'Bàn tay midas' của Microsoft: Mất 33 năm để đạt vốn hóa 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ cần 2 năm để chạm tới 2 nghìn tỷ USD

25/06/2021 13:47 PM | Kinh doanh

Microsoft - gã khổng lồ già nua 50 tuổi nhưng lại sở hữu "bàn tay midas" chạm vào mọi thứ đều biến thành vàng. Không sai theo nghĩa đen, hàng tỷ đô la đã được mang về nhờ 'những đám mây' do CEO Satya Nadella tạo ra.

Tập đoàn Microsoft mới đây đã đạt được cột mốc lịch sử khi là công ty thứ 2 của Mỹ sau Apple chạm mốc vốn hóa 2 nghìn tỷ USD. Có được thành tích này là nhờ Microsoft đặt cược vào sự thống trị của họ trong mảng điện toán đám mây và phần mềm doanh nghiệp. Đây đều là những mảng kinh doanh được dự đoán sẽ còn mở rộng hơn nữa trong thế giới hậu đại dịch.

Cổ phiếu Microsoft đã tăng 1,2% trên sàn New York trong phiên giao dịch ngày thứ 3, đủ để công ty này "ngồi cùng mâm" với Apple trong câu lạc bộ doanh nghiệp nhà giàu với vốn hóa trên 2 nghìn tỷ USD. Trước đó Saudi Aramco đã vượt qua ngưỡng đó vào tháng 12/2019 nhưng hiện vốn hóa thị trường của họ chỉ ở mức 1,9 nghìn tỷ USD.

Bàn tay midas của Microsoft: Mất 33 năm để đạt vốn hóa 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ cần 2 năm để chạm tới 2 nghìn tỷ USD - Ảnh 1.

Mất 33 năm để đạt vốn hóa 1 nghìn tỷ USD và chỉ cần 2 năm để đạt tới 2 nghìn tỷ USD

Tại Microsoft không quá để ví CEO Satya Nadella với "vua Midas". Trong 6 năm tại vị, Satya Nadella đã biến một Microsoft trì trệ trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết.

Kể từ khi đảm nhiệm cương vị CEO Microsoft vào năm 2014, doanh nhân gốc Ấn Satya Nadella đã định hình lại toàn bộ công ty này trở thành doanh nghiệp bán phần mềm điện toán đám mây lớn nhất, tính cả phần cơ sở hạ tầng và ứng dụng điện toán đám mây trong Office. Microsoft cũng là công ty công nghệ lớn duy nhất ở Mỹ né tránh được làn sóng thanh kiểm tra sát sao của chính quyền Mỹ về chống độc quyền thời gian vừa qua, giúp họ rảnh tay thúc đẩy các thương vụ mua lại và mở rộng sản phẩm.

"Microsoft nhúng tay vào rất nhiều thứ và họ đều đang làm rất tốt: Từ game, điện toán đám mây, tự động hóa, phân tích cho tới trí thông minh nhân tạo"

Giá cổ phiếu Microsoft đã tăng 19% trong năm nay, vượt Apple và Amazon. Khi các nhà đầu tư liên tiếp mua vào cổ phiếu với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng dài hạn về cả lợi nhuận và doanh thu và mở rộng ra các lĩnh vực khác như máy học và điện toán đám mây.

Kết quả kinh doanh quý 3 của công ty được công bố vào cuối tháng 4, đã vượt mọi dự báo của các nhà đầu tư và cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh trên khắp các lĩnh vực kinh doanh.

Microsoft "nhúng tay vào rất nhiều thứ và họ đều đang làm rất tốt: Từ game, điện toán đám mây, tự động hóa, phân tích cho tới trí thông minh nhân tạo", theo Hilary Frisch – Chuyên gia phân tích trưởng tại Clearbridge Investment. "Đó là một cái tên giá trị đầy thu hút trong giới công nghệ và họ sẽ còn được hưởng lợi từ cả việc các nền kinh tế bắt đầu mở cửa lại cũng như từ sự dịch chuyển hướng tới điện toán đám mây".

Được đồng sáng lập vào năm 1975 bởi Bill Gates và Paul Allen, Microsoft đã tạo ra ngành công nghiệp phần mềm máy tính cá nhân và thống trị thị trường hệ điều hành PC và phần mềm Office trong nhiều năm. Khi các trình duyệt Internet như Netscape phát triển trong những năm 1990, Microsoft đã tăng tốc giới thiệu sản phẩm của chính họ đồng bộ với Windows. Điều này dẫn tới vi phạm luật độc quyền và họ bị tuyên án vào năm 2000.

Mặc dù Microsoft đã tránh được việc chia tách doanh nghiệp nhưng án phạt đã khiến 1 thập kỷ sau đó, công ty này bỏ lỡ thời của phần mềm di động, mạng xã hội và tìm kiếm internet, thụt lùi so với những đối thủ như Google và Apple. Với hàng loạt chiến lược dịch chuyển trong nhiều năm qua của Nadella, Microsoft đã hồi sinh lại trở thành gã khổng lồ công nghệ với tập trung hướng vào điện toán đám mây, máy tính di động và trí thông minh nhân tạo.

Trong khi Microsoft mất 33 năm kể từ khi IPO để đạt được mốc vốn hóa 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2019, 1 nghìn tỷ USD họ chỉ mất 2 năm để đạt được giữa bối cảnh thăng hoa của các cổ phiếu công nghệ trước khi dịch Covid-19 bùng phát và trong suốt khủng hoảng dịch bệnh. Apple đạt được cột mốc này vào năm ngoái.

Bàn tay midas của Microsoft: Mất 33 năm để đạt vốn hóa 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ cần 2 năm để chạm tới 2 nghìn tỷ USD - Ảnh 3.

Trong số những công ty công nghệ lớn ở Mỹ, Amazon đang bám sát 2 công ty này với vốn hóa hiện đạt 1,8 nghìn tỷ USD. Alphabet hiện có vốn hóa 1,6 nghìn tỷ USD.

"Microsoft hoàn thành mọi thứ, trên thị trường, họ là cổ phiếu yêu thích của các nhà đầu tư, họ cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh và ổn định và vẫn định vị rất tốt để kiếm tiền trong dài hạn dựa trên các xu hướng mà chúng ta nhìn thấy trong công nghệ. Họ đảm bảo và cho thấy cách xoay quanh hoạt động kinh doanh điện toán đám mây và vẫn có giá trị thu hút bởi tình hình kinh doanh tốt".

Trụ cột tăng trưởng: Những đám mây và cả những chiếc... PC

Mảng kinh doanh điện toán đám mây của Microsoft là cỗ máy trung tâm sau sự phát triển này. Theo dữ liệu gộp của Bloomberg, mảng điện toán đám mây chiếm 33,8% doanh thu năm 2020 của Microsoft, biến họ trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong 3 lĩnh vực chính và tăng từ 31% trong năm 2019. Mảng này cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 24% vào cuối năm ngoái, so với mức 13% mảng Productivity and Business Processes và 6% của mảng More Personal Computing.

Dù mảng điện toán đám mây của Microsoft hiện vẫn theo sau AWS của Amazon về thị phần nhưng chiến lược tăng trưởng của Microsoft đang đi rất nhanh và thị trường trị giá hàng tỷ đô la này vẫn là một cơ hội lớn cho Microsoft.

Chiến lược của Nadella đã đưa Microsot vào vị thế hưởng lợi từ xu hướng kinh doanh nổi lên trong suốt đại dịch. Những tưởng kỷ nguyên của PC - mảng kinh doanh thịnh vượng một thời của Microsoft đã dần qua nhưng khi dịch Covid-19 ập đến, mọi chuyển thay đổi.

Những lệnh phong tỏa và làm việc từ xa thúc đẩy dịch chuyển sang phần mềm họp của Microsoft. Khách hàng thì ráo riết hiện đại hóa các mạng lưới phần mềm và ứng dụng trên máy tính PC của mình để phục vụ làm việc tại nhà. Đáp lại, Microsoft vừa cho ra mắt Windows 11 với vô số những tính năng hấp dẫn.

Việc sử dụng SharePoint đã tăng 100% vào năm 2020 khi nền tảng này vượt qua 200 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Tương tự như vậy, Teams hỗ trợ cộng tác và các cuộc họp từ xa cho trung bình hơn 115 triệu người mỗi ngày.

Những con số đó phản ánh vai trò quan trọng của Microsoft trong việc kích hoạt quy trình làm việc của doanh nghiệp trên toàn cầu. Sự phụ thuộc của các doanh nghiệp vào Microsoft là một lợi thế cạnh tranh có giá trị và nó sẽ đưa công ty lên một tầm cao mới trong tương lai.

Lượt thuê bao game Xbox của công ty cũng tăng chóng mặt suốt nhiều tháng người dân bị mắc kẹt ở nhà. Doanh thu từ mảng dịch vụ và nội dung trò chơi đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước trong quý 2 tài chính, so với mức giảm 11% trong quý năm trước.

Bàn tay midas của Microsoft: Mất 33 năm để đạt vốn hóa 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ cần 2 năm để chạm tới 2 nghìn tỷ USD - Ảnh 4.

Có hơn 3 tỷ game thủ trên khắp thế giới. Và khi thị trường tiếp tục mở rộng, sự hiện diện mạnh mẽ của Microsoft trong lĩnh vực này sẽ là một yếu tố đóng góp mạnh mẽ vào sự tăng trưởng chung của công ty.

Khi các công ty bắt đầu cho nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc, Microsoft đã nỗ lực đưa ra những ý tưởng mới cho việc quản lý cuộc họp – dựa trên tình huống sẽ có một vài người tham gia ngồi trực tiếp, một số khác phải làm từ xa. Họ cũng cung cấp thêm những tính năng hỗ trợ tăng năng suất làm việc.

Wall Street cũng lạc quan về chiến lược M&A của công ty. Công ty đã chi tổng cộng hơn 45 tỷ USD để mua lại các công ty bao gồm mạng xã hội kinh doanh linkedin, nhà phát triển trò chơi điện tử Mojang and Zenimax và dịch vụ lưu trữ Github. Hồi tháng 4, công ty cho biết họ đã đồng ý mua lại công ty nhận dạng giọng nói Nuance với giá 19,7 tỷ USD. Công ty cũng nỗ lực mua công ty trò chuyện bằng giọng nói trên video game Discord với giá 12 tỷ USD nhưng công ty này từ chối.

Nguồn: Tổng hợp

Vân Đàm

Từ khóa:  Microsoft
Cùng chuyên mục
XEM