Bamboo Airways hứa hẹn trả lương tháng cho phi công lên tới 200 triệu đồng, cao hơn 10% so với Vietjet Air
Vietnam Airlines đang trả cho phi công 120 triệu đồng/tháng và Vietjet Air trả 180 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu được cấp phép bay, hãng hàng không "tân binh" Bamboo Airways là nơi hứa hẹn sẽ trả lương hậu hĩnh nhất thị trường.
Hãng hàng không Bamboo Airways đang cấp tập chuẩn bị cho hành trình cất cánh vào cuối năm nay. Đối với "người mới" như Bamboo Airways, một trong những bài toán khó mà hãng này phải giải quyết là tìm kiếm phi công.
Trên thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, phi công đang vô cùng khan hiếm.
Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam đưa ra cuối năm 2016, căn cứ theo kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không, đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2.680 phi công thương mại. So với số lượng phi công hiện có, số lượng phi công cần bổ sung là khoảng 1.320 người.
Theo tính toán, mỗi năm, các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines cần khoảng 200- 250 phi công. Trong một vài năm tới, các hãng hàng không đặt hàng với lượng máy bay gấp 2-3 lần số hiện có, kéo theo nhu cầu nhân sự kỹ thuật cao, bao gồm cả đội ngũ phi công rất lớn.
Nhân sự thiếu nghiêm trọng nên công việc của các phi công đang dần trở nên quá tải. Tại Vietnam Airlines, cách đây 3 năm, các phi công hãng này từng bức xúc khi lịch bay dày đặc khiến nhiều người mệt mỏi. Thiếu nhân sự, các phi công khác lại phải làm thay nhiều giờ khiến công việc ngày càng trở nên vất vả. Mới đây, phi công Vietnam Airlines một lần nữa xin nghỉ đồng loạt do phải làm việc nhiều giờ hơn đồng nghiệp tại các hãng hàng không khác, trong khi thu nhập lại kém xa.
Về phía Vietjet Air, tuy thu nhập phi công tại đây lên tới 180 triệu đồng/tháng, cao gấp rưỡi so với Vietnam Airlines. Vấn đề nằm ở chỗ, Vietjet Air không tự đào tạo phi công như Vietnam Airlines, vì vậy hãng này cần chi lương cao hơn để thu hút nhân sự chất lượng cao và chủ yếu phải tuyển phi công nước ngoài do nguồn nhân sự trong nước không đủ đáp ứng. Ông Lưu Đức Khánh, CEO Vietjet Air từng cho biết, có thời điểm, 90% đội bay của Vietjet Air là người nước ngoài.
Trước tình hình nhân sự khó khăn như trên, một nguồn tin từ Bamboo Airways cho biết, hãng này đã duyệt bảng thu nhập dành cho phi công và mức lương bình quân tại đây sẽ đạt mức trên 200 triệu đồng/tháng, cao hơn 10% so với Vietjet Air.
Mức chi trả của Bamboo Airways và Vietjet Air có thể xếp vào mức cao so với khu vực Asean. Thống kê cho thấy, các quốc gia trả lương cao nhất cho phi công như Singapore, mức lương trung bình cũng chỉ trong khoảng 155-207 triệu đồng/tháng.
Cách đây nửa tháng, Bamboo Airways cũng đã chính thức đăng tuyển tiếp viên với các tiêu chuẩn về tuổi tác, chiều cao, ngoại hình tương đương với tiêu chuẩn tuyển dụng tại Vietjet Air. Tuy nhiên, với tiêu chuẩn trình độ học vẫn, Bamboo Airways đòi hỏi các tiêp viên tốt nghiệp từ trung cấp trở lên và TOEIC 500 điểm trở lên, trong khi Vietjet chỉ yêu cầu tiếp viên tốt nghiệp trung học phổ thông và TOEIC 400 điểm.
Nếu kế hoạch được hoàn thành theo dự kiến, trong hai năm đầu tiên, Bamboo Airways sẽ hoạt động trong nước khoảng 8 - 10 tuyến bay với các điểm đến ưu tiên như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quy Nhơn hay Nha Trang… Từ năm thứ ba, các tuyến bay quốc tế sẽ được triển khai kết nối trong nước với các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan… Dự kiến đến năm 2023, Bamboo Airways sẽ mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế.
Hiện nay, Bamboo Airways vẫn đang chờ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được Chính phủ thông qua. Sau đó, công ty dự kiến sẽ tiếp tục đặt mua thêm 26 máy bay thân rộng Airbus A321 LR để mở rộng đội bay, nâng tổng số phi cơ lên 50 chiếc.