Bác sỹ nói học sinh Việt Nam mãi thấp lùn, sức khỏe kém là do phải học quá nhiều

06/08/2016 13:21 PM | Nghề nghiệp

Tại sao người Việt cứ luôn lùn hơn bạn bè thế giới, thậm chí cả bạn bè trong khu vực? Ngoài những nguyên nhân về dinh dưỡng, đời sống, còn có nguyên nhân nào cần kể đến nữa không?

Những số liệu giật mình

Theo số liệu thống kê của Telegraph, Việt Nam nằm trong top 5 nước có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới (1,62 m). Nếu so với các nước xung quanh, chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam kém Nhật Bản, Hàn Quốc 8 cm, kém Trung Quốc 7 cm, kém Thái Lan và Singapore 5-6 cm. Ngoài ra, các số liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng cho thấy các chỉ số về sức bền và sức khỏe của thanh niên Việt Nam cũng xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn chung của WHO. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mức năng suất thấp của lao động Việt Nam.

Đi tìm nguyên nhân

Trong số nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng này, việc thiếu vận động và các thói quen sinh hoạt chiếm đến hơn 40%. Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng áp lực học hành cao đã gây ra các tình trạng này, đặc biệt cho lứa tuổi dậy thì.

“Một nguyên nhân quan trọng khiến trẻ em Việt Nam thấp lùn chính là áp lực học hành.”, bác sĩ Hải nói, “Chính vì phải học quá nhiều nên trẻ không có được chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp với quy luật sinh lý. Chịu nhiều áp lực bài vở, trẻ thường học khuya, ngủ muộn và ít. Trong khi đó, hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 10-12 giờ đêm khi đang ngủ say.”

Áp lực học hành, xem trọng điểm số cùng lối quy hoạch thiếu khu vui chơi, sân tập thế thao trong thành phố cũng như trong kiến trúc trường học khiến phần lớn thời gian trong độ tuổi đang phát triển của người Việt sẽ được dành vào việc “ngồi một chỗ”, nếu không học thì cũng giải trí bằng việc chơi game, xem TV thay vì luyện tập thể thao như bạn bè các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, yếu tố dinh dưỡng cũng nên được nhắc đến ở đây. Dù đã cao hơn thế hệ cha ông do đời sống đã khá lên nhưng chế độ ăn điển hình của người Việt hiện nay vẫn chưa thể gọi là đẩy đủ. Gen di truyền trên thực tế không đóng vai trò quá quan trọng nếu các bậc phụ huynh biết chăm sóc con em qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và khuyến khích chúng tham gia các hoạt động ngoài trời thường xuyên chứ không phải chỉ cắm mặt vào sách vở chạy đua thành tích.

Kết

Thể trạng tốt mới giúp con người ta làm việc tốt và đạt năng suất cao. Những con số về thành tích học tập cũng sẽ sớm trở nên vô nghĩa nếu chất lượng và năng suất lao động của người Việt vẫn thuộc hàng yếu kém nhất Châu Á như hiện nay. Cuối cùng thì việc chạy theo những thành tích ảo đó có giúp lực lượng lao động Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trong mắt các nhà tuyển dụng?

Cùng chuyên mục
XEM