhật sống tại các thành phố lớn cho biết họ cảm thấy mệt mỏi vì không thể tìm được 1 người chồng tốt. Một khảo sát mới được thực hiện trong nhóm người từ 18 đến 34 cho thấy gần 70% nam giới độc thân và 60% nữ giới độc thân ở Nhật Bản đang không ở trong mối quan hệ nào cả.