Bi hài chuyện khách mua ép giá quá rẻ, người bán đuổi cả khách lẫn môi giới ra khỏi nhà
Trả giá thật sâu, thậm chí phi lý vẫn là tình trạng diễn ra trên thị trường bất động sản hiện nay. Theo các môi giới, có nhiều người mua dù rất ưng ý bất động sản nhưng vẫn trả giá giảm thật sâu và cái kết là mất đi cơ hội mua nhà.
Theo ghi nhận, việc mua bán bất động sản hiện nay đang bị ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố tâm lý. Đây là nguyên nhân khiến giao dịch chưa diễn ra nhiều và phát sinh những câu chuyện trả giá, ép giá bên bán một cách vô lý.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, tình trạng bên mua ép giá bên bán đã diễn ra khá nhiều trên thị trường bất động sản. Đến nay, dù thị trường đã có một số tín hiệu về thanh khoản, sức cầu nhưng tình trạng trả giá này vẫn diễn ra. Người mua giữ tâm lý giá bất động sản có thể còn đi xuống nữa nên liên tục vào trả giá thật sâu căn nhà/mảnh đất so với giá bán ra .
Thậm chí, theo một môi giới tự do khu Đông Tp.HCM, có khách đầu tư khi được môi giới giới thiệu căn nhà, khi trả giá không được chủ nhà chấp nhận liền tỏ thái độ.
Việc trả giá khi mua bán bất động sản thời điểm nào cũng có, tuy nhiên với bối cảnh thị trường như hiện nay tâm lý trả giá sâu diễn ra liên tục. Nhiều người vẫn nghĩ, lúc thị trường khó giá phải thật rẻ, hàng phải thật tốt mới nên mua. Thế nhưng, trả giá là việc của bên mua, còn bán hay không là chuyện của người bán.
Theo một số môi giới, khi gặp người mua trả giá, chủ nhà tử tế sẽ nói: “Tôi đâu có nợ ngân hàng hay gấp bán đâu mà anh chị trả giá như đi chợ vậy” hay “nhà nào giá đó chứ anh chị trả vậy đâu thấy có sự thiện chí nào ở đây. Anh chị đổi lại là chủ xem tâm trạng tôi như thế nào…”. Còn với những chủ nhà khó tính nếu bị trả giá thấp quá sẽ đứng dậy bỏ đi hoặc thậm chí đuổi cả khách và môi giới ra khỏi nhà.
Theo chia sẻ của những người trong cuộc thì việc tâm lý khách hàng bất ổn cũng một phần đến từ các thông tin không chính xác từ việc đăng tin của môi giới. Nhiều môi giới bát nháo thao túng tâm lý người mua bằng các bài đăng ảo như: Nhà ngộp sâu, nhà nợ ngân hàng, cần bán gấp đi định cư, cần tiền trả nợ xã hội đen…Với khách mua, một phần bị thao túng tâm lý, phần vì không nắm rõ được diễn biến thị trường nên luôn nghĩ tất cả sản phẩm bất động sản đều là hàng ngộp, vào trả giá rất sâu.
Theo ông Phan Vi, một môi giới nhà đất lâu năm tại Tp.HCM, thực tế không phải bất động sản ngộp giá quá sâu như chúng ta nghĩ. Mặc dù độ chênh về giá nhà đất là có sau hai chu kì lên – xuống, nhưng nếu xét theo về độ tăng trưởng, nhà đất vẫn giữ giá lúc thị trường khó thanh khoản. Chẳng hạn, với nhà phố có giá trị thật là 5 tỉ đồng nhưng bán ra lúc thị trường tốt sẽ có khoảng 6 tỉ. Nhưng thị trường đi xuống giá chốt lại về hơn 5 tỉ một chút, thành ra gọi là ngộp bán dưới giá thị trường. Nhưng tính ra, đó chỉ là mức giảm lời hoặc giảm nhẹ.
Theo ông Vi, chính vì tâm lý chờ giảm giá sâu và liên tục trả giá đã khiến nhiều người mất cơ hội mua bất động sản ưng ý. Có những khách hàng dù đã đủ tài chính, ưng ý căn nhà nhưng vì lưỡng lự về giá nên căn nhà vào tay người khác sau đó. Hiện khách mua vẫn có tâm lý chờ căn khác tốt hơn vì cho rằng thị trường hiện nhan nhãn nguồn cung bán ra. Thế nhưng, chính sự kì vọng cao khiến nhiều khách hàng bỏ lỡ căn nhà phù hợp với tài chính và sở thích của mình.
"Tâm lý kỳ vọng lớn trong suy nghĩ về bất động sản muốn mua; tâm lý mua cảm tính; tâm lý biết đâu có căn ngon hơn nữa…là khá phổ biến. Thế nhưng rất nhiều người gặp cảnh trớ trêu, không còn căn nào ưng ý như vậy nữa, phải mua lại căn tệ hơn mà giá cao hơn…Vì thế, sự kì vọng và quyết định nên thống nhất dựa trên yếu tố nhu cầu, đồng thời phân tích tài chính mua của bản thân”, ông Phan Vi chia sẻ.