Bỏ bánh trung thu, Kido lãi đậm từ bán kem & bánh bao, tỷ suất sinh lời cao hơn cả Masan và Vinamilk
Các sản phẩm kinh doanh của Kido đang khá đa dạng, gồm kem, bánh bao, dầu ăn, mỳ gói... Trong đó, kem và bánh bao được xếp vào ngành lạnh, là ngành chủ lực của Kido.
Trao đổi với báo chí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, Kido đã bắt đầu mở rộng hoạt động sang mảng bánh bao từ cuối năm 2015. Đến nay, công suất bánh bao của công ty đã đạt trung bình 120.000 cái/ngày.
Như vậy, các sản phẩm kinh doanh của Kido đang khá đa dạng, gồm kem, bánh bao, dầu ăn, mỳ gói... Trong đó, kem và bánh bao được xếp vào ngành lạnh, là ngành chủ lực của Kido. Tổng giám đốc Kido cho biết, bánh bao hiện chưa đóng góp nhiều vào lợi nhuận của công ty nhưng đây là sản phẩm có biên lợi nhuận rất tốt.
Biên lợi nhuận cao dường như là đặc trưng của ngành lạnh Kido, tiêu biểu như kem. 6 tháng đầu năm, nhờ đóng góp chủ lực của ngành kem mà biên lợi nhuận của Kido lên tới 51%, cao hơn cả tỷ suất sinh lời của các ông lớn ngành thực phẩm như Vinamilk hay Masan. Doanh thu từ kem 6 tháng đầu năm chiếm tới 75% doanh thu của công ty.
Kido hiện đã có 60.000 điểm được trang bị tủ kem và hệ thống xe đông lạnh để vận chuyển trên cả nước. 60.000 tủ kem này cũng sẽ được bày bán bánh bao cấp đông và hấp lên khi bán cho khách hàng để đảm bảo chất lượng. Nhà máy tại Bắc Ninh dự kiến hoàn thành trong quý này cũng sẽ góp phần tiết giảm chi phí vận chuyển và tăng năng suất ngành lạnh lên 170%.
Về mảng dầu ăn, Kido vẫn giữ kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex vào cuối năm nay từ 24% lên 51%. Vocarimex có vị thế đầu ngành trên thị trường bán buôn bán lẻ khi nắm cổ phần lớn tại nhiều công ty con và công ty liên kết, kiểm soát hơn 80% thị trường bán lẻ dầu ăn.
6 tháng đầu năm nay, doanh thu Vocarimex đạt 2.556 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và lợi nhuận 217 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, trong đánh giá của một báo cáo phân tích mới đây, KDC cũng có khả năng sẽ mua cổ phần tại Tường An, công ty con chủ chốt của Vocarimex để sở hữu trực tiếp công ty này. Tường An hiện là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong ngành dầu ăn nội địa, với thị phần 16,3%, xếp sau dầu ăn Cái Lân với thị phần 39,2%. Vocarimex cũng có cổ phần tại Cái Lân với tỷ lệ sở hữu 24%.
Như vậy, nếu Kido tăng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex vào cuối năm sau thì sang năm 2017, mảng dầu ăn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào kết quả doanh thu và lợi nhuận của công ty.