Bạn có bao nhiêu tiền nếu đều đặn đầu tư 500 USD mỗi tháng kể từ 2009 đến nay?
Để chống lại lạm phát và đảm bảo rằng khoản tiết kiệm của bạn sẽ sinh sôi nảy nở trong dài hạn, đầu tư vào thị trường chứng khoán là 1 lựa chọn sáng suốt.
Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm 500 USD mỗi tháng từ đầu thập niên 2010 và để số tiền đó vào 1 tài khoản tiết kiệm gần như không có lãi, đến ngày hôm nay bạn sẽ có trong tay 60.000 USD.
Số tiền này có vẻ lớn, nhưng 60.000 USD đó sẽ không thể giống với 60.000 USD của 10 năm trước, và 1 thập kỷ nữa trôi qua thì giá trị của số tiền này càng giảm xuống hơn nữa. Nguyên nhân là do lạm phát – hiện tượng khiến giá cả tăng lên theo thời gian và làm giảm sức mạnh của tiền.
10 năm qua, trung bình lạm phát tăng từ 1% đến 3% mỗi năm. Năm 2019, lạm phát vào khoảng 2,1%. Có nghĩa là bạn cần phải có 72.000 USD ở thời điểm năm 2019 để có thể sở hữu sức mua mà 60.000 USD đem lại ở thời điểm năm 2009.
Để chống lại lạm phát và đảm bảo rằng khoản tiết kiệm của bạn sẽ sinh sôi nảy nở trong dài hạn, đầu tư vào thị trường chứng khoán là 1 lựa chọn sáng suốt. Và lựa chọn phương tiện đầu tư là điều rất quan trọng, vì số tiền bạn kiếm được sẽ phụ thuộc vào tỷ suất sinh lời.
Nếu trong 10 năm qua bạn đầu tư 500 USD mỗi tháng và có được mức lợi suất 4%, ngày nay bạn kiếm được 73.625 USD.
Nếu trong 10 năm qua bạn đầu tư 500 USD mỗi tháng và có được mức lợi suất 6%, ngày nay bạn kiếm được 81.940 USD.
Nếu trong 10 năm qua bạn đầu tư 500 USD mỗi tháng và có được mức lợi suất 8%, ngày nay bạn kiếm được 91.473 USD.
Nếu đầu tư vào 1 công ty như Amazon hay Google – những cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng trong thập kỷ qua, lợi suất thu về cao hơn nhiều so với con số 8%. Tuy nhiên, sẽ khá mạo hiểm khi chọn đầu tư vào 1 công ty đơn lẻ, và những con số trong quá khứ chẳng bao giờ có thể dự đoán hoàn toàn chính xác về tương lai.
Các khoản đầu tư khác, ví dụ như các quỹ chỉ số có chi phí thấp, không phải là loại hình đầu tư hấp dẫn nhất trong 10 năm qua, nhưng bù lại chúng có mức độ rủi ro rất thấp và là lựa chọn tốt về dài hạn. Bởi vì chúng thường bao gồm hầu như mọi cổ phiếu trong 1 chỉ số nào đó, ví dụ như S&P 500, các quỹ chỉ số sẽ thích nghi với biến động tốt hơn.
Với quỹ ETF, nếu cổ phiếu của công ty này giảm trong khi cổ phiếu của công ty khác lại tăng, danh mục của bạn cân bằng trở lại. Tuy nhiên nếu như bạn chỉ đầu tư vào 1 công ty có cổ phiếu giảm mạnh, chắc chắn bạn sẽ lỗ.
Trong thập kỷ qua, S&P 500 tăng trưởng 225%. Nếu trong 10 năm qua bạn đầu tư 500 USD mỗi tháng vào 1 quỹ chỉ số theo dõi S&P 500, ngày nay bạn có gần 120.000 USD – cao gấp đôi số tiền bạn có được nếu chỉ để tiền vào tài khoản tiết kiệm.