Bất động sản ‘ngủ đông’ và cơn thoái trào của những thành phố lớn ở Mỹ: Lao động bỏ về quê, công ty đóng cửa văn phòng, tiền thu thuế giảm mạnh
Lao động bỏ về quê đang khiến những thành phố không ngủ như New York-Mỹ phải lao đao.
Theo tờ Business Insider (BI), những siêu thành phố được mệnh danh là “không bao giờ ngủ” tại Mỹ đang lâm vào thoái trào. Mặc dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại nhưng hàng triệu lao động vẫn làm việc từ xa chứ không đến văn phòng, thế rồi rủi ro suy thoái kinh tế khiến hàng loạt công ty cắt giảm chi phí mặt bằng, khiến cuộc sống tại các siêu đô thị ảm đạm hơn trước.
Tính đến tháng 1/2023, khoảng 41% người Mỹ vẫn làm việc ở nhà vài ngày mỗi tuần hoặc thậm chí là hoàn toàn. Việc có ít nhân viên văn phòng đồng nghĩa sẽ có ít chi tiêu cho bữa trưa, bữa nhậu sau giờ làm, những buổi trà chiều, thú vui shopping hay đi bộ dạo chơi quanh các con phố.
Việc các công ty chuộng làm từ xa, đóng cửa văn phòng tiết kiệm chi phí hay thậm chí là sa thải lao động để cắt giảm ngân sách trước nỗi lo suy thoái càng khiến thị trường bất động sản thương mại tại các thành phố lớn trở nên lao đao, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách công đầu tư cho trường học hay phương tiện công cộng.
Lấy ví dụ tại quận Manhattan-New York, số liệu của chuyên gia Nicholas Bloom thuộc trường đại học Stanford University cho thấy phong trào làm việc từ xa ước tính khiến nền kinh tế khu vực này mất ít nhất 12,4 tỷ USD mỗi năm do lao động ít đi làm 30% so với trước đại dịch.
Thế rồi lạm phát tăng cao khiến người dân càng có xu hướng rời xa thành phố để tiết kiệm chi phí thuê nhà, đồng thời tận dụng ưu thế của làm việc từ xa. Hệ quả là các thành phố càng mất nguồn thu.
Theo BI, nguồn thu từ thuế phi bất động sản tại New York đã giảm 7%, trong khi thất thu từ thuế năm 2023 dự kiến lên tới 2,9 tỷ USD.
Tại San Francisco, thâm hụt tiền thuế dự kiến đạt 1 tỷ USD mỗi năm trong vòng 6 năm tới vì người lao động bỏ về quê còn các công ty đóng cửa văn phòng.
Ảm đạm
Trong báo cáo “Work From Home and the Office Real Estate Apocalypse” cuối năm 2022, các tác giả cho biết tổng giá trị thị trường bất động sản New York đã giảm 44,8% trong khoảng tháng 12/2019-12/2020. Mặc dù thị trường đã có chút khởi sắc hậu đại dịch nhưng tình hình hiện nay khiến các chuyên gia nhận định ngành bất động sản sẽ vẫn ảm đạm trong thập niên 2020 này.
Số liệu của hãng nghiên cứu bất động sản CoStar cũng cho kết quả tương tự. Trong khoảng 1996-2022, tỷ lệ văn phòng trống cho thuê tại New York bình quân vào khoảng 9%, thế nhưng con số này hiện đã bật tăng lên 16%, mức cao lịch sử suốt 26 năm qua.
Không riêng gì New York, tỷ lệ diện tích văn phòng được cho thuê ở khắp 14 bang tại Mỹ cũng giảm 60% trong khoảng 2019-2022.
Trong khi diện tích văn phòng được cho thuê thành công giảm thì doanh số bán các tòa nhà cho thuê văn phòng cũng lao dốc. Thông thường mỗi năm, doanh số bán các trung tâm văn phòng tại Mỹ đạt bình quân 11 tỷ USD thì năm 2022, con số này giảm mạnh xuống còn 3,5 tỷ USD. Số lượng dự án giao dịch thành công cũng giảm tới 83% so với mức đỉnh năm 2016.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Thị trưởng Eric Adams của thành phố New York đã phải kêu họi lao động đi làm trở lại, đồng thời bày tỏ lo ngại khi các phương tiện công cộng, ngành bán lẻ cùng vô số mảng dịch vụ khác vốn là nguồn thu thuế thì nay đang ngày càng tiêu điều.
“Tôi muốn mọi người đi làm trở lại bởi như vậy thì họ mới đi ăn uống, sử dụng dịch vụ và giúp những lao động ngành khác có việc làm được”, Thị trưởng Adams lo lắng phát biểu vào tháng 3/2023.
“Sẽ chẳng bao giờ quay trở lại được như trước đây nếu mọi người không lên thành phố làm việc trở lại”, Thị trưởng Bruce Harrell của Seattle đồng quan điểm.
Ngủ yên
New York từng được mệnh danh là thành phố không ngủ với sự đông đúc, ồn ào của nó. Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đang dần thay đổi. Số liệu của Tổng cục thống kê Mỹ (USCB) cho thấy bình quân lao động tại đây chi tiêu ít hơn 4.661 USD/năm cho ăn uống, giải trí, mua sắm cho với trước đây. Con số này là 3.040 USD tại San Francisco và 2.387 USD tại Chicago.
Bất chấp sự lo lắng của chính quyền các thành phố cũng như chuyên gia ngành bất động sản, rất nhiều doanh nghiệp vẫn để cho nhân viên làm việc từ xa khi điều này tiết kiệm rất lớn chi phí văn phòng. Số liệu chính thức cho thấy chỉ 6% số lao động thủ đô London-Anh làm việc ở nhà bị sếp yêu cầu đến văn phòng 5 ngày/tuần. Trong năm 2022, khoảng 14% số việc làm tuyển dụng tại Tokyo là làm việc từ xa, cao hơn nhiều so với 3% của năm 2019.
Chuyên gia Steven Davis của Viện Hoover Institution cho biết không chỉ thất thu thuế mà việc người lao động bỏ về quê, ít đến văn phòng còn khiến vô số nhân viên các ngành cung ứng dịch vụ khác thất nghiệp.
Báo cáo của Mastercard SpendingPulse cho thấy người tiêu dùng đã quay trở lại nhưng chủ yếu là mua hàng online hơn là đến các điểm bán lẻ. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tính đến tháng 10/2022 đã tăng bình quân 23%, nhưng tại các khu vực như Manhattan lại chỉ là 11% khi người dân không đến văn phòng.
Tương tự, nghiên cứu của HQ Corporate Mobility cho thấy các nhân viên ngân hàng, luật sư hay giám đốc công ty ở New York giờ đây thậm chí chỉ đặt xe đi làm nửa tuần. Trong khoảng tháng 6-12/2022, lượng đặt xe đi làm đầu tuần và cuối tuần chỉ bằng 38% so với thời điểm trước dịch.
“Vào thứ 6 thì tôi chỉ muốn làm ở nhà”, anh Nate Diaz làm việc cho bộ phận tài chính của S&P 500 nói khi cho biết mọi đồng sự của anh cũng chẳng đi làm vào ngày này.
Theo Diaz, bản thân anh tiết kiệm được khoảng 100 USD mỗi tuần nhờ làm việc ở nhà và hạn chế ăn ngoài, mua sắm, tiền thuê xe...
Thất thu
Theo Bloomberg, tính đến quý IV/2022 thì New York mới chỉ hồi phục lại 43% lượng lao động đi làm so với thời điểm trước đại dịch. Tổng ngân sách thành phố sẽ mất khoảng 5% mỗi năm, tương đương 5 tỷ USD tiền thuế do lao động bỏ về quê.
Tình hình nghiêm trọng đến mức New York đang lên kế hoạch cắt giảm 7 tuyến đường sắt vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần khi lượng người đi lại quá ít.
Trong khi đó, nhiều hàng quán cũng ế ẩm khi chẳng có ai đi làm.
“Bạn sẽ chỉ lỗ thôi nếu chẳng có ai chịu đi làm”, anh Emad Ahmed, chủ xe bán bánh rong tại Zuccotti Park chán nản khi doanh thu chỉ bằng 30% so với trước dịch.
*Nguồn: BI, Bloomberg