Báo động tình trạng ‘những con nợ mặc Chanel’: Muốn chưng diện sự giàu sang, người trẻ tiêu hết tiền lương mỗi tháng, dùng cùng lúc hàng chục thẻ tín dụng

13/01/2024 12:10 PM | Kinh doanh

Người trẻ không đủ tài chính nhưng vẫn chi tiêu nhiều tiền cho hàng hóa xa xỉ.

Theo một báo cáo được CNBC đăng tải, người mua sắm hàng xa xỉ đang ngày càng giàu có và trẻ hoá. Trong thập kỷ tới, tần suất mua hàng của một bộ phận cá nhân mới dự kiến sẽ tăng nhanh gấp 3 lần so với thế hệ trước.

Báo cáo từ Bain & Co cho thấy Thế hệ Y (thế hệ Millennials) và Thế hệ Z chiếm toàn bộ mức tăng trưởng của thị trường hàng xa xỉ trong năm 2022. Chi tiêu của Thế hệ Z và Thế hệ Alpha cũng dự kiến sẽ tăng và chiếm 1/3 thị trường hàng xa xỉ đến năm 2030.

Điều này phản ánh xu hướng mới ở thế hệ những người trẻ - quan tâm và mua hàng cao cấp sớm hơn bố mẹ họ. Người tiêu dùng Gen Z đang bắt đầu mua hàng xa xỉ – từ túi xách, giày dép đến đồng hồ, trang sức, quần áo – ngay từ độ tuổi 15, sớm hơn 3-5 năm so với thế hệ Millennials.

“Đến năm 2030, thế hệ trẻ (Thế hệ Y, Z và Alpha) sẽ trở thành những người mua hàng xa xỉ lớn nhất từ trước đến nay, chiếm 80% tổng lượng mua hàng toàn cầu”, báo cáo cho biết.

Trong năm 2023, doanh số bán hàng xa xỉ trước đó được dự kiến tăng từ 3% đến 8%. Mỹ giành vị trí dẫn đầu về doanh số bán hàng xa xỉ vào năm 2022, tức vượt qua Trung Quốc, với mức tăng trưởng doanh số 25% và tổng doanh thu là 113 tỷ euro, tương đương khoảng 121 tỷ USD. Trong khi đó, doanh số bán hàng xa xỉ của Trung Quốc giảm 1%, phần lớn do lệnh phong tỏa.

Tính đến đầu năm 2023, doanh số bán đồ da tăng vọt 23% đến 25% so với năm 2022. Động lực tăng trưởng lớn nhất đến từ chính sách tăng giá. Chẳng hạn, chiếc túi Classic Flap cỡ nhỏ Chanel, hiện có giá cao hơn 60% so với mức trước đại dịch. Bain ước tính 70% mức tăng trưởng doanh số bán đồ da vào năm 2022 đến từ việc tăng giá bán.

Các nhà phân tích cho biết, sức hấp dẫn của các thương hiệu xa xỉ đối với người tiêu dùng trẻ gắn liền với sự gia tăng của cải cũng như độ phổ biến của mạng xã hội trong vài năm qua. Jan Rogers Kniffen, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn bán lẻ J Rogers Kniffen WWE cho biết: “Mức độ giàu có của khách hàng Mỹ đã thay đổi. Sự phổ biến của mạng xã hội giúp họ biết điều gì là thú vị nhất. Thế hệ trước Z đã đẩy nhanh độ tuổi mua đồ xa xỉ lần đầu tiên lên 18 đến 20. Chẳng phải độ tuổi 15 đến 17 là điểm dừng hợp lý tiếp theo sao?”.

Mua giày và túi xách xa xỉ ngày càng dễ tiếp cận khi các thương hiệu bắt đầu bán hàng trực tuyến. Một loạt các trang web bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng cũng xuất hiện.

Bain cho biết Web 3.0, trong đó bao gồm metaverse và NFT, sẽ giúp doanh số bán hàng xa xỉ trong tương lai tiếp cận nhiều đối tượng người tiêu dùng trẻ hơn nữa.

Tuy nhiên, rắc rối xảy đến khi người trẻ không có đủ tài chính nhưng vẫn chi tiêu nhiều tiền cho hàng hóa xa xỉ.

Xu hướng ‘con nợ mặc Channel’ ở Trung Quốc: Muốn chưng diện sự giàu sang, có người tiêu hết tiền lương mỗi tháng, dùng cùng lúc chục thẻ tín dụng - Ảnh 1.

Theo SCMP, Thế hệ Z mua 15% tổng số hàng hóa xa xỉ được bán ở Trung Quốc so với mức trung bình trên toàn thế giới là 10%. Theo một cuộc khảo sát, chi tiêu của họ cũng chiếm 13% tổng thu nhập hộ gia đình, so với chỉ 4% ở Mỹ và Anh.

Sự sẵn sàng và mong muốn của những người trẻ Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, thậm chí vượt xa thói quen tiêu dùng của đồng trang lứa tại phương Tây.

“Tôi tiêu hết tiền lương hàng tháng, 40% tiền thuê nhà và ăn uống, 60% cho sắc đẹp, thể dục, du lịch và quần áo. Du lịch là điều bắt buộc”, Monica Liu, 25 tuổi, người có thu nhập hàng năm 250.000 nhân dân tệ (38.500 USD) từ công việc bán hàng, cho biết. “Tôi nghĩ thế hệ tôi nên theo đuổi sự sang trọng. Chúng tôi chi rất nhiều tiền cho các thương hiệu châu Âu và Mỹ.

“Tôi xuất thân từ một gia đình trung lưu nhưng lại mua sắm đồ Michael Kors và Coach. Bạn bè và đồng nghiệp xuất thân từ những gia đình giàu có hơn thì mua sắm ở Chanel hoặc Gucci”, Liu nói thêm.

Một cuộc khảo sát do OC&C Strategy Consultants công bố cho thấy trong số 15.500 thanh niên sinh từ năm 1998 trở đi tại 9 quốc gia – Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil – Thế hệ Z của Trung Quốc tiết kiệm ít hơn và chi tiêu lại nhiều hơn.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào cuối tháng 6/2023, tổng số hóa đơn thẻ tín dụng quá hạn hơn 6 tháng đã tăng vọt lên 85,4 tỷ nhân dân tệ (13 tỷ USD), gấp hơn 10 lần so với 10 năm trước. Khoảng một nửa số người mắc nợ sinh vào năm 1990.

“Bạn tôi có vài hoặc thậm chí hàng chục thẻ tín dụng cùng một lúc. Việc vay tiền trực tuyến cũng rất phổ biến”, một bạn trẻ tên Yu nói.

Một cuộc khảo sát của HSBC vào năm 2019 cho thấy tỷ lệ nợ trên thu nhập của thanh niên Trung Quốc sinh vào những năm 1990 đã lên tới mức đáng kinh ngạc là 1.850%.

Theo Business Insider, sở dĩ người trẻ có thể mua sắm không phanh vì họ có thể “thanh toán trước trả tiền sau”. Công nghệ cũng giúp người trẻ thuận lợi tiếp cận hơn với những khoản cho vay tín dụng, đáp ứng nhu cầu và mong muốn tiêu dùng tức thời.

Ngoài ra, tâm lý muốn chưng diện sự giàu có và sang trọng lên mạng xã hội cũng là một trong số những động lực thúc đẩy người trẻ mua hàng xa xỉ.

Theo: SCMP, CNBC

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM