Bất chấp dịch bệnh, các đại gia bán lẻ lãi 'khủng'

21/07/2021 14:03 PM | Kinh doanh

Dịch Covid-19 khiến ngành hàng tiêu dùng nhanh trở nên ảm đạm do các biện pháp giãn cách xã hội, ngược lại ngành bán lẻ lại tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp các ông chủ lãi bộn

Bất chấp dịch bệnh, các đại gia bán lẻ lãi khủng - Ảnh 1.
Doanh số bán lẻ tăng 3,55% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang trong tình cảnh ảm đạm trong thời kỳ đại dịch do các biện pháp giãn cách xã hội, đặc biệt là trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu từ tháng 5/2021 đến nay.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tiêu thụ hàng FMCG tại Việt Nam giảm quý thứ 4 liên tiếp trong quý 1/2021 với mức giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tăng 3,55% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong khi cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%.

Do người tiêu dùng có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, xu hướng dịch chuyển sang các mặt hàng giá rẻ tiếp diễn. Trong khi đó, người tiêu dùng có thu nhập cao không bị ảnh hưởng, thể hiện qua việc tiêu thụ hàng không thiết yếu và hàng cao cấp duy trì tốt.

Trong đại dịch, danh mục sản phẩm đạt kết quả vượt trội là dầu ăn, thực phẩm ăn liền, gia vị, đường và chăm sóc cá nhân, trong khi một số danh mục có sức mua yếu hơn là sữa và bia.

Đại dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch từ kênh thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại. Do đó, các công ty có kênh bán lẻ như Tập đoàn Masan (MSN) với chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi Vinmart/Vinmart+, hay CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đang đi đầu trong xu hướng này với kết quả hoạt động tốt, tăng trưởng mạnh hơn so với toàn ngành.

Đây là những doanh nghiệp sở hữu kênh thương mại hiện đại (siêu thị, siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử) tăng trưởng mạnh mẽ do các biện pháp giãn cách xã hội.

Hơn nữa, xu hướng tiêu dùng kênh thương mại hiện đại này tại khu vực đô thị đang dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành tăng thị phần trong giai đoạn đại dịch.

Sự kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về triển vọng kinh doanh của hai “ông lớn” bán lẻ hàng tiêu dùng là Masan và Bách Hóa Xanh đã thể hiện rõ thông qua việc cổ phiếu của các doanh nghiệp này trở thành những mã tăng giá mạnh nhất trong thời gian qua, cho dù xen kẽ vào đó cũng có những phiên mất giá mạnh (điển hình như cổ phiếu MWG trong phiên 19/7).

Bất chấp dịch bệnh, các đại gia bán lẻ lãi khủng - Ảnh 2.
3 tỷ phú ngành hàng tiêu dùng đang kiếm được bộn tiền 'nhờ' dịch Covid-19.

Theo thống kê từ đầu tháng 5/2021 (thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư) đến thời điểm hiện nay, giá cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động đã tăng 16,8%. Qua đó, tài sản của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cũng tăng thêm 1.500 tỷ đồng kể từ đầu tháng 5. Với tỷ lệ nắm giữ 13,37% cổ phần tại MWT, hiện tại giá trị cổ phiếu MWG do ông Tài nắm giữ tương đương 10.461 tỷ đồng, giúp ông trở thành người đứng thứ 12 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Thậm chí, có thời điểm cổ phiếu MWG đạt đỉnh 176.600 đồng/cp (phiên 12/7), giá trị tài sản của ông Nguyễn Đức Tài lên đến 11.224 tỷ đồng, tăng gần 2.300 tỷ đồng so với đầu tháng 5.

Tuy nhiên, MWG gặp “hạn” với việc “té nước theo mưa” khi đồng loạt tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu tại hệ thống Bách Hóa Xanh giữa thời điểm các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, dù được giải thích là do chi phí đầu vào tăng, nhưng cũng đã khiến cho hình ảnh Bách Hóa Xanh nói riêng và Thế Giới Di Động nói chung trở nên xấu xí trong mắt công chúng, thậm chí có thể phải mất một thời gian dài mới lấy lại được.

Cùng thời điểm trên, giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã tăng thêm 25,58%. Thậm chí, chốt phiên gần nhất, ngày 20/7, MSN đạt mức giá kỷ lục 123.000 đồng/cp. Đây cũng chính là cổ phiếu hot nhất trên thị trường trong giai đoạn vừa qua.

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, MSN đã đem lại cho ông Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang thêm 6.608 tỷ đồng, góp phần nâng tổng giá trị cổ phiếu MSN do ông nắm giữ lên 31.261 tỷ đồng, đứng thứ năm trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Cùng với đó, cổ đông lớn Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) cũng có thêm 6.387 tỷ đồng trong giai đoạn này nhờ vào MSN, nâng giá trị cổ phiếu MSN do vị đại gia này nắm giữ lên con số 30.417 tỷ đồng. Hiện ông Hồ Hùng Anh đang đứng thứ tư trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản hơn 32 nghìn tỷ đồng (tính cả cổ phiếu TCB).

Cho đến thời điểm hiện tại, cả MWG và MSN đều chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021.

Hiền Anh

Cùng chuyên mục
XEM