Giám đốc Bệnh viện Tâm thần: Nên cấm Pokemon Go!

14/08/2016 14:51 PM | Công nghệ

Theo ông La Đức Cương: việc nghiện game nói chung và nghiện Pokemon Go sẽ cực kỳ nguy hiểm khi nó tạo ra một thế hệ “người máy” chứ không phải con người xã hội như chúng ta vẫn tưởng.

Nằm liệt giường vì game

Thạc sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 cho biết mới đây ông tiếp nhận và điều trị cho một cháu bé 16 tuổi phải nằm một chỗ, không đi lại được vì nghiện game.

Theo gia đình của bé, vì nghiện nên cháu chỉ chơi game, không ăn ngủ. Ngày nào gia đình cũng thấy con hăng say đi học về nhà lại vào bàn để học. Đến khi thể chất suy kiệt, không đi lại được mới hay con chỉ mải miết cày game quên ăn, quên ngủ.

Lúc đầu, cha mẹ của bé còn ngần ngại không cho con đến bệnh viện tâm thần khám mà đưa cháu tới các cơ sở y tế đa khoa khám nhưng không ra bệnh. Đến lúc vào viện tâm thần, bệnh của cháu đã nặng khi có các dấu hiệu trầm cảm, cơ thể suy nhược.

Với trường hợp này, Thạc sĩ Cương cho biết gia đình và bác sĩ cùng nhau hợp tác điều trị mới có kết quả. Cả tháng trời điều trị nội trú ở bệnh viện bệnh mới thuyên giảm.

Hay như trường hợp của một sinh viên Đại học Bách Khoa cũng bị nghiện game nặng dẫn đến hành vi muốn tự sát. Khi tìm đến bác sĩ, nam sinh này cho biết anh ta "cày" game suốt ngày không thể xa được nó.

Sau 2 tháng nằm viện điều trị nghiện game dù đã tạm ổn nhưng em sinh viên này rất khó quay về thực tế cuộc sống. Bác sĩ Cương cho rằng nguy cơ rối loạn tâm thần do nghiện chơi game trong giới trẻ đang ở mức độ đáng báo động. Nhất là ở trẻ trên 16 tuổi vì trẻ ở tuổi này cha mẹ rất khó bảo ban các cháu, hơn nữa các cháu đi học cấp 3, đại học không còn quản lý chặt, về nhà thì có các phòng riêng nên cháu chỉ cần đóng cửa là có thể chơi game thâu đêm suốt sáng.

Số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do chơi game có xu hướng gia tăng vì hiện nay, thanh thiếu niên có nhiều điều kiện tiếp xúc với công nghệ điện tử hiện đại. Hình ảnh giới trẻ được tiếp xúc với những thiết bị công nghệ ở mọi nơi, mọi lúc rất phổ biến dù đã được cảnh báo.

Theo Thạc sĩ Cương, nếu chơi game liên tục 7 tiếng một ngày trở lên dễ gây ra rối loạn tâm thần, khiến cơ thể bị suy nhược, trầm cảm, thiếu khả năng kiểm soát về hành vi và có thể dẫn đến tự tử, giết người.

Nên cấm Pokemon Go

Thạc sĩ Cương cho biết với việc làm chuyên môn của mình, ông cho rằng chúng ta nên cấm Pokemon Go và đóng cửa các quán Internet. Thực tế, các quán Internet đã thực hiện hết sứ mệnh của mình khi gia đình nào cũng phổ cập Internet. Nếu trẻ sử dụng Internet ở nhà còn quản lý được chứ ở ngoài quán thì không vì các cháu chơi qua ngày qua đêm bỏ ăn, bỏ uống mà không ai biết. Chỉ đến khi người gầy rộc, cơ thể suy kiệt cha mẹ mới hay.

Gần đây cộng đồng xôn xao với game Pokemon Go, ông La Đức Cương lo lắng với sự mới lạ và hấp dẫn hiện nay, trò chơi Pokemon Go đang khiến giới trẻ say sưa và dự báo sẽ có nhiều em phải vào viện tâm thần điều trị vì nghiện trò chơi này.

Cũng giống như bất cứ trò chơi ảo nào đều dễ gây nghiện cho người chơi. Từ đó sinh ra nhiều tác hại cho sức khỏe, làm biến đổi nhân cách sâu sắc, chống đối trong gia đình, chống đối xã hội, bỏ thói quen tốt, trở thành người có hại. Khi nghiện game phải có giải pháp mạnh vì trước mắt các cháu luôn có hình ảnh ảo đôi khi cách ly chưa đủ nếu các cháu ở mức nghiện.

Lấy dẫn chứng, Thạc sĩ Cương cho biết nước Nhật đã mất đi 1 thế hệ vì các trò chơi điện tử, nghiện game và đó là bài học cho bất cứ ai. Nếu không muốn con cháu mình trở thành những cỗ máy sinh học, bỏ đi bản chất con người xã hội thì nên ngưng tất cả các trò chơi này. Ở trẻ nhỏ, bố mẹ cũng không nên cho con sử dụng điện thoại, thiết bị công nghệ hiện đại không có sự giám sát của người lớn để tránh gây nghiện cho các cháu.

Cùng chuyên mục
XEM