Bạn có biết: ở Nhật Bản không hề có ngày Nhà giáo

21/11/2016 20:53 PM | Sống

Chẳng phải vì người Nhật không tôn trọng giáo viên đâu. Nguyên nhân sâu xa của nó sẽ khiến bạn thực sự bất ngờ.

Thế giới có ngày Nhà giáo quốc tế. Nhiều quốc gia cũng có ngày nhà giáo của riêng họ. Nhưng riêng Nhật Bản thì không.

Nghe có vẻ ngang trái, chẳng lẽ nghề nhà giáo tại Nhật bị "thất sủng" đến vậy? Nhưng việc đó có một nguyên nhân sâu xa và ý nghĩa hơn nhiều.

Vì sao Nhật Bản không có ngày dành cho các "Sensei"?

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu nguồn gốc của từ "Sensei" (giáo viên) trong tiếng Nhật đã. Sensei thường được hiểu là "người hướng dẫn" hay còn gọi là "thầy". Nếu được dịch một cách chính xác thì Sensei là cách gọi kính cẩn những người "được sinh ra trước những người khác".

Sẽ có nhiều người lầm tưởng rằng sensei có nghĩa như Senpai (tiên sinh). Nhưng sự khác biệt giữa 2 cách xưng hô là rất lớn. Nếu như Senpai và những bậc hậu bối có thể thoải mái nói chuyện một cách thân mật thì giữa Sensei với học trò, mức độ kính trọng được đẩy lên cao hơn nhiều.

Sensei – người cực kỳ được tôn trọng trong xã hội Nhật Bản
Sensei – người cực kỳ được tôn trọng trong xã hội Nhật Bản

Giáo dục là lĩnh vực đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của một đất nước. Giáo dục có tốt thì mới đào tạo ra được những con người có ích cho xã hội, mới có thể đưa đất nước đi lên. Đối với một đất nước giàu mạnh bậc nhất thế giới như Nhật Bản, vai trò của người thầy lại càng không thể phủ nhận.

Thế thì vì sao người dân nước này lại không dành một ngày để chúc mừng các thầy cô giáo? Thậm chí họ không hề quan tâm đến ngày Nhà giáo quốc tế nữa.

Câu trả lời thực ra cực kì đơn giản. Ở Nhật Bản không có ngày Nhà giáo, vì bất kì ngày nào cũng là ngày Nhà giáo! Tất cả những người làm giáo viên luôn luôn được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, vào bất kì thời gian hay địa điểm nào.

Một ngày như mọi ngày, đều là ngày Nhà giáo ở Nhật Bản
Một ngày như mọi ngày, đều là ngày Nhà giáo ở Nhật Bản

Ngoài ra còn một nguyên do nữa, đó là người Nhật tin rằng mọi ngành nghề đều đáng được tôn trọng, chứ không riêng gì giáo viên cả.

Nhưng người Nhật có một sự tôn trọng đặc biệt với giáo viên

Việc đầu tiên vào buổi sáng mà mỗi em bé Nhật Bản làm khi đến trường là cúi gập người chào thầy cô một cách thật lễ phép. Cử chỉ đó tuy nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa. Đó chính là sự tôn trọng dành cho những người làm nghề giáo.

"Tôn trọng" chính là xương sống trong nền giáo dục Nhật Bản.

Catherine Lewis, một học giả tại ĐH Mill cho rằng: "Cả hệ thống giáo dục của Nhật Bản được lập ra để nhấn mạnh tầm quan trọng của người làm nghề giáo. Đổi lại, họ mang trên mình những kì vọng của toàn dân tộc để cống hiến cả cuộc đời dành cho việc đào tạo những thế hệ làm rạng danh đất nước."

Tôn trọng chính là xương sống trong nền giáo dục Nhật Bản
"Tôn trọng" chính là xương sống trong nền giáo dục Nhật Bản

Tuy nhiên, để xứng đáng với sự tôn trọng đó của xã hội, những người thầy người cô phải cống hiến cả cuộc đời mình để uốn nắn từng đứa trẻ thành những công dân gương mẫu của xã hội.

Nếu như một đứa trẻ mắc một lỗi sai nào đó cả trong học tập lẫn trong cuộc sống, thì người đầu tiên nhận ra là người thầy cô giáo chứ không phải là gia đình.

"Nếu học sinh của chúng tôi phạm lỗi ngoài trường học, chúng tôi đều cho rằng đó là lỗi của chúng tôi đã dạy bọn trẻ chưa tốt." – một thầy giáo tên Mitsuko Watanabe cho biết.

Tiên học lễ, hậu học văn

Không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn, tại Nhật Bản, thầy cô giáo còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và định hướng tính cách của các em học sinh ngay từ khi các em còn là những đứa trẻ mới tập tễnh biết đi.

Thầy cô còn là người định hướng tính cách của học sinh
Thầy cô còn là người định hướng tính cách của học sinh

Trong lớp mẫu giáo, những đứa trẻ được học về "trách nhiệm" và tính "tự giác". Mọi đứa trẻ đều phải thay dép đi trong nhà ngay tại cổng trường. Chúng đều có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung. Vào bữa trưa, không một đứa trẻ nào được ăn cho đến khi mọi thành viên trong lớp đều đã nhận được đĩa thức ăn.

Ở Nhật Bản, học sinh không phải làm bất cứ bài thi nào cho đến khi lên đến lớp 4. Việc giáo dục nhân cách cho trẻ em được đặt lên vị trí quan trọng hàng đầu. Các em được dạy cách tôn trọng người khác, biết tự lập và yêu thương thiên nhiên và các loài động vật.

Từ cách cư xử cho đến những bài học phức tạp là cả một thời gian dài đòi hỏi sự cần mẫn hi sinh của những người thầy cô tận tụy với nghề và với các em học sinh – thế hệ tương lai của đất nước.

Thế mới nói, vai trò của thầy cô là không thể phủ nhận được, cũng như câu ngạn ngữ của Nhật: "Vạn ngày học không bằng một ngày được học với một người thầy tốt".

Cùng chuyên mục
XEM