Bán đồ ăn trên GrabFood, Go-Food, Now, Baemin: 3 ưu điểm và 2 nhược điểm mọi người bán cần cân nhắc trước khi quyết định

30/01/2020 15:30 PM | Kinh doanh

Không chỉ các thương hiệu lớn như Gong Cha, Phúc Long, KFC, McDonald’s,… đang có mặt trên các ứng dụng bán đồ ăn trực tuyến, mà nhiều cửa hàng nhỏ cũng đi theo hình thức này. Ngoài mặt lợi về chi phí, vẫn còn đó một số điểm mà những ai mong muốn bán đồ ăn qua app nên tham khảo trước khi quyết định.

Không thể phủ nhận hiện tại việc kinh doanh đồ ăn, thức uống trên các ứng dụng như GrabGood, GoFood, Now hay Baemin đang trở nên ngày càng phổ biến và đem lại lợi nhuận 'khủng' cho nhiều quán ăn. Chẳng cần mặt bằng rộng rãi hay phải ở vị trí đắc địa, chủ quán vẫn có thể kiếm được hàng trăm đơn mỗi ngày khi bán đồ ăn trực tuyến.

Đó là với các cửa hàng nhỏ còn đối với các thương hiệu đồ uống nổi tiếng như Gong Cha, Alley, Phúc Long, Starbucks... hay các thương hiệu đồ ăn lớn như KFC, McDonald’s, bán trên app cũng đang là một lựa chọn phổ biến.

Tại sao lại như vậy? Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy điểm qua những ưu điểm và nhược điểm của việc bán đồ ăn online hiện nay.

1. Ưu điểm

Theo đánh giá của Techbike, mô hình bán đồ ăn online có nhiều ưu điểm không thể không thừa nhận.

Thứ nhất, các ứng dụng như Grab, Go-Viet, Now... sở hữu lên tới con số hàng triệu user. Vì vậy khi bán hàng trên các ứng dụng này, các quán ăn sẽ có cơ hội tiếp cận tới hàng triệu người dùng mà không cần phải chạy các chiến dịch marketing, quảng cáo tốn kém.

Bán đồ ăn trên GrabFood, Go-Food, Now, Baemin: 3 ưu điểm và 2 nhược điểm cần cân nhắc trước khi quyết định - Ảnh 1.

Thứ hai, khi bán đồ ăn online, các quán sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí về mặt bằng. Để bán đồ ăn theo kiểu truyền thống, chi phí thuê mặt bằng sẽ khá tốn kém vì người chủ phải ưu tiên chọn những nơi dân cư đông đúc, có tập khách hàng lớn và nhu cầu sử dụng thường xuyên, chưa kể vị trí cũng cần dễ tiếp cận. Trong khi đó, với mô hình bán hàng qua app, họ có thể chọn các địa điểm trong ngõ ngách, gần với các trường đại học, khu chung cư, văn phòng... là được.

Nhiều trường hợp thực tế, các quán ăn rộng chưa tới 2m2 nhưng lại rất thành công khi bán trên app và sau đó thậm chí đã phát triển ra nhiều chi nhánh khác nhau.

Thứ ba, các khoản chi cho nhân viên bán hàng hay shipper giao đồ ăn cũng sẽ được cắt giảm. Hiện nay các đối tác bán hàng trên GrabFood, Now... sẽ được cung cấp phần mềm quản lí riêng (dành cho Merchant) để nhận đơn hàng, cập nhật món ăn. Các quán có lượng khách lớn sẽ được cung cấp máy Pos để quản lí đơn hàng, doanh thu nhằm tối ưu quy trình và tăng năng suất.

Cụ thể khi có khách hàng đặt đồ ăn thì chủ quán sẽ xác nhận món còn hay hết và chuẩn bị ngay sau đó. Lúc này shipper sẽ di chuyển đến nhà hàng để nhận món ăn thay vì shipper phải đến quán rồi mới gọi đồ. Quy trình trên sẽ tối ưu hóa các công đoạn rườm rà, loại bỏ vị trí nhân viên bán hàng cũng như nhân viên giao hàng, vì shipper sẽ là người trực tiếp đi giao và khách hàng tự thanh toán cho khoản này.

2. Nhược điểm

Bán đồ ăn trên GrabFood, Go-Food, Now, Baemin: 3 ưu điểm và 2 nhược điểm cần cân nhắc trước khi quyết định - Ảnh 2.

Dù tồn tại nhiều ưu điểm nhưng việc bán hàng thông qua ứng dụng thứ 3 cũng có những nhược điểm cần cân nhắc.

Thứ nhất, việc bán đồ ăn trên các ứng dụng sẽ không miễn phí hoàn toàn. Đổi lại việc tiết kiệm chi phí và tiếp cận tệp khách hàng lớn, chủ quán sẽ phải chia sẻ doanh thu với bên cung cấp như Grab, Now... Chi phí chiết khấu thường dao động từ 20% đến 30% doanh thu, tùy vào mỗi nhà hàng khác nhau. Trong trường hợp đơn hàng ít, mô hình này sẽ khó thu lợi nhuận vì chi phí bỏ ra nhiều.

Thứ hai, và cũng là vấn đề nghiêm trọng hơn cả, các quán ăn sẽ phải chia sẻ dữ liệu người dùng. Ví dụ, một thương hiệu trà sữa đã có chỗ đứng và lượng fan đông đảo, sau khi bán hàng trên app, khách hàng của họ sẽ được gợi ý thêm các thương hiệu trà sữa tương đương như The Alley, Gong Cha,… Như vậy có khả năng khách hàng sẽ tiếp cận và lựa chọn một thương hiệu mới được gợi ý. Đây cũng là lý do The Coffee House không bán trên các ứng dụng giao đồ ăn phổ biến hiện nay. Chủ tịch Đinh Anh Huân của The Coffee House thậm chí từng chia sẻ: "The Coffee House hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn là tự sát".

Kết luận

Vậy có nên bán đồ ăn qua các nền tảng như GrabFood, GoFood, Now hay Baemin? Câu trả lời theo Techbike là Nên, vì lợi ích đem lại nhiều hơn các mặt hạn chế.

Tuy nhiên trước khi bán hàng trên app, chủ quán cần nghiên cứu, tối ưu chi phí món ăn để đem lại lợi nhuận tốt nhất. Ví dụ, có thể tăng giá món ăn lên một chút để sau khi trừ chiết khấu, lợi nhuận đem về sẽ cao hơn hay bằng so với bán tại quán. Ngoài ra, cần phải xác định rõ mình bán đồ ăn chủ yếu trên app hay là khách hàng tự đến quán để lựa chọn mặt bằng kinh doanh phù hợp.

Nhât Anh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM