Tại sao Việt Nam gặp phải nghịch lý về học sinh giỏi và người lao động tồi?
Phải chăng các con số của quốc tế đánh giá về chất lượng giáo dục của Việt Nam là vô nghĩa?
Tại sao một lực lượng lao động với nền tảng kiến thức tốt cùng ý thức học tập cao trên giảng đường lại trở nên yếu kém trong môi trường làm việc thực tế? Tại sao những nước có điểm số học tập thấp hơn Việt Nam như Thái Lan lại vượt xa chúng ta về năng suất lao động như vậy? Có nhiều nguyên nhân lý giải, và một phần câu trả lời có thể lại nằm ngay ở những yếu tố làm nên chất lượng giáo dục cao của học sinh Việt Nam.
Từ một công bố nghiên cứu quốc tế
Tháng 5/2015, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng giáo dục dựa trên kết quả kiểm tra Toán và môn Khoa học của học sinh lứa tuổi 15. Kết quả thật bất ngờ khi Việt Nam đứng thứ 12, trên cả những nước phát triển như Anh, Mỹ.
Không chỉ vậy, trong một bài đăng trên blog của chương trình Nghiên cứu về cải thiện hệ thống giáo dục, ông Lee Crawfurd đến từ Center for Global Development, nhận ra rằng “một năm ở trường tiểu học của Việt Nam hiệu quả hơn nhiều so với một năm học ở Peru hay Ấn Độ về mặt tiếp thu kỹ năng.”
Trước đó, vào năm 2012, bằng việc nghiên cứu bài kiểm tra PISA (Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế), hai chuyên gia Suhas D. Parndekar và Elisabeth K. Sedmik đến từ Ngân hàng Thế giới nhận thấy điểm số của Việt Nam cao hơn hẳn so với những nước như Peru hay Colombia, các quốc gia có mức thu nhập trung bình tương đương. Thậm chí, điểm số của Việt Nam còn suýt soát với các quốc gia phát triển có nền giáo dục cao như Thụy Sĩ hay Phần Lan. (Các quốc gia trong nghiên cứu này là Việt Nam, Albany, Jordan, Colombia, Peru, Indonesia, Thái Lan và Tunisia).
Theo các nhà nghiên cứu, có ba nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc vượt trội về điểm số giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên 7 quốc gia có cùng mức thu nhập. Đó là đặc trưng của bản thân sinh viên Việt Nam, sự khác biệt văn hóa về việc quan tâm tới giáo dục và mức đầu tư cho giáo dục của Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sinh viên Việt Nam tập trung hơn và nghiêm túc hơn trong việc học tập. Họ thường có xu hướng ít khi đến muộn, ít khi bỏ học không có lý do và bỏ qua các lớp học. Hơn nữa, thời gian họ dành cho học thêm bên ngoài giảng đường nhiều hơn sinh viên các quốc gia đang phát triển khác 3 giờ đồng hồ mỗi tuần.
Ngoài ra, do sự khác biệt về văn hóa với các quốc gia khác, những phụ huynh Việt Nam thường tham gia nhiều hơn vào việc học tập của con cái bằng tiền bạc hoặc các sự giúp đỡ khác. Hệ thống giáo dục quốc gia cũng tập trung hơn, các giáo viên cũng giám sát nhiều hơn và quan tâm hơn tới thành tích so với các quốc gia đang phát triển khác.
Còn một lý do nữa để giải thích cho sự khác biệt về giáo dục giữa Việt Nam với các quốc gia còn lại trong bảng so sánh, là mức đầu tư cho giáo dục của Việt Nam. Dù có mức thu nhập trên đầu người thấp nhất trong số các quốc gia trên, chất lượng cơ sở hạ tầng trường học của Việt Nam lại tốt hơn. Số máy tính dù ít hơn nhưng hầu hết đều được kết nối Internet.
Cho đến nghịch lý về năng suất lao động của người Việt Nam
Liệu những học sinh, sinh viên với thành tích học tập đáng nể như vậy có trở thành những lao động giỏi trong tương lai? Không hẳn vậy.
Có một thực tế đáng buồn về lao động Việt Nam là theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Năng suất lao động của Việt Nam hiện tại chỉ bằng 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan (trong khi điểm số về Toán học của Thái Lan thấp hơn Việt Nam 73 điểm), 1/18 Singapore, 1/11 Nhật Bản và 1/10 Hàn Quốc.
Vậy học nhiều trên giảng đường có thực sự tốt?
Dường như việc quá tập trung vào các bài giảng trên giảng đường đang làm học sinh, sinh viên Việt Nam mất đi một yếu tố khác quan trọng hơn. Đó là các kiến thức thực tế bên ngoài học đường cũng như các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc sau này. Ngoài ra, việc quá tự tin vào kiến thức trên giảng đường cũng có thể ngăn cản tư duy nhìn ra ngoài khuôn khổ, và nhận thức bị hạn chế trong sách vở lý thuyết.
Điều này dường như lý giải con số thống kê của Tổng cục dạy nghề dưới đây về lao động Việt Nam sau khi ra trường. “Theo số liệu của Tổng cục dạy nghề cho thấy, 53% học sinh học nghề sau khi ra trường vẫn yếu về năng lực phân tích, giải quyết vấn đề, 26,5% yếu về năng lực làm việc độc lập và có đến 60% sinh viên ra trường phải đào tạo lại do quá thiếu các kỹ năng về lãnh đạo, tư duy sáng tạo và thái độ làm việc.”
Không những vậy, việc thiếu các kỹ năng mềm cũng làm giảm khả năng hợp tác hay làm việc nhóm giữa các sinh viên Việt Nam. Trong khi đó, làm việc nhóm lại là một trong những kỹ năng quan trọng nhất khi đi làm. Việc kết hợp được năng lực các thành viên trong nhóm, cũng như phân chia hợp lý thời gian làm việc luôn là các yếu tố giúp cải thiện đáng kể năng suất lao động.
Một trong những yếu tố cơ bản tác động đến năng suất lao động chính là thể chất hay thể trạng của người lao động. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, thì chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện thấp hơn so với chuẩn của thế giới 13 cm, nữ giới Việt Nam thấp hơn so với chuẩn 10 cm.
Nếu so với các nước xung quanh, chiều cao thanh niên Việt Nam thấp hơn Nhật Bản, Hàn Quốc 8 cm, kém hơn Trung Quốc 7 cm, kém Thái Lan và Singapore 5-6 cm. Ngoài ra các số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho thấy, các chỉ số về sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam cũng xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn của tổ chức này.
Trong số nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng này, việc thiếu vận động và các thói quen sinh hoạt chiếm đến hơn 40%. Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng áp lực học hành cao đã gây ra các tình trạng này, đặc biệt cho lứa tuổi dậy thì.
“Một nguyên nhân quan trọng khiến trẻ em Việt Nam thấp lùn chính là áp lực học hành.” Bác sĩ Hải nói. “Chính vì phải học quá nhiều nên trẻ không có được chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp với quy luật sinh lý. Trẻ học khuya, ngủ ít và muộn. Trong khi đó, hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 10-12 giờ đêm khi trẻ đang ngủ say.”
Còn sự tham gia tích cực của gia đình thì sao?
Bên cạnh những khoản đầu tư lớn vào việc học tập cho con cái, biểu hiện dễ thấy của việc quan tâm này là cảnh những vị phụ huynh xếp hàng dài chờ nộp hồ sơ cho con vào các trường lớp hay chờ đón con sau mỗi buổi thi tốt nghiệp, đại học.
Sự quan tâm đó có thể tạo ra một môi trường chuyên tâm học tập cho học sinh, sinh viên Việt Nam, giúp họ có được điểm số, thành tích cao trong học tập, nhưng ngược lại nó cũng như một tấm chăn nhung bao bọc lấy học sinh, sinh viên Việt Nam trong đó.
Việc bao bọc quá kỹ lưỡng của bố mẹ cũng có thể sẽ làm cùn đi tư duy tự lập và can đảm sáng tạo trong môi trường công việc, làm sản sinh ra “những em bé tuổi 30” như một bài viết từng đề cập về hiện trạng thanh niên Việt Nam hiện nay.
Cuối cùng, một cơ sở hạ tầng giáo dục tốt chưa chắc đã mang lại một kiến trúc thượng tầng giáo dục tốt. Mặc dù số lượng máy tính ít hơn các nước tham gia khảo sát, nhưng hầu hết các máy tính ở Việt Nam đều được kết nối Internet. Đây là một ưu điểm nhưng về bản chất máy tính hay Internet vẫn chỉ là các công cụ để phục vụ người sử dụng. Do vậy, người sử dụng mới là yếu tố chủ đạo làm nên thành công bằng các công cụ này.
Trong khi đó, với việc quá lệ thuộc vào kiến thức trong sách vở, nhưng không chịu cập nhật những thay đổi về kiến thức trên thế giới, cũng như thiếu các tư duy sáng tạo để khai thác thông tin từ Internet, về cơ bản các máy tính với kết nối mạng chưa phát huy hết hiệu quả của mình.
Một báo cáo do NetCitzens Việt Nam thực hiện vào năm 2014 cho thấy, 30% lượng người dùng Internet tại Việt Nam là học sinh, sinh viên, tỷ lệ lớn nhất nếu so sánh theo nghề nghiệp của người dùng, nhưng đa phần tìm kiếm của họ là gì?
Theo thống kê của Google Trends năm 2014, những từ khóa người dùng Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất đều liên quan đến các sự kiện giải trí như World Cup, các bộ phim đình đám, các nhân vật của công chúng, các thiết bị điện tử được ưa chuộng. Trong khi đó lại thiếu vắng các lượng tìm kiếm lớn về sách, các trường đại học, hay dịch bệnh bất thường như Ebola tương tự như người dùng Mỹ, hay cách thực hiện các hoạt động thường ngày như người dùng tại Úc. Rõ ràng cách dùng Internet ở Việt Nam chưa hỗ trợ tốt cho công việc hay học tập của họ.
Kết luận
Nếu vậy, phải chăng các con số của quốc tế đánh giá về chất lượng giáo dục của Việt Nam là vô nghĩa? Không hẳn vậy, các con số đó chỉ cho thấy một nền giáo dục tốt với các điều kiện ưu đãi cho việc học, cũng như trình độ học vấn, nắm bắt tiếp thu kiến thức của học sinh, sinh viên Việt Nam mà thôi.
Tuy nhiên, thành tích học tập trên giảng đường chỉ là một nguyên nhân tạo nên thành công trong khi ra ngoài thực tế công việc, đó không phải là một yếu tố sống còn quyết định cho tất cả. Như UNESCO đã đề xướng, mục đích học tập xét cho cùng là “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Rõ ràng, chỉ riêng việc đi từ “học để biết” đến “học để làm” đã đặt cho nền giáo dục Việt Nam một bài toán không hề đơn giản. Một bài toán khó, nhưng chúng ta sẽ giải được, hi vọng thế.