Bánh to thế, Tổ nào dám chứng!
Hình ảnh chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 2,5 tấn được dâng cúng trong ngày giỗ Tổ vừa qua làm nhiều người vừa chưng hửng, vừa ngao ngán nhắc lại những chuyện dở khóc dở cười về kỷ lục “món ăn to”.
Chúng tôi kiên quyết không nhận những vật phẩm trái với thực tế đời sống ngày xưa, không có chuyện bánh chưng, bánh giầy “khủng” tồn tại trong lễ hội đền Hùng - giỗ Tổ Hùng Vương năm 2016
Ông HÀ KẾ SAN (phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ) thể hiện quan điểm trước ngày giỗ Tổ năm nay
Trên một tờ báo mạng, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ đã thẳng thừng phản ứng:
“Chạy đua kỷ lục, cố gắng làm thật to, hoành tráng chẳng qua là để các công ty, đơn vị tự sướng. Lễ vật cúng tổ tiên được sử dụng như một hình thức quảng cáo, phô trương sức mạnh của đơn vị đó. Thực tế, từng có những chiếc bánh, nồi hủ tiếu khổng lồ phải vứt bỏ sau khi trưng bày.
Nơi làm bánh thật to, nơi vẫn còn thiếu đói. Làm bánh hoành tráng mua cười cho thiên hạ sẽ làm mất tính thiêng liêng của lễ nghi. Giỗ Tổ Hùng Vương đã thừa những kỷ lục rồi. Lấy to nhất làm tiêu chí quảng bá lễ hội là cách nhìn rất thô sơ...”.
Không chỉ nhà nghiên cứu lên tiếng, độc giả trên mạng cũng bày tỏ băn khoăn khi đọc, xem những hình ảnh về chiếc bánh chưng kỷ lục làm từ 1,2 tấn gạo nếp, 300kg đậu xanh, 200 ký thịt heo cùng 300kg lá chuối. Người Nhật chơi bonsai, làm sushi, bánh nước... cái gì cũng cố càng nhỏ càng đẹp càng ngon càng tinh tế.
Người Việt lại ham to! Nhiều ý kiến đồng nhất cho rằng thay vì làm một chiếc bánh chưng thật to như kể trên, làm thành hàng ngàn chiếc bánh chưng nhỏ, rồi xếp vào thành chiếc bánh chưng lớn để cúng Tổ, sau đó chia cho mọi người có phải “tốt đời, đẹp đạo” hơn không?
Một độc giả giận dữ bày tỏ: “Cực kỳ phản đối việc làm những cái bánh khổng lồ thế này. Không hề có chút sáng tạo nào. Ý tưởng cũ kỹ. Bánh làm ra chắc chắn không thể ngon như bánh kích thước truyền thống. Chưa kể rất nhiều trường hợp bánh trưng bày xong thì bị hỏng, mốc, thiu phải vứt bỏ, trong khi còn vô số người nghèo khổ không có ăn.
Thay vì làm cái bánh khổng lồ, các vị có thể làm hàng ngàn cái bánh kích thước truyền thống, cúng lễ dâng Quốc Tổ mấy cặp bánh theo lòng thành. Số bánh còn lại đem làm từ thiện, tặng những người có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện, trẻ em khuyết tật, bị bỏ rơi... thì chắc chắn các bậc Quốc Tổ sẽ càng chứng nhận lòng thành và công đức của các vị hơn”.
Nhưng còn nữa, xem hình ảnh làm bánh, giữa thời buổi an toàn thực phẩm đang là vấn đề nước sôi lửa bỏng, vậy mà những người làm bánh ngồi trong khuôn bánh để rải lá chuối.
Một độc giả khác không cần tinh ý cũng nhận xét dưới clip quay cảnh làm bánh: “Hai bác đi chân không trong khung bánh xếp lá chuối. Muốn làm cái bánh bao lớn là quyền của Đầm Sen, nhưng cũng phải đảm bảo vệ sinh...”.
Đấy, có mỗi chiếc bánh cúng Tổ, lòng thành đến đâu chưa biết, nhưng lòng thành đâu phải cứ to, to mãi, to nhất mới là lòng thành cúng giỗ? Nhớ tích xưa, Lang Liêu được vua cha chọn kế vị đâu phải nhờ món ăn to, sang cả mà chính là nhờ thứ bánh chưng bánh giầy giản dị, đơn sơ, nhỏ nhắn nhưng đầy ắp ý nghĩa.
Dân tình người trần mắt thịt còn thấy những điều phi lý ấy, lẽ nào các nhà tổ chức mê “ẩm thực to” không nhận ra, rồi đua nhau tìm cách lập kỷ lục. Tổ nào dám chứng cho những thứ to khó mà ngon, lại phô trương như thế?
Nhân viên công viên văn hóa Đầm Sen dùng tay chia nhỏ bánh chưng cho người dân - Ảnh: Hồng Lam
Một số kỷ lục VN cho món ăn to
* Ngày 6-8-2005: tại TP.HCM, một khách sạn đã làm ra chiếc gỏi cuốn lớn nhất VN với độ dài 12m, do 40 đầu bếp hoàn thành.
* Ngày 3-3-2010: một chiếc bánh giầy đã được công nhận là kỷ lục VN với chiều cao 70cm, đường kính 2,01m, trọng lượng 2.010kg và chi phí hoàn thành khoảng 200 triệu đồng đã được cung tiến vào chùa Bái Đính.
* Ngày 11-2-2015: tô hủ tiếu lớn nhất VN chính thức được xác lập tại Hội hoa xuân TP Sa Đéc (Đồng Tháp), có đường kính 150cm, sâu 70cm. Sau khi xác lập kỷ lục, tô hủ tiếu đã phải đổ đi vì ôi thiu. Cũng trong khuôn khổ hội chợ, một đòn bánh... phồng tôm dài 2,2m, nặng 160kg cũng được xác lập kỷ lục... to nhất!
* Ngày 20-2-2015: đòn bánh tét kỷ lục được 20 nhân viên gói bánh và khoảng 100 nhân viên rước bánh, đặt bánh vào nồi. Bánh có chiều dài 40m, đường kính 0,2m, nặng 875kg. Đây là chiếc bánh được một khách sạn tại Nha Trang làm và đã hơn 10 năm, năm nào khách sạn này cũng thực hiện chiếc bánh tét kỷ lục.
* Ngày 28-3-2015: tại TP.HCM đã diễn ra sự chế biến đĩa cơm tấm lớn nhất VN với đường kính 2,5m, được 25 đầu bếp chế biến trong khoảng thời gian hai giờ.
* Ngày 19-12-2015: trong khuôn khổ Hội chợ công thương khu vực ĐBSCL - Bạc Liêu đã diễn ra hoạt động đổ chiếc bánh xèo lớn kỷ lục thế giới với đường kính 1,9m, nặng khoảng 14kg.
Sẽ tiếp tục làm bánh chưng “khủng”
Ông Nguyễn Hữu Trung - phó giám đốc công viên văn hóa Đầm Sen, người trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện chiếc bánh chưng 2,5 tấn vừa qua tại Đầm Sen vào dịp giỗ Tổ - chia sẻ:
“Mấy hôm nay tôi cũng có nghe dư luận bàn tán về vấn đề này. Quan điểm của chúng tôi là vẫn lắng nghe dư luận để rút kinh nghiệm và làm tốt hơn cho những lần sau. Kinh phí thì không quá nhiều, chỉ hơn 30 triệu đồng, chủ yếu là công sức của anh em”.
Trước ý kiến của độc giả cho rằng việc nhân viên phân chia bánh cho khách bằng cách bốc bánh bỏ vào hộp xốp là không đẹp, ông Trung nói:
“Vì bánh quá lớn nên việc phân chia khá khó khăn. Tuy nhiên, nhân viên chúng tôi khi phân chia có mặc đồng phục, đeo bao tay nilông đàng hoàng, các dụng cụ cắt chia bánh cũng đảm bảo vệ sinh nên tôi nghĩ chúng tôi cũng đã rất cố gắng để phục vụ mọi người.
Lần sau, chúng tôi sẽ suy nghĩ thêm cách để chia bánh trông lịch sự hơn. Trước khi chia bánh cho du khách, cá nhân tôi cũng đã ăn thử trước. Tôi thấy bánh đạt chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Ông Trung cũng cho biết thêm: “Sắp đến, chúng tôi dự kiến vẫn tiếp tục thực hiện hoạt động này, như làm bánh trung thu khổng lồ vào dịp Tết Trung thu, làm bánh chưng khổng lồ vào dịp giỗ Tổ năm sau.
Nhưng chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để sự kiện đi vào chiều sâu hơn. Nghĩa là bên cạnh sự kiện làm chiếc bánh to, chúng tôi sẽ mời thêm các em học sinh gói những chiếc bánh nhỏ.
Hoạt động này như một chương trình ngoại khóa giúp các em biết thêm cách thực hiện các loại bánh dân gian. Những chiếc bánh này sẽ được chia sẻ đến những em nhỏ ở các nhà mở, mái ấm trong thành phố để các em có những mùa Trung thu, giỗ Tổ ấm cúng”.