Bị cáo Trương Mỹ Lan: Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu
Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu vì không liên quan lĩnh vực tài chính ngân hàng, chủ trương này từ lãnh đạo SCB.
Chiều 23/9, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Là người đầu tiên được xét hỏi, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu vì không liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng và nếu có phát hành thì Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có đủ điều kiện để phát hành.
Tuy nhiên do Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) đề xuất Trương Mỹ Lan cho mượn các công ty để phát hành trái phiếu nhằm cứu Ngân hàng SCB đang gặp khó khăn.
“ Bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB - đang bị truy nã) nói chị ơi dạo này thanh tra nhiều đoàn quá, chị giúp cho mượn công ty đủ điều kiện để phát hành trái phiếu”, bị cáo Lan nói.
HĐXX: Theo bị cáo, chủ trương phát hành trái phiếu ai đề xuất?
Trả lời, bị cáo Lan cho rằng, bà Nguyễn Phương Hồng chủ trương đề xuất cho phát hành, bị cáo chỉ đưa tài sản vào Ngân hàng SCB. Lúc đó, SCB nói nếu không cho mượn tài sản để phát hành trái phiếu thì SCB sẽ sập đổ hết.
HĐXX: Nhóm trái phiếu này có tài sản đảm bảo không?
Lúc đó bị cáo không biết là có tài sản hay không, bị cáo chỉ biết là tài sản của Công ty An Đông đều do SCB giữ rồi. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không sử dụng tiền gói phát hành trái phiếu của Công ty An Đông.
“ Bị cáo nghĩ phát hành trái phiếu Công ty An đông thì SCB sẽ tự cân đối dòng tiền ”, Trương Mỹ Lan khai.
Chủ tọa hỏi: " Vậy có chủ trương cho Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) làm trái phiếu không"?
Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời, trước khi bị bắt đã từng "tranh thủ ăn trưa" với Chủ tịch HĐQT SCB, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB), Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Tân Việt). Trong bữa ăn này, bà Lan được đề cập đến câu chuyện cho mượn công ty để phát hành trái phiếu.
" Chị cho tụi em mượn công ty để phát hành trái phiếu có an toàn hay không? Tôi nhận được câu trả lời: Chị yên tâm", bị cáo Lan trình bày và cho rằng việc phát hành trái phiếu phải xem lãnh đạo của SCB là người đề ra chủ trương, vì họ biết làm gì, làm như thế nào, chỉ có họ mới biết rõ.
Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, việc phát hành trái phiếu Công ty An Đông, Nguyễn Phương Hồng là người chủ động làm và nắm rõ hết, thủ tục được bàn với Nguyễn Tấn Thành. Số tiền phát hành trái phiếu, bị cáo Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không sử dụng dòng tiền phát hành này. Trong quá trình làm việc với C03, bị cáo có nói rằng, cho bị cáo biết dòng tiền của Công ty An Đông đi đâu, sử dụng như thế nào, cho bị cáo xem tất cả các thu chi…
" Dù không sử dụng tiền, giúp điều tra rõ ai là người ra chủ trương, nhưng bị cáo vẫn nhận trách nhiệm khắc phục hậu quả hằng ngày cho người dân", Trương Mỹ Lan nói.
Chủ tọa nói các bị cáo tại tòa hôm nay đều khai việc phát hành trái phiếu từ chủ trương của Trương Mỹ Lan. Trả lời tòa, bị cáo Lan nói sẵn sàng chịu trách nhiệm cho người dân, riêng về phát hành trái phiếu của An Đông, bị cáo rất đau lòng, vì người nhà cũng mua trái phiếu 5.000 tỷ đồng.
Trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết không ý kiến gì về nội dung của cáo trạng. Về các lời khai của 28 bị cáo trước toà, bị cáo Lan mong rằng HĐXX xem xét cho 28 bị cáo trong nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì họ không hưởng lợi gì, chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình.
Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.
Ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ năm 2018 đến 2020, Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP, sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với 308 triệu trái phiếu.
Trương Mỹ Lan huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về 30.081 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Ở tội Rửa tiền, từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm chiếm đoạt 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và phát hành trái phiếu như trên.
Trong quá trình chiếm đoạt số tiền này, Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền do phạm tội mà có.
Số tiền này chủ yếu để chi trả khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty, cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng “khống”.
Từ 27/10/2012 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài.
Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng). Trong đó, chuyển đi 1,5 tỷ USD (tương đương hơn 35.361 tỷ đồng), nhận về hơn 3 triệu USD (tương đương 71.368 tỷ đồng).
Cáo buộc cho rằng bị can Trương Mỹ Lan là người chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn này. Trương Mỹ Lan đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.
Bà chủ Vạn Thịnh Phát họp bàn với các đồng phạm là nhân sự chủ chốt của tập đoàn, Ngân hàng SCB, Công ty TVSI chọn và sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu "khống", chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.