Báo động: Gần 14 triệu người Việt bị tâm thần

21/12/2016 16:20 PM | Sống

Theo Cục Quản lý Khám chữa Bệnh, Bộ Y tế nước ta có gần 14 triệu người Việt Nam đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến và gần 1/5 trong số đó mắc các rối loạn tâm thần nặng.

Theo Cục Quản lý Khám chữa Bệnh, Bộ Y tế nước ta có gần 14 triệu người Việt Nam đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến và gần 1/5 trong số đó mắc các rối loạn tâm thần nặng.


Ảnh bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm

Ảnh bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm

Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện chiến lược Quốc gia về sức khỏe tâm thần tại Hà Nội sáng 7/12.

Theo ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật.

Theo nghiên cứu, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương gần 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển và con số này vẫn không ngừng tăng.

Nguyên nhân chủ yếu do làm việc suốt ngày đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng, tiêu thụ rượu bia nhiều, cách biệt giàu-nghèo, ly hôn, thất nghiệp...

Tuy nhiên số lượng người bệnh rối loạn tâm thần được chữa trị còn cực kỳ thấp, cứ 10 người chỉ có 2-3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý rất hạn chế.

Chưa kể số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần còn rất ít, cả nước có 850 bác sĩ nhưng chỉ tập trung tại tuyến trung ương và các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, do nhận thức hạn chế, người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, đánh đồng tất cả đều là "điên" mà không biết có nhiều rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, mất ngủ, lo âu... dẫn đến tình trạng kì thị, phân biệt đối xử.

Trước tình hình trên, để giảm bớt gánh nặng do rối loạn tâm thần gây ra, Việt Nam xây dựng chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần, phấn đấu ban hành luật Sức khỏe tâm thần trước năm 2020 và đặt ra mục tiêu 50% bệnh nhân rối loạn tâm thần được điều trị vào năm 2025. Hàng năm, ngân sách y tế sẽ dành ít nhất 5% cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Tâm thần dạng nhẹ gia tăng

TS Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), hàng ngày bệnh viện của ông thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị tâm thần thể nhẹ ở dạng mất ngủ, lo âu, không tập trung công việc đau đầu, mất ngủ tăng lên trông thấy.

Đáng buồn, đa số họ là những người lao động trí óc như nhân viên ngân hàng, giáo viên, kinh doanh thậm chí cả những người đang giữ chức giám đốc, trưởng phòng cũng rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần thể nhẹ.

Số bệnh nhân này đang có xu hướng tăng lên trông thấy. Bệnh nhân chủ yếu đến khám rồi về nhà điều trị ngoại trú nên không thống kê được cụ thể.

Theo tiến sĩ Hùng, nguyên nhân của hiện tượng này là do áp lực công việc, áp lực xã hội ngày một tăng, nhất là trong những khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng tài chính, gia đình hay bản thân cá nhân có vấn đề trong cuộc sống.

Số người bị rối loạn tâm thần trong đội ngũ lao động trí óc thường là những người có học vấn cao, có nhận thức đúng đắn và quan tâm đến sức khỏe tâm thần nên khi có các biểu hiện bất thường thì họ đi khám sớm.

Còn nhiều người do không có kiến thức về sức khỏe tâm thần nên họ chậm đi khám đến khi bệnh nặng, có biểu hiện của “điên thật” họ mới tìm đến bác sĩ.

Chính những điều này khiến số lượng người đến khám sức khỏe tâm thần nhiều lên thời gian gần đây. Bên cạnh đó, ở nhóm thanh thiếu niên xuất hiện các dạng tâm thần mới nổi như nghiện Internet, nghiện Facebook, nghiện game online, ma túy đá...cũng tăng lên.

Theo Khánh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM