Bên trong ‘cú sập’ 60 tỷ USD thay đổi hoàn toàn ngành công nghệ Trung Quốc

01/07/2022 13:53 PM | Kinh doanh

Vốn hóa thị trường của Didi đã giảm khoảng 80% (tương đương hơn 60 tỷ USD) chỉ trong 1 năm, chủ yếu là do một loạt sắc lệnh chưa từng có của chính phủ Trung Quốc.

Đó là một ngày cuối tuần lạnh giá bất thường của tháng 12 khi Cheng Wei triệu tập nhân viên của mình đến văn phòng ở Bắc Kinh. Người sáng lập hãng gọi xe Didi mặc đồ đen hoàn toàn, chỉ đạo cấp dưới cắt giảm chi tiêu xuống còn 1/5 vào năm 2022 và bắt đầu quá trình sa thải sau khi nhân viên trở lại từ kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Tuyên bố của Cheng được đưa ra bên cạnh một trang Powerpoint có nội dung: "Đừng sống với ảo ảnh. Hãy đối mặt với thực tế".

"Chúng ta đã có 1 năm khó khăn. Những năm tới sẽ còn khó khăn hơn nữa", Cheng nói.

Bên trong ‘cú sập’ 60 tỷ USD thay đổi hoàn toàn ngành công nghệ Trung Quốc - Ảnh 1.

Cheng Wei - nhà đồng sáng lập Didi (Ảnh: Internet).

Cuộc họp ảm đạm khiến nhiều người trong căn phòng đó nghi ngờ rằng công ty điều hành dịch vụ gọi xe đình đám từng đánh bật Uber khỏi Trung Quốc, đã không còn được như xưa nữa. Thay vào đó là những vấn đề như giá trị giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh cao, chảy máu người dùng, bị chặn huy động vốn và các giám đốc cấp cao thường xuyên lo ngại về việc bị Bắc Kinh "để ý".

Vốn hóa thị trường của Didi đã giảm khoảng 80% (tương đương hơn 60 tỷ USD) chỉ trong 1 năm, chủ yếu là do một loạt sắc lệnh chưa từng có của chính phủ.

Trọng tâm của cuộc chấn chỉnh kéo dài 1 năm của chính phủ Trung Quốc là lo ngại rằng thông tin nhạy cảm - bao gồm dữ liệu di chuyển và hành vi của hàng triệu người dùng trên khắp Trung Quốc, trong đó có cả các quan chức - có thể bị rò rỉ cho một thế lực nước ngoài khi Didi là một công ty được niêm yết tại Mỹ.

Bắc Kinh thậm chí đã ra lệnh cho Didi hủy niêm yết không lâu sau khi IPO, biến Didi thành công ty mới nhất chịu sự chấn chỉnh của chính phủ - điều từng khiến hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn ở Trung Quốc tê liệt và nhiều công ty khác lao đao.

Theo một số nguồn tin thân cận, vài ngày trước khi Didi nộp hồ sơ IPO, các chủ ngân hàng và nhà đầu tư của công ty đã nghe phong thanh về những quy định có thể nhắm vào Didi của chính phủ. Khi họ đem việc này đi hỏi, các lãnh đạo cấp cao của Didi từ chối giải thích và đảm bảo rằng công ty đang làm việc để giải quyết mối bận tâm đó. Không làm rõ liệu những rào cản đó đã được gỡ bỏ hay chưa, các giám đốc của Didi nói với các chủ ngân hàng tiếp tục thương vụ IPO nhưng theo cách bớt phô trương hơn.

Đó là lý do tại sao ban giám đốc và các nhà đầu tư lớn của Didi bỏ qua nhiều cuộc phỏng vấn và sự kiện ăn mừng trên phương tiện truyền thông – điều chưa từng có đối với màn IPO đáng chú ý như vậy.

Bên trong ‘cú sập’ 60 tỷ USD thay đổi hoàn toàn ngành công nghệ Trung Quốc - Ảnh 2.

Chỉ vài ngày sau khi Didi IPO, ngày 2/7, cơ quan chức năng đã thông báo một cuộc điều tra về vi phạm an ninh có thể xảy ra tại công ty, bao gồm khả năng rò rỉ dữ liệu nhạy cảm cho nước ngoài. Vài ngày tiếp đó, ứng dụng chính của Didi đã biến mất khỏi các cửa hàng di động. Đồng thời, cơ quan quản lý cao nhất của Trung Quốc ban hành lệnh cấm có hiệu lực với các đợt IPO ở nước ngoài.

Trước đó, Cheng và người đồng sáng lập Jean Liu đã đủ đau đầu về sự việc 2 tài xế Didi bị kết tội sát hại hành khách vào năm 2018, gây ra cuộc tẩy chay Didi trên toàn quốc. Đại dịch Covid-19 bùng phát cũng khiến công ty gặp phải không ít khó khăn. Trước khi IPO, định giá của công ty đã giảm từ mức cao nhất là 100 tỷ USD từ các đợt huy động vốn tư nhân.

"Ban lãnh đạo Didi biết rằng đợt IPO của họ sẽ khiến Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) khó chịu nhưng họ nghĩ rằng mình sẽ được bỏ qua. Tuy nhiên, Cheng đã rất sốc trước động thái của cơ quan này. Rất ít cơ quan quản lý được thông báo trước khi CAC thực hiện động thái của mình", một nguồn tin thân cận cho biết.

Không lâu sau, Bloomberg đưa tin CAC đã đang cân nhắc việc yêu cầu Didi hủy niêm yết tại New York – chỉ 1 tháng kể từ khi IPO. "Không ai ngờ hình phạt lại khắc nghiệt đến vậy", một người thân cận của công ty cho biết.

Từng có lúc, các quan chức từ 7 cơ quan của chính phủ đã có mặt tại một căn phòng lớn của Didi ở Bắc Kinh, triệu tập các giám đốc cấp cao, bao gồm Cheng và Liu để thẩm vấn. Các nhà điều tra thậm chí còn cấm Cheng và Liu - con gái của người sáng lập Lenovo, đến văn phòng của họ trong nhiều tháng.

Bên trong ‘cú sập’ 60 tỷ USD thay đổi hoàn toàn ngành công nghệ Trung Quốc - Ảnh 3.

Jean Liu (Ảnh: Internet).

Bất chấp việc đó, ban lãnh đạo Didi vẫn tự tin rằng mọi thứ sẽ ổn thỏa. Trên thực tế, vài ngày sau khi gỡ bỏ ứng dụng, các giám đốc đã yêu cầu cấp dưới bắt đầu chuẩn bị chiến lược khởi chạy lại. Trong các cuộc họp sau đó, ban giám đốc Didi đã dự tính khoản phạt mà công ty phải chịu có thể lên tới 1,5 tỷ USD.

Trong những tháng tiếp theo, ban giám đốc của Didi đã nỗ lực để tuân theo yêu cầu của CAC cũng như giải quyết khó khăn của công ty. Nhiều kế hoạch kinh doanh của công ty đã bị hủy bỏ, một vài trong số đó là kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực vận tải đường bộ và pin sạc điện.

Để giải quyết những lo ngại xung quanh vấn đề bảo mật thông tin, Didi đã đề xuất giao phó việc xử lý dữ liệu người dùng của mình cho Westone Information Industry (thuộc sở hữu nhà nước).

Đến tháng 12, Didi mới hoàn thành kế hoạch hủy niêm yết. Quyết định trên của họ đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu lớn ở Trung Quốc. Cũng từ đây, Didi hành động cẩn trọng hơn và đảm bảo luôn hành động phù hợp với các chỉ thị của CAC.

Khi năm 2021 sắp kết thúc, Didi đã nỗ lực làm việc để củng cố mối quan hệ với cơ quan quản lý. Một trong số các mục mà họ thảo luận là kế hoạch hủy niêm yết New York và niêm yết lần hai tại Hong Kong. Việc này được đánh giá là có thể đem lại lợi ích cho Didi khi giải quyết được mối quan ngại của CAC về bảo mật dữ liệu.

Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị trật bánh ngay trước khi Didi sẵn sàng nộp đơn IPO tại Hong Kong. Tháng 3/2022, các giám đốc của Didi phát hiện ra rằng cam kết kéo dài nhiều tháng của họ với CAC chỉ là "các cuộc thảo luận không chính thức" và lãnh đạo hàng đầu của cơ quan này chưa bao giờ chính thức xác nhận thương vụ IPO lần hai ở Hong Kong. Tệ hơn nữa, Bắc Kinh còn từ chối đề xuất riêng của CAC về các hình phạt để kết thúc cuộc điều tra bảo mật dữ liệu của họ, Bloomberg đưa tin.

Do vụ "ngã ngựa" của Didi, hàng loạt nhà đầu tư Mỹ, từ Sequoia đến Goldman Sachs Group Inc. và Tiger Global Management đã thiệt hại tổng cộng hàng tỷ USD. Thậm chí, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ còn mở một cuộc điều tra về thương vụ IPO của Didi.

Tương lai của Didi hiện xoay quanh việc giải quyết cuộc điều tra để Bắc Kinh hài lòng. Những người trong cuộc và các nhà đầu tư thân cận với công ty đang có nhiều quan điểm khác nhau về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Dù sao, thiệt hại cũng đã xảy ra với không chỉ Didi mà nhiều bên liên quan.

Trường hợp của Didi được coi là ví dụ mới nhất để các công ty Internet ở Trung Quốc thận trọng hơn bởi dù có lớn mạnh đến cỡ nào, họ vẫn cần tuân theo các quy định của chính phủ.

Nguồn: Bloomberg

G.Vũ

Cùng chuyên mục
XEM