Bán nước mắm Việt giá cao tại Thái Lan, Masan đang toan tính điều gì?

14/10/2016 09:55 AM | Kinh doanh

Bà Lê Thị Nga, Giám đốc Sản phẩm Cấp cao của Masan, đã trả lời phỏng vấn chúng tôi bên lề hội thảo nước mắm tại TP HCM ngày 10/10 về câu chuyện mắm Masan sang Thái.

Ngày 3/10 là ngày đầu tiên Masan bán sản phẩm mắm Yod Thong trên đất Thái sau 7 tháng tìm hiểu khẩu vị, nghiên cứu thị trường... trên đất Thái. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Nga, Giám đốc Sản phẩm Cấp cao của Masan về câu chuyện này.

Được biết Masan đã đưa được nước mắm sang Thái Lan. Hiện tiến độ ra sao thưa bà?

- Ngày 27/9, chúng tôi tiến hành buổi lễ mở hàng tại Bangkok, nhờ sự liên kết giữa Masan và Singha.

Ngày 3/10 là ngày bán hàng đầu tiên. Nước mắm Masan được đưa vào các quán ăn ở 4 tỉnh. Từ đó đến nay mới được hơn một tuần. Lãnh đạo của Masan cũng đang trực tiếp ở Thái Lan để theo dõi tình hình.

Những thông tin ban đầu cho thấy khá khả quan. Nhiều đầu bếp thử, nếm và nhận thấy sự khác biệt, rất thơm, có vị mặn trước và sau đó là vị ngọt. Sau đó, họ nấu món ăn cho mọi người sử dụng. Nhiều người nhận xét món ăn ngon hơn.

Sau 2 tuần, Masan sẽ chuyển hàng đến số lượng lớn các quán ăn ở để xem họ đánh giá như thế nào, không những về chất lượng mà còn là bao bì, giá cả, hệ thống phân phối.... Cũng cần nắm bắt rất chắc các thông tin về thị trường mới này. Như tôi đã nói đây là bước chân nhỏ đầu tiên nên phải đi sát.

Vì sao Masan chọn Thái Lan làm thị trường tiếp theo?

- Việt Nam là quốc gia tiêu thụ nước mắm nhiều nhất trên thế giới. Ngay sau Việt Nam là Thái Lan. Thái Lan chính là quốc gia lân cận với chúng ta. Đưa nước mắm vào Thái Lan chính là bước chân nhỏ của Masan để phục sự cho 250 triệu người Inland Asean (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào). Sau Thái Lan sẽ là Myanmar, Lào và Campuchia.

Chúng tôi mong muốn không chỉ nước mắm ở Inland Asean mà muốn đưa ra toàn cầu, cùng với Thái Lan, Myanmar và các nước trong Inland Asean, để giới thiệu nước mắm ra toàn cầu

Trong thời gian gần đây, thị phần nước mắm của Masan có đi xuống. Đó có phải là lý do khiến Masan sang Thái không?

- Thực ra thị phần trong nước và đưa ra thế giới là 2 việc độc lập. Vì chúng tôi có mảng phát triển thị trường nội địa và thị trường in-land. Do đó, đây là 2 cánh quân.

Nói là cánh quân nhưng thực sự là đi phục vụ người tiêu dùng, không những trên mảnh đất Việt Nam mà cả từng gia đình ở mảnh đất Inland. Do đó, việc đi ra thế giới phục vụ 250 triệu người Inland Asean cũng là kế hoạch đã có của chúng tôi trước đây.

Chúng tôi rất vui mừng rằng chỉ sau một thời gian rất ngắn, chỉ 7 tháng, chúng tôi đã làm được điều kỳ diệu là đưa nước mắm sang Thái Lan, đó là nhờ quyết tâm. Trên hết vẫn là nhờ tình yêu với người Thái để mang đến loại nước mắm do người Việt làm ra. Những người Thái nói với chúng tôi rằng họ thực sự thấy nó ngon và chưa bao giờ thấy mắm ngon đến như vậy.

Giá của mắm Masan ở thị trường Thái Lan như thế nào so với các sản phẩm do Thái sản xuất?

- Về giá thì mắm của Masan cao hơn mặt bằng chung khoảng 10%. Trong cuộc họp báo ngày 28/9 do Masan tổ chức ở Thái Lan, phóng viên bên đó có đặt câu hỏi rằng: Mắm Việt sang thị trường Thái Lan nhưng giá lại cao hơn thì ông đặt cược vào đâu. Lãnh đạo Masan trả lời rằng, chúng tôi đặt cược vào chất lượng sản phẩm.

Masan hoàn toàn tự tin vì sản phẩm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng khẩu vị của người Thái và qua các khảo sát thì được người Thái rất ủng hộ. Họ đón nhận và sẵn sàng chuyển đổi để dùng mắm của chúng tôi.

Masan có dự định sản xuất mắm tại Thái Lan không?

- Điều đó còn tùy thuộc vào thực tế thị trường. Nhưng không có gì là không thể. Một sản phẩm làm sao để đạt được thị hiếu người tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý sẽ là những tiêu chí để sản phẩm có thể tồn tại và phát triển tại thị trường đó.

Khi sang Thái thì Masan gặp khó khăn gì và nhận thấy cơ hội như thế nào?

- 7 tháng qua là quá trình gian nan. Mà như bạn biết đó, người Thái họ ăn cay, chua rất dữ. Thuận lợi chính là đội ngũ của Masan đã nhanh chóng hiểu được khẩu vị của người Thái. Về hệ thống phân phối, Singha là đối tác của Masan. Họ là tập đoàn rất danh tiếng và sẵn sàng hỗ trợ hệ thống phân phối mạnh mẽ trên khắp Thái Lan.

Tất nhiên một sản phẩm mới dù vào thị trường nào, Việt Nam hay Thái Lan thì đều gặp khó khăn. Vấn đề là giữ vững chiến lược và tin vào niềm tin phục vụ người tiêu dùng với sản phẩm ngon, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyên liệu cho ngành nước mắm đang dần khan hiếm. Đó có thể là mối lo của Masan không thưa bà?

- Thực tế là sản lượng cá cơm ngày càng giảm. Vấn đề là làm sao để giữ được sản lượng cá cơm là rất quan trọng. Và chắc chắn là phải nhờ đến khoa học kỹ thuật. Khoa học kỹ thuật ở đây vẫn kết nối được với truyền thống để có được tinh túy, vị ngon của mắm nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể tồn tại ở mọi thị trường.

Sự cố biển hồi tháng 4 vừa rồi, Masan có bị ảnh hưởng không?

- Hiện Masan có nhà thùng Nam Ngư ở trên đảo Phú Quốc. Nhà máy này cung cấp 15% nguyên liệu mắm cốt cho toàn bộ Masan. Masan kiểm soát chặt chẽ đầu vào. 85% còn lại thì thu mua ở các nhà thùng khác đều thông qua quy trình sản xuất ngặt nghèo.

Cái quan trọng là Masan luôn đồng hành cùng các nhà thùng để họ cung cấp những sản phẩm đạt chuẩn. Các nhà máy cũng có quy trình rất khắt khe.

Tính về sản lượng, hiện Masan mua 60% sản lượng nước mắm cốt tại các vùng trọng điểm sản xuất nước mắm chính là Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang.

Cảm ơn bà!

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM