McDonald’s ở xứ sở Trung Quốc: Mỗi 10 tiếng mở một chi nhánh mới, chỉ bán khoai tây chiên, burger tự tin cạnh tranh với 2,6 triệu nhà hàng khác

03/03/2023 09:25 AM | Kinh doanh

Sự khác biệt về quyền sở hữu đất khiến McDonald’s gặp nhiều khó khăn nhưng hãng vẫn đặt cược lớn vào Trung Quốc khi quyết tâm nhân đôi số cửa hàng trong 10 năm tới.

McDonald’s ở xứ sở Trung Quốc: Mỗi 10 tiếng mở một chi nhánh mới, chỉ bán khoai tây chiên, burger tự tin cạnh tranh với  2,6 triệu nhà hàng khác - Ảnh 1.

Theo hãng tin CNBC, McDonald’s hiện đang là chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới với 60 triệu lượt khách mỗi ngày, hơn 40.000 chi nhánh tại hơn 100 quốc gia cùng 1,9 triệu nhân viên. Tuy nhiên McDonald’s không chịu dừng lại đó khi đã lên kế hoạch mở mới 1.900 nhà hàng mới trong năm 2023.

Hơn một nửa trong số các chi nhánh mới này, tương đương 900 nhà hàng sẽ nằm ở Trung Quốc. Như vậy cứ mỗi 10 tiếng, McDonald’s sẽ mở một nhà hàng mới tại quốc gia 1,4 tỷ dân này trong năm 2023 bất chấp khác biệt về văn hóa ẩm thực cũng như việc người dân Trung Quốc chuộng ăn thịt lợn hơn bò hay gà.

Dẫu vậy, hãng tin CNBC nhận định ngoài những trở ngại về đại dịch hay các đối thủ ẩm thực khác thì mảng quyền sở hữu bất động sản là thách thức lớn nhất khiến McDonald’s Trung Quốc không thể tăng trưởng nhanh như ở Mỹ.

Bất động sản

McDonald’s tiếp cận thị trường Trung Quốc vào đầu thập niên 1990. Sau nhiều năm phát triển, hiện chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh này đã có hơn 4.500 chi nhánh trên toàn quốc và McDonald’s đang nhắm tới việc nâng con số này lên gấp đôi.

Hiện Trung Quốc là thị trường có nhiều nhà hàng McDonald’s thứ 2 thế giới sau Mỹ và với dân số trẻ hơn, chuỗi đồ ăn nhanh này đang tập trung tận dụng tiềm năng của nơi đây.

McDonald’s ở xứ sở Trung Quốc: Mỗi 10 tiếng mở một chi nhánh mới, chỉ bán khoai tây chiên, burger tự tin cạnh tranh với  2,6 triệu nhà hàng khác - Ảnh 2.

“McDonald’s đang nhắm tới tăng gấp đôi số nhà hàng tại Trung Quốc trong 10-20 năm tới. Họ sẽ mở thêm hàng chục chi nhánh mỗi tháng”, giáo sư Arthur Dong của trường đại học Georgetown University nhận định.

Tuy nhiên để thành công ở Trung Quốc không hề đơn giản khi mô hình mua bất động sản rồi cho bên nhượng quyền thuê lại tại Mỹ không còn hiệu quả. Tại xứ sở tỷ dân, người mua đất không sở hữu 100% mảnh bất động sản đó, điều này khác hoàn toàn so với ở Mỹ khi McDonald’s trở thành chủ đất cho thuê và bành trướng dần.

Tại Mỹ, nhờ bán thương hiệu mà McDonald’s có thể đảm bảo 100% rằng mảnh đất họ mua sẽ được thuê lại với mức giá hời theo hợp đồng nhượng quyền. Nguồn lợi nhuận sẽ được tái đầu tư cho bất động sản và cứ thế mở rộng.

Tuy nhiên hãng tin CNBC cho biết ở bên ngoài nước Mỹ, câu chuyện sở hữu bất động sản không đơn giản như vậy nên McDonald’s bị buộc quay trở về một chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh thông thường.

Báo cáo doanh thu năm 2021 cho thấy khu vực Châu Á Thái Bình Dương chỉ đóng góp 10% cho McDonald’s, trong khi con số này tại Mỹ là 38%.

Theo giáo sư Dong, chi phí bất động sản và mảng kinh doanh liên quan của McDonald’s tại Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với Mỹ và đây là lý do chính khiến thương hiệu này khó có thể bùng nổ quá mạnh trên thị trường tỷ dân.

Nhận thức được điều này, McDonald’s đã cố gắng cắt giảm chi phí hoạt động khi bán lại cổ phần tại thị trường Trung Quốc với giá 2,08 tỷ USD vào năm 2017 cho tập đoàn quốc doanh CITIC cùng doanh nghiệp tư nhân Carlyle của Mỹ.

Theo thỏa thuận, phía đối tác sẽ cung cấp vốn và địa điểm bất động sản trong khi McDonald’s được nhận các khoản phí nhượng quyền dựa trên doanh số cũng như với mỗi chi nhánh mở mới.

Hiện McDonald’s nắm giữ 20% cổ phần hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, CITIC nắm giữ 52% còn Carlyle nắm giữ 28%.

“Việc hợp tác với một doanh nghiệp quốc doanh giúp Mcdonald’s rất nhiều trong việc kiếm địa điểm nhưng họ cũng hiểu rằng mình không thể trở thành ‘chủ đất’ như tại Mỹ”, giáo sư Dong nhận định.

McDonald’s ở xứ sở Trung Quốc: Mỗi 10 tiếng mở một chi nhánh mới, chỉ bán khoai tây chiên, burger tự tin cạnh tranh với  2,6 triệu nhà hàng khác - Ảnh 3.

Đây là một trong những lý do khiến Trung Quốc mới chỉ có 4.642 chi nhánh McDonald’s, thấp hơn rất nhiều so với 13.444 nhà hàng tại Mỹ.

“McDonald’s là một công ty bất động sản. Trên thực tế họ là một trong những hãng sở hữu nhiều bất động sản thương mại nhất Mỹ nhưng mô hình này không thể thực hiện được ở Trung Quốc, nơi người dân không thể sở hữu 100% nhà đất mà chỉ được quyền thuê 100 năm trước khi trả lại cho chính phủ”, giáo sư Dong nói.

Chính CEO Chris Kempczinski của McDonald’s cũng đã từng thừa nhận rằng trong khi mọi người lầm tưởng họ bán bánh burger hay khoai tây chiên thì thực tế hãng bán thương hiệu và thu lời từ tiền đất. Tuy nhiên khi mở rộng ra quốc tế thì họ lại phải “liệu cơm gắp mắm” khi thích ứng tùy tình hình.

Dẫu vậy, ngay cả khi phải trở lại nghề bán bánh burger và khoai tây chiên tại các thị trường quốc tế thì McDonald’s vẫn làm ăn tốt. Cổ phiếu của hãng đã tăng lên mức 266 USD/cổ tháng 2/2023, qua đó cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư.

Quay về bán khoai tây chiên

Với 1,4 tỷ dân và hơn 100 khu vực thành thị có ít nhất 1 triệu người, Trung Quốc là thị trường cực kỳ tiềm năng cho McDonald’s. Ba thị trường lớn là thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải và Quảng Đông chiếm 45% doanh thu ngành đồ ăn nhanh ở Trung Quốc, nghĩa là phần lớn thị trường tại quốc gia này vẫn chưa được khai phá hết.

Theo CNBC, tổng giá trị thị trường đồ ăn nhanh tại Trung Quốc lên tới 184 tỷ USD và rõ ràng McDonald’s không muốn bỏ qua miếng bánh béo bở này.

Phần lớn các chi nhánh của McDonald’s hiện vẫn chỉ tập trung ở các thành phố cấp 1 và họ vẫn còn dư địa phát triển cực lớn tại những thành phố cấp 2 hoặc nhỏ hơn.

Bất chấp đại dịch Covid-19, thương hiệu này đã mở hơn 700 nhà hàng mới tại Trung Quốc trong năm 2022. Không những vậy, nhà sáng lập Michael Zakkour của China BrightStar nhận định McDonald’s Trung Quốc rất khác so với tại Mỹ.

“Thay vì bước vào cửa hàng chờ đợi đến lượt hay lái xe qua quầy lấy đồ như Mỹ thì mỗi cửa hàng McDonald’s Trung Quốc trông như gian hàng bán đồ điện tử vậy. Khách hàng sẽ gọi món từ bảng điện tử cùng thanh toán trực tuyến và vô số những công nghệ hiện đại khác”, ông Zakkour thừa nhận.

McDonald’s ở xứ sở Trung Quốc: Mỗi 10 tiếng mở một chi nhánh mới, chỉ bán khoai tây chiên, burger tự tin cạnh tranh với  2,6 triệu nhà hàng khác - Ảnh 4.

Xin được nhắc lại là gần 90% giao dịch tại Trung Quốc là trực tuyến, cao hơn nhiều so với chỉ 25% ở Mỹ. Hệ quả là theo giáo sư Dong, McDonald’s đã có bước đi rất thông minh khi áp dụng công nghệ học hỏi được tại Trung Quốc để quay lại áp dụng ngược cho Mỹ.

Ngoài ra, yếu tố nữa khiến Trung Quốc trở nên hấp dẫn với McDonald’s là thu nhập tăng và nguồn nhân lực dồi dào. Trong khi quốc gia 1,4 tỷ dân này có mức thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh thì nguồn nhân lực của họ cũng khá dồi dào chứ không chững lại với vô số quy định như ở Mỹ. Chính điều này đã tạo cơ hội cực lớn cho McDonald’s trong mảng đồ ăn nhanh.

Nhà hàng to nhất thế giới

McDonald’s mở nhà hàng đầu tiên của mình tại Trung Quốc vào năm 1990, cụ thể là ở Thâm Quyến. Thế nhưng phải 2 năm sau đó khi thương hiệu này mở chi nhánh ở thủ đô Bắc Kinh thì McDonald’s mới thực sự tạo được tiếng vang.

Tại thời điểm đó, nhà hàng McDonald’s Bắc Kinh là chi nhánh lớn nhất thế giới của hãng với 700 chỗ ngồi, 29 quầy tính tiền và phục vụ tới 40.000 lượt khách trong ngày khai trương.

Vào giai đoạn này, tên tuổi của McDonald’s được hãng khéo léo gắn với văn hóa Phương Tây, tạo cảm giác tò mò cho người dân và mỗi ngày đều có hàng dài người xếp hàng vào gọi món. Dù giá tiền không hề rẻ nhưng mọi người vẫn muốn được thưởng thức cái gọi là “văn hóa Phương Tây” qua một chiếc bánh burger hay một gói khoai tây chiên.

Chiến lược này nhanh chóng thành công khi năm 1994, hãng chỉ có 20 chi nhánh thì vào năm 2010, con số này bùng nổ lên đến 2.000 cửa hàng. Tất nhiên, sự bùng nổ của nền kinh tế và thu nhập của người dân cũng đóng góp không nhỏ cho thành công này.

Dẫu vậy, McDonald’s vẫn phải cạnh tranh cực kỳ gay gắt với đối thủ KFC, hãng đồ ăn nhanh mở cửa đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1987. Thế rồi Pizza Hut cũng nhảy vào thị trường này năm 1990. Hiện KFC có hơn 8.100 cửa hàng tại Trung Quốc, cao gần gấp đôi McDonald’s, trong khi Pizza Hut là hơn 2.500.

Chuyên gia chiến lược Andrew Charles của Cowen nhận định việc Yum sở hữu mảng kinh doanh của KFC tại Trung Quốc khiến họ dễ dàng mở rộng chi nhánh tại các đô thị cấp 2 và vùng nông thôn hơn so với McDonald’s. Tiếp nữa, món gà chủ lực của KFC cũng được nhận diện rộng rãi tại đây hơn so với thịt bò của McDonald’s.

Cửa hàng McDonald's đầu tiên tại Bắc Kinh năm 1992

Năm 2014, McDonald’s và KFC đều dính phải nghi vấn vệ sinh an toàn thực phẩm nguồn gốc nguyên liệu, dẫn đến cả 2 đã phải chính thức xin lỗi người tiêu dùng.

Chuyên gia Jeffrey Tốn của hãng tư vấn TechMoat nhận định một thương hiệu lớn như McDonald’s sẽ rất dễ bị tổn thương với các bê bối, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, Internet phát triển như ngày nay.

Thêm vào đó, việc phải cạnh tranh với 2,6 triệu nhà hàng đồ ăn nhanh cùng vô số những quán cóc ẩm thực cũng không phải điều dễ dàng.

Bất chấp điều đó, McDonald’s vẫn đặt cược lớn vào Trung Quốc bởi tiềm năng của thị trường này là quá lớn và quá hấp dẫn với công ty.

*Nguồn: CNBC

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM