Bàn về cơ hội phục hồi của Vietnam Airlines hậu Covid-19

22/06/2020 19:30 PM | Kinh doanh

Tác động của dịch bệnh Covid-19 tới kết quả sản xuất kinh doanh nhiều ngành trong năm 2020, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vận tải hàng không như Vietnam Airlines, là điều rõ ràng trước mắt. Đứng trước khó khăn đó, Vietnam Airlines đang tiến hành nhiều phương án hỗ trợ cổ đông Nhà nước nhằm đảm bảo nguồn vốn bổ sung cần thiết.

Hành động trước khó khăn

Chưa bao giờ ngành hàng không lại lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng như năm 2020. Chỉ trong vòng 2 tháng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn bộ tần suất, khả năng hoạt động toàn ngành bị đóng băng tới hơn 80%. Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thiệt hại sơ bộ đã lên tới con số 419 tỷ USD và phải cần đến 3 năm (tới 2023) mới có khả năng phục hồi trở lại.

Không nằm ngoài khó khăn chung của thế giới, hàng không Việt Nam và Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức. Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, dịch bệnh Covid-19 khiến kế hoạch phát triển hàng không Việt Nam chậm lại 3-4 năm, đồng thời biến toàn bộ tích lũy của riêng Vietnam Airlines trong khoảng thời gian 4-5 năm về trước "đổ sông đổ bể".

Nhưng khó khăn cũng là chính là lúc thử thách bản lĩnh và tầm nhìn của những người đứng đầu. Nhìn nhận nguy cơ và ảnh hưởng khôn lường của dịch bệnh, ngay từ giai đoạn đầu, Vietnam Airlines đã nhanh chóng triển khai nhiều phương án xử lý. Trong đó có thể kể đến như điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ phù hợp và đảm bảo an toàn dịch tễ, tối ưu các cơ hội, quy trình hoạt động, nhân sự để đảm bảo doanh thu, tiết kiệm chi phí tối đa nhất có thể.

Bàn về cơ hội phục hồi của Vietnam Airlines hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Khó khăn chắc chắn vẫn còn trước mắt, nhưng đó sẽ là cơ hội để Vietnam Airlines tiếp tục thể hiện bản lĩnh của "người đứng đầu".

Báo cáo tới thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã hoàn tất giãn nợ của các ngân hàng thương mại trong nước với giá trị 15 triệu USD (tương đương 90% số nợ gốc phải thanh toán đến cuối tháng 9-2020). Ngoài ra, 24 triệu USD là số tiền giãn nợ đối với các tổ chức tín dụng nước ngoài. Đồng thời, kế hoạch phát triển và sản xuất kinh doanh cũng có nhiều điều chỉnh. Ước tính, năm 2020 sẽ có khoảng 14,5 triệu khách (bằng 63,2% so với kế hoạch chưa điều chỉnh), sản lượng vận chuyển hàng hoá 204,8 nghìn tấn (bằng 59%). Doanh thu hợp nhất là 40.586 tỷ đồng (bằng 36,7%). Trong đó, công ty mẹ doanh thu 32.535 tỷ đồng (bằng 38,8%); lợi nhuận hợp nhất là âm 15.177 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ âm 14.487 tỷ đồng.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết: Vietnam Airlines xác định 2020, hay thậm chí cả 2021 là quãng thời gian để doanh nghiệp vượt khó và hồi phục kinh doanh. Tổng công ty cũng đã lên phương án kịch bản nhằm ứng phó với rất nhiều tình huống hay biến chuyển có thể xảy ra xoay quanh dịch bệnh. Trong đó, Vietnam Airlines sẽ cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch mở rộng hệ sinh thái sang nhiều hướng kinh doanh khác nhau nhằm phân tán rủi ro.

Tiềm lực nội tại đủ vững chắc

"Bị mất máu đột ngột, thiệt hại rất nặng do dịch Covid-19 nhưng Vietnam Airlines trụ được đến ngày hôm nay vì trước đó, chúng tôi có tiềm lực tài chính rất mạnh. Năm 2019, Tổng công ty ghi nhận mức lãi trên 3.200 tỷ đồng và luôn có dòng tiền dương ổn định trong ngân hàng. Đối với các hãng không khác có tình hình tài chính khó khăn trước Covid, ví dụ như Thai Airways, ảnh hưởng của Covid-19 sẽ nhanh chóng làm họ suy kiệt dòng tiền và rơi vào tình trạng phá sản. Các hãng hàng không thiếu tiềm lực tài chính, không có tích lũy tài sản sẻ gặp khó khăn nhiều hơn trong quá trình ứng phó và phục hồi sau đại dịch, Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền chia sẻ.

Bàn về cơ hội phục hồi của Vietnam Airlines hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Tiềm lực sẵn có là một trong nhiều yếu tố sẽ giúp Vietnam Airlines trụ vững cũng như phục hồi mạnh mẽ trở lại sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Sau 5 năm tiến hành cổ phần hóa, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không có quy mô, tiềm lực tài chính và giá trị vốn hóa không ngừng tăng mạnh. Tính đến hết năm 2019, doanh thu hợp nhất đạt 100.316 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.389 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ ước tính 2.899 tỷ đồng, tăng trưởng 19,9% so với năm 2018, nộp ngân sách nhà nước 7.929,6 tỷ đồng. Nhờ vào tăng trưởng tốt, báo cáo minh bạch, cổ phiếu HVN nhanh chóng lọt top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam sau sự kiện chuyển sàn. Ngoài ra, Vietnam Airlines hiện đang sở hữu hơn 100 tàu bay, trong đó có nhiều tàu bay thân rộng thế hệ mới nhất như Boeing 787, Airbus A350. Điều này cho thấy vị thế thương hiệu và tầm ảnh hưởng rất lớn của Vietnam Airlines trong lĩnh vực hàng không.

Đó là trong nước, còn xét trên thị trường quốc tế, Vietnam Airlines là thương hiệu đứng thứ 50/800 hãng hàng không thế giới. Thậm chí trong khu vực Đông Nam Á, Vietnam Airlines đã vượt nhiều hãng quốc gia lớn của Philippines, Malaysia, Thái Lan… Vietnam Airlines Group hiện đang chiếm 25% thị phần quốc tế và hơn 50% thị phần nội địa. Đây là những thành tựu đầy giá trị trong bối cảnh cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường hàng không ngày càng gay gắt và khốc liệt.


Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM