Bầy tinh tinh ở Châu Phi tiến hóa đến điểm có thầy thuốc và y tá trong đàn

15/02/2022 09:28 AM | Công nghệ

Nếu một con tinh tinh bị thương sau trận chiến bảo vệ lãnh thổ, chúng có thể trở về đàn và tìm đến thầy thuốc để được chữa trị.

Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học tham gia vào dự án Tinh tinh Loango đã báo cáo những phát hiện mà chưa một nhà linh trưởng học nào khác ở Châu Phi từng ghi nhận trước đây.

Sự kiện đầu tiên được Alessandra Mascaro, một nhà sinh vật học tiến hóa ghi nhận vào năm 2019. Trong một khu rừng ở Gabon, khi đang theo dõi và quay phim một con tinh tinh cái tên là Suzee và con nhỏ của nó Sia, Mascaro nhận thấy con tinh tinh mẹ có một hành vi kỳ lạ.

Suzee kẹp một thứ gì đó rất nhỏ vào giữa môi, sau đó nó bôi thứ vật chất bí ẩn đó lên vết thương hở trên bàn chân của con mình. Khi xem lại đoạn phim, Mascaro nhận ra con tinh tinh mẹ đã điều chế thuốc bôi từ mặt dưới của một chiếc lá.

Thứ thuốc trông giống như một con côn trùng nhỏ sẫm màu. Có thể con tinh tinh biết loài côn trùng này có đặc tính kháng viêm hoặc khử trùng, nên đã sử dụng nó để chữa vết thương hở cho con mình.

"Chúng tôi chưa bao giờ thấy một hành vi nào như vậy ở tinh tinh, và nó cũng chưa được [bất cứ nhóm nghiên cứu nào khác trên thế giới] ghi lại", Mascaro nói.

Lần đầu tiên quan sát thấy tinh tinh chữa bệnh cho khác trong đàn  

Kể từ phát hiện năm 2019, nhóm nghiên cứu của cô bắt đầu chú ý hơn đến hành vi chữa bệnh độc đáo này của những đàn tinh tinh ở Loango. Trong 15 tháng liên tiếp, Mascaro và đội của mình đã ghi nhận tổng cộng 20 sự kiện tinh tinh chữa bệnh ở khu vực bờ biển phía tây Châu Phi.

Hầu hết thời gian, những con tinh tinh chỉ tự mình bôi các loài côn trùng không xác định lên vết thương của chính chúng, nhưng cũng có lúc, chúng giúp đỡ lẫn nhau và làm việc như thể có một thầy thuốc trong đàn và một nhóm y tá hỗ trợ.

Tinh tinh nổi tiếng là một loài có nhận thức lãnh thổ cao và hay xảy ra xung đột. Và nếu một con tinh tinh bị thương sau những trận chiến đó, chúng có thể trở về và tìm đến thầy thuốc trong đàn để được chữa trị.

Vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, một sự việc như vậy đã được Lara Southern, nghiên cứu sinh trong dự án Tinh tinh Loango ghi lại. Cô quan sát thấy Littlegrey, một con tinh tinh đực trưởng thành, có một vết thương hở sâu trên ống chân. Nó đã về đàn gặp một con tinh tinh cái tên là Carol.

Carol sau đó chải lông cho Littlegrey rồi nó bắt những con côn trùng. "Điều khiến tôi bất ngờ nhất là cô ấy đưa con côn trùng đó cho Littlegrey, anh ta bôi nó lên vết thương của mình rồi sau đó chính Carol cùng hai con tinh tinh trưởng thành khác cũng chạm vào xem xét vết thương cho Littlegrey và di những con côn trùng lên đó", Southern nói.

Ba con tinh tinh không hề có quan hệ gần gũi trước đó, chúng dường như chỉ đang thực hiện hành vi mang tính trách nhiệm, vì lợi ích của thành viên khác trong đàn. Những con tinh tinh này vì vậy đang hoạt động giống như một bệnh xá chăm sóc những con tinh tinh khác bị thương.

Bầy tinh tinh ở Châu Phi tiến hóa đến điểm có thầy thuốc và y tá trong đàn - Ảnh 2.

Một con tinh tinh đang xem xét vết thương dưới cằm cho một con tinh tinh khác.

Một số nhà nghiên cứu coi việc tinh tinh giúp đỡ đồng loại của mình điều trị vết thương là bằng chứng về sự đồng cảm. Nhưng hành vi xã hội thúc đẩy sự đồng cảm giữa một nhóm động vật đang là chủ đề sinh học tiến hóa gây tranh cãi.

Lý do bởi việc một con vật biết và cảm nhận được cảm giác của một con vật khác dường như sẽ làm suy yếu 'tính ích kỷ', là bản năng sống còn của sinh vật.

Và trong khi hành vi tự dùng thuốc khá phổ biến trong thế giới động vật, nó đã được quan sát thấy ở các loài chim, ong, thằn lằn, voi và tinh tinh, những hành vi chữa bệnh cho thành viên khác trong đàn là cực kỳ hiếm.

Các nhà linh trưởng học từng ghi nhận tinh tinh và bonobo có hành vi nuốt lá cây thuốc để chữa nhiễm trùng đường ruột, nhưng việc chúng sử dụng côn trùng làm thuốc bôi tại chỗ là một phát hiện hoàn toàn mới.

"Những quan sát của chúng tôi cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy tinh tinh thường xuyên bắt côn trùng và bôi chúng lên vết thương hở", nhà linh trưởng học Tobias Deschner từ Đại học Massachusetts cho biết.

"Bây giờ chúng tôi hướng đến việc điều tra những lợi ích tiềm ẩn của một hành vi đáng ngạc nhiên như vậy".

Loài côn trùng được tinh tinh sử dụng làm phương thuốc ở đây vẫn chưa được xác định. Nhưng bằng quan sát tốc độ bắt và giật những con côn trùng này ra khỏi lá, các nhà khoa học có thể đoán đó là một loài chân đốt, sẫm màu và có cánh.

Họ cũng nghĩ rằng loài côn trùng này bằng một cách nào đó có thể tiết ra hoặc bản thân trong người chúng có các hợp chất chống viêm, khử trùng hoặc kháng virus. Đó là những dược tính mà tinh tinh tận dụng để chữa trị vết thương hở.

Liên tiếp những lần tinh tinh chữa bệnh cho nhau được quay phim lại  

Bản thân con người cũng từng sử dụng côn trùng làm dược phẩm và thậm chí áp dụng một số phương pháp tương tự cho vết thương hở. Chẳng hạn, y văn có ghi lại một thực hành có tuổi đời hàng ngàn năm gọi là liệu pháp giòi, trong đó ấu trùng ruồi được thả vào các vết thương hở để giúp dọn dẹp phần mô hoại tử.

Nhưng đối với loài tinh tinh mà nói, dù đã dành hàng thập kỷ quan sát các cộng đồng linh trưởng này ở Châu Phi, đây là lần đầu tiên chúng ta nhận thấy một hành vi tương tự giữa những người họ hàng gần nhất còn sống của con người.

Và điều đó cho thấy, chúng ta không phải là loài duy nhất có những bác sĩ, thầy thuốc và bệnh nhân.

Trước đây, tinh tinh cũng được biết đến với nhiều hành vi phân công xã hội, bao gồm hợp tác săn bắn, chúng có những đội tuần tiễu lãnh thổ và những bà vú ở nhà làm nhiệm vụ bảo mẫu như điều hành một nhà trẻ.

Nghiên cứu sâu hơn về những hành vi này ở tinh tinh có thể giúp chúng ta hiểu xã hội loài người nguyên thủy đã tiến hóa như thế nào. "Thật là thú vị khi thấy rằng, sau ngần ấy thập kỷ nghiên cứu tinh tinh hoang dã, chúng vẫn khiến chúng ta ngạc nhiên với những hành vi mới bất ngờ", nhóm nghiên cứu cho biết.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong số những họ hàng gần gũi nhất còn sống với chúng ta, vẫn còn rất nhiều điều cần phải tìm hiểu và khám phá. Và do đó, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ chúng trong môi trường sống tự nhiên".

Theo Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM