Bác xe ôm Việt lên báo Tây tâm sự chuyện làm ăn khốn khó thời Grab, Uber
Sự xuất hiện của các ứng dụng như Grab và Uber tại Việt Nam đã đe dọa tới kế sinh nhai của hàng ngàn tài xế xe ôm truyền thống. Thu nhập thấp đi, lượng khách suy giảm, cánh lái xe truyền thống đã làm gì?
Hơn 30 năm nay, tại một góc nhỏ trước cửa chợ Bến Thành, ông Lê Văn Nho, một tài xế xe ôm đã bước sang tuổi 73, vẫn cắm cúi ngày ngày đón, chở khách.
Thế nhưng, sang tới năm nay, bác xe ôm già không còn chắc mình sẽ trụ được bao lâu trong cái nghề 30 năm nay gắn bó nữa.
"Tôi biết thành phố này như lòng bàn tay, mọi đường ngang, lối tắt tôi đều biết. Nhưng giờ chạy xe ôm khó sống quá. Trước đây, mỗi ngày tôi kiếm 200.000 đồng, giờ chỉ 80.000 đến 100.000 đồng là cùng", ông Nho bộc bạch trên tờ EFE.
Mà một trong những nguyên nhân khiến cánh tài xế xe ôm truyền thống như ông Nho lâm vào cảnh "khốn đốn" chính là có sự xuất hiện của Uber và Grab.
Vì đã quen với việc trả giá trực tiếp với khách đi đường, cánh tài xế xe ôm truyền thống gần như không thể cạnh tranh với mức giá - được cho là tốt hơn, mà Uber và Grab đưa ra. Thêm vào đó, với Uber và Grab, việc đặt xe dễ hơn, cung đường đi cũng minh bạch hơn.
Đứng trước tình trạng xe ôm truyền thống "mất việc", Grab và Uber được cho là đã nhiều lần thuyết phục cánh tài xế này tham gia vào hàng ngũ của mình.
Thế nhưng, nhiều người lại một mực từ chối, phần vì họ thiếu kiến thức về công nghệ, phần vì không muốn phải chia phần trăm cho các công ty này.
"Grab cũng từng mời tôi rồi, nhưng mà tuổi mình đã già, chẳng học nổi cách dùng điện thoại hiện đại nữa. Giờ bỏ ra cả đống tiền sắm điện thoại mới cũng chết", ông Nho chia sẻ.
Còn theo ông Sáu, một tài xế xe ôm 56 tuổi thì cho rằng, chính sách mà các công ty như Uber và Grab đưa ra là không chấp nhận được.
"Họ chơi vậy không đẹp. Đang yên đang lành, sao họ đòi 15% của tôi. Chẳng qua, giá rẻ hơn là vì họ toàn thuê người trẻ, người đi làm thời vụ thôi", ông Sáu than phiền.
Chính vì sự xung đột lợi ích này, người ta đã ghi nhận ít nhất 65 trường hợp cánh xe ôm truyền thống tấn công xe ôm chạy Grab và Uber, theo News.
Theo thống kê, khu vực hay xảy ra xung đột nhất thường nằm ở các bến xe, sân bay, điểm đón xe buýt - nơi được coi là lãnh địa của cánh xe ôm truyền thống.
Văn Thanh Sang, một tài xế xe ôm 42 tuổi giải thích với News, ông vốn không phải là một người ủng hộ bạo lực, nhưng tin rằng, đó là điều cần thiết để bảo toàn miếng cơm, manh áo của mình.
"Từ đầu, chúng tôi đã nói là họ đừng vào. Nhưng họ lại không nghe. Tháng trước, có hai người đã cố gắng bắt khách của chúng tôi, và thế là xung đột xảy ra. Tôi biết là ai cũng phải làm việc, nhưng họ cũng phải hiểu rằng, chúng tôi cũng cần phải nuôi thân", ông Sang nói.
Ông Phạm Ngô An, một tài xế xe ôm truyền thống cho rằng, ai cũng cần có những vùng đặc quyền riêng, và tốt nhất là "nước sông không phạm nước giếng".
"Họ kiếm được rất nhiều rồi. Sao cứ phải vào đất của bọn tôi", ông An tỏ ra tức giận.
Và hệ quả sau cùng là nhiều tài xế Grab và Uber thậm chí phải che giấu đồng phục của mình khi đón khách tại sân bay.
"Tôi không dám đón khách ở sân bay, hay gần trạm xe buýt nữa. Tôi sợ họ", Hiếu - tài xế mới 24 tuổi, chạy xe cho Grab ngậm ngùi.