Bê bối lớn chưa từng có của Toyota: Bị tố 'xào nấu' số liệu hơn 30 năm, phải thu hồi 1,12 triệu xe
Hàng loạt các mẫu Toyota Avalon, Camry, Corolla, RAV4, Highlander, Sienna Hybrid và Lexus đang bị thu hồi vì số liệu chất lượng an toàn bị làm giả, qua đó có thể khiến hãng thiệt hại doanh thu đến 1,68 tỷ USD/tháng.
Tờ Fortune cho hay tập đoàn Toyota-hãng xe hơi lớn nhất thế giới theo doanh số đã phải ngừng toàn bộ các mẫu xe của Daihatsu, một trong những công ty con của tập đoàn, đồng thời tổ chức điều tra về vấn đề chất lượng an toàn.
Tệ hơn, Toyota cũng đã phải thu hồi 1,12 triệu xe hơi trên toàn cầu nhằm kiểm tra chất lượng an toàn túi khí với nghi ngờ chúng sẽ bung không đúng cách khi xảy ra va chạm. Nguyên nhân chính là do một cảm biến bị đoản mạch khiến túi khí không bung đúng thiết kế.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Daihatsu từng thừa nhận vào tháng 4/2023 rằng họ đã gian lận số liệu kiểm tra chất lượng an toàn khi va chạm của xe hơi trước khi gửi trả về cho Toyota.
Thông tin này đã dẫn đến một cuộc điều tra độc lập của bên thứ 3, qua đó phát hiện 174 điểm bất thường về chất lượng an toàn tại 64 mẫu xe của Daihatsu giao cho các thương hiệu Toyota, Mazda và Subaru. Riêng thương hiệu Toyota chiếm đến 20 mẫu trong số này.
Tính đến ngày 20/12/2023, Daihatsu đã dừng toàn bộ việc sản xuất xe hơi tại các nhà máy tại Nhật Bản lẫn quốc tế để khắc phục sai lầm.
Toyota cho biết vụ triệu hồi gồm lần này sẽ bao gồm các xe đời 2020-2022 với nhiều mẫu như Toyota Avalon, Camry, Corolla, RAV4, Highlander, Sienna Hybrid, các mẫu Lexus ES250, ES300H, ES350, RX350.
Gian dối hơn 30 năm
Theo Fortune, báo cáo độc lập bên thứ 3 cho thấy những số liệu chất lượng an toàn của Daihatsu đã bị làm giả từ năm 1989. Hàng loạt những vấn đề từ giả mạo và làm sai lệch dữ liệu đã bị báo cáo điều tra chỉ ra, đổ lỗi cho hệ thống quản lý cứng nhắc của doanh nghiệp.
Ngày trong ngày 21/12/2023, Bộ giao thông vận tải Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra trụ sở của Daihatsu ở Osaka sau khi công ty này chính thức thừa nhận làm giả số liệu.
Xin được nhắc rằng Daihatsu là một doanh nghiệp lâu đời có lịch sử từ đầu thập niên 1900. Hãng này bắt đầu sản xuất hợp đồng ô tô cho các thương hiệu khác kể từ năm 1969, một trong các khách hàng đầu tiên là Toyota.
Kể từ đó đến nay, Daihatsu đã sản xuất xe hơi cho nhiều thương hiệu khác như Subaru. Vào năm 1998, Toyota đã mua lại 51% cổ phần Daihatsu, biến đây thành công ty con của mình. Đến năm 2016, Toyota mua lại toàn bộ cổ phần của Daihatsu, biến thương hiệu này thành mảng chuyên phụ trách sản xuất các dòng xe cỡ nhỏ và cung ứng cho các thị trường mới nổi như Đông Nam Á.
Phía Toyota tuyên bố đang tiến hành rà soát số lượng xe hơi đã bán do Daihatsu sản xuất, đồng thời thừa nhận bản thân tập đoàn không biết gì về việc làm giả số liệu này.
Toyota hiện đang là nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới về số lượng xe được tiêu thụ, với khoảng 10,5 triệu chiếc năm 2022, cao hơn nhiều so với 8,3 triệu chiếc của Volkswagen.
Trong đó, các công ty con như Daihatsu và Hino Motors đã sản xuất được 909.000 chiếc xe hơi được bán ra cho Toyota.
Ngoài Daihatsu, công ty con Hino cũng gặp rắc rối khi thừa nhận làm giả số liệu khí thải trên xe tải và xe buýt năm 2003. Vụ bê bối đó đã gây ảnh hưởng đến 640.000 chiếc xe đã được bán ra, đồng thời dẫn đến việc phải tạm ngừng sản xuất để khắc phục hậu quả.
Nguy hiểm cho trẻ em
Trong ngày 20/12/2023, Toyota đã tuyên bố thu hồi 1 triệu xe hơi riêng ở thị trường Mỹ, chủ yếu vào các mẫu xe Toyota và Lexus từ năm 2020 đến 2022.
Tuyên bố của hãng cho thấy cảm biến ghế trước có thể không đánh giá chính xác được trọng lượng chính xác của hành khách, dẫn đến túi khí không bung như đúng thiết kế.
Cụ thể, cảm biến của hệ thống phân loại người ngồi trong xe (OCS), vốn dùng để phát hiện khi có người ngồi ở ghế hành khách phía trước, có thể bị đoản mạch.
Cảm biến này bao gồm cả bộ cảm ứng trọng lượng đặt dưới ghế và cảm biến đo lực căng dây đai an toàn, qua đó xác định trên ghế là người thường, trẻ em hay chỉ đơn thuần là một vật nặng. Qua đó túi khí sẽ được tùy chỉnh để bung ở tốc độ tối đa hay vừa phải.
Nếu xác định người ngồi là trẻ em, người nhẹ cân hoặc đơn thuần là vật nặng thì túi khí sẽ không bung ra khi va chạm. Nguyên nhân là với trẻ em, túi khí bung ở tốc độ 320km/h sẽ gây nguy hiểm hơn là không bung. Hậu quả có thể gây tử vong, chấn thương đầu, cổ, cột sống cho phần lớn trẻ em.
Bởi vậy, việc làm giả dữ liệu cảm biến túi khí được cho là một lỗi cực kỳ nghiêm trọng khiến Toyota buộc phải thu hồi hàng triệu xe bị lỗi.
Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ cho biết túi khí phía trước phương tiện đã cứu sống hơn 50.000 người ở Mỹ trong hơn 30 năm qua.
Đây không phải lần đầu tiên Toyota dính bê bối túi khí. Vào năm 2014, hãng cũng đã phải thu hồi hàng triệu ô tô trên toàn cầu vì những chiếc túi khí lỗi do Takata sản xuất. Những chiếc túi khí này bung với lực quá mạnh đã khiến 30 người chết và hàng trăm người bị thương trên toàn cầu.
Vào tháng 1/2020, Toyota cũng đã thu hồi khoảng 3,4 triệu xe hơi trên toàn cầu cũng vì lỗi điện tử khiến túi khí không bung khi va chạm.
Ảnh hưởng
Cổ phiếu của Toyota đã giảm 4% ngay trong phiên 21/12/2023.
Nhiều nhà phân tích cho biết bê bối này có thể ảnh hưởng nặng đến doanh thu của Toyota. Chuyên gia phân tích Masakata Kunugimoto của Nomura nhận định việc đình chỉ sản xuất 1 tháng, tương đương 120.000 xe có thể khiến doanh thu của Toyota giảm 240 tỷ Yên (1,68 tỷ USD).
Vụ việc này đang gây chấn động giới truyền thông và Daihatsu đang hứng chịu chỉ trích kịch liệt từ chính phủ. Bộ giao thông vận tải nước này thậm chí cho biết đang xem xét thu hồi chứng nhận sản xuất của Daihatsu.
*Nguồn: Fortune