Bí ẩn đằng sau sự thành công của lĩnh vực kỹ thuật hiếm hoi Trung Quốc đang 'vượt mặt' Mỹ
Công nghệ nhận diện hình ảnh bằng trí thông minh nhân tạo (AI) là một trong số những kỹ thuật hiếm hoi mà Trung Quốc tự hào là có thể vượt lên trên Mỹ.
Thời gian gần đây, câu chuyện chính phủ Trung Quốc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt người để đánh giá công dân đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia nước ngoài. Cũng dễ hiểu vì công nghệ nhận diện hình ảnh bằng trí thông minh nhân tạo (AI) là một trong số những kỹ thuật hiếm hoi mà Trung Quốc tự hào là có thể vượt lên trên Mỹ.
Tuy nhiên để xây dựng được nên hệ thống công nghệ hiện đại này lại là cả một câu chuyện dài đằng sau đó.
Trái với vẻ hào nhoáng hiện đại của kỹ thuật này, rất nhiều nhân viên lập trình hay các công ty công nghệ tại Trung Quốc xây dựng nó trong những văn phòng cũ kỹ, từng là một nhà máy sản xuất xi măng tại vùng quê chứ không phải ở các trung tâm công nghệ như Thẩm Quyến hay Bắc Kinh.
Tại một trong những phân xưởng đó, hàng tá người ngồi theo dõi các đoạn hình ảnh và phân cấp nhằm giúp trí thông minh nhân tạo hiểu được sự khác biệt của các bức ảnh. Từ hình ảnh một chiếc xe, đèn giao thông, bánh mỳ, sữa… cho đến khuôn mặt con người.
"Tôi từng nghĩ rằng máy móc khá thông minh. Nhưng giờ đây tôi mới hiểu ra rằng chúng tôi mới là nguyên nhân khiến chúng ‘thông minh’ được như thế", Anh Hou Xiameng, chủ của công ty xây dựng trí thông minh nhân tạo nhằm nhận dạng khuôn mặt người ở Trung Quốc nói.
Nếu trước đây Trung Quốc là công xưởng của thế giới với hàng triệu lao động giá rẻ lắp ráp các mặt hàng công nghệ thấp thì giờ đây quốc gia này đang cố thay đổi để đi lên trong chuỗi sản xuất. Hàng loạt những startup nhỏ được thành lập nhằm phát triển công nghệ mới. Tuy nhiên, đối với trí thông minh nhân tạo nhận diện mặt người, Trung Quốc vẫn cần rất nhiều nhân lực thủ công đi phân loại và trợ giúp thứ công nghệ mà họ tự hào vượt trội hơn so với Mỹ.
Trí thông minh "nhân tạo" của Trung Quốc
Nhiều chuyên gia từng đánh giá công nghệ AI của Trung Quốc có một số ưu thế vượt trội hơn so với Mỹ. Tuy nhiên theo tờ New York Times, điều này là dễ hiểu khi chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ rất nhiều về vốn, nhân lực và chính sách cho các công ty phát triển AI.
Những startup của Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng số công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ này năm 2017, cao hơn cả Mỹ. Quốc gia này cũng ngày càng đóng góp nhiều hơn cho những nghiên cứu hàn lâm về công nghệ. Thậm chí Trung Quốc đã từng thẳng thắn tuyên bố muốn dẫn đầu thế giới vào năm 2030 về mảng AI.
Một yếu tố nữa khiến mảng Ai của Trung Quốc phát triển dễ dàng hơn các nước Phương Tây là việc truy cập dữ liệu quá dễ. Đất nước 1,4 tỷ dân này có hệ thống luật bảo vệ thông tin cá nhân vô cùng yếu khi chính phủ lẫn các công ty tư nhân có thể tự do truy cập vào dữ liệu của bất kỳ khách hàng nào mà hiếm khi bị phát hiện, xử phạt hay bồi thường. Đây là điều khó thực hiện tại các nước Phương Tây kể cả khi các doanh nghiệp như Facebook, Google hay Amazon sở hữu lượng lớn số liệu người tiêu dùng bởi quy định luật quá chặt chẽ.
Hơn nữa, việc ngày càng nhiều người Trung Quốc giao dịch, liên hệ hay sử dụng smartphone, Internet khiến lượng số liệu ngày càng nhiều, qua đó cho phép các startup xây dựng lượng lớn kho lưu trữ cho công nghệ AI.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cuộc đua công nghệ kiểu này khá rủi ro vì AI của Trung Quốc vẫn dựa quá nhiều vào nhân lực để phân loại số liệu thô thay vì phát triển được một kỹ thuật hoàn chỉnh. Mặc dù AI là những cỗ máy có khả năng tính toán và học tập cao nhưng chúng lại có nhận thức kém, chỉ tương đương 1 đứa trẻ 5 tuổi.
Bởi vậy, các AI phải được nhân công "dạy bảo" và tiêu hóa hàng triệu dữ liệu trước khi phân biệt được các nhận định đơn giản, ví dụ như mèo đen hay mèo trắng đều là mèo.
Một ví dụ thực tế là hãng Ainnovation đã phát triển công nghệ AI nhưng khoảng 1/3 thời gian trí thông minh nhân tạo này bị nhầm lẫn do ánh sáng và sự di chuyển của con người khiến chúng đánh giá sai trên các đoạn video an ninh giám sát. Hệ quả là Ainnovation phải thuê lượng lớn nhân công của họ nhằm phân loại các hình ảnh, dạy bảo AI để chúng có thể phân biệt chính xác hơn dựa trên hình ảnh.
"Tất cả những cỗ máy AI đều được xây dựng bằng nhân công", Giám đốc dự án Liang Rui của Ainnovation nói.
Rất nhiều lao động của Ainnovation từng là công nhân trong các nhà máy, tuy nhiên chi phí nhân công tăng cao khiến nhiều công ty cắt giảm việc làm và họ thất nghiệp. Trong khi đó nhiều người đơn giản chỉ muốn được về quê làm việc và chọn nghề này để có thể gần gia đình. Theo New York Times, công việc của những nhân viên này cũng lặp lại không kém so với việc lắp ráp hàng điện tử. Họ soi những bức ảnh và phân loại chúng theo từng mục, lặp đi lặp lại hàng ngày với hàng triệu bức ảnh khác nhau.
Công nghệ AI của Trung Quốc vẫn phải dựa rất nhiều vào nhân công để nhận diện hình ảnh
"Công việc này cũng như thế, cùng một hoạt động lặp đi lặp lại, ngày qua ngày. Điểm khác là giờ tôi phải sử dụng trí não một chút", Anh Yi ZhenZhen, nhân viên phân loại hình ảnh từng làm công nhân trong nhà máy lắp ráp điện từ cho biết.
Các nhân viên trong ngành làm nghề này thậm chí không biết họ phải phân loại để làm gì, hay cho AI để phục vụ mục đích gì. Anh Yi cho biết từng phải phân loại hàng triệu bức ảnh liên quan đến miệng người nhưng chẳng rõ chúng để làm gì. Tất cả những gì anh quan tâm là làm công việc nhàm chán này và cuối tháng nhận tiền, còn công ty và chính phủ Trung Quốc thì tự hào với sự vượt trội của công nghệ AI nhận diện khuôn mặt mà họ có được.