Bác sĩ “triệu tim” trên mạng xã hội: Tạm gác đam mê nghệ thuật để theo nghề Y

21/06/2023 18:05 PM | Xã hội

Với nhiều kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau với lượt tương tác “khủng”, ThS.BS Trần Quốc Phong đã nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ “ai cũng biết chăm sóc cho chính mình”.

Bác sĩ trẻ gác lại "ngọn lửa" nghệ thuật để hết lòng với người bệnh

Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, tiếp tục học tập và phát triển chuyên môn khi trở thành bác sĩ nội trú, tính tới thời điểm hiện tại, bác sĩ Trần Quốc Phong đã chính thức khoác trên mình chiếc áo blouse được 7 năm.

THS. BS TRẦN QUỐC PHONG

  • Tốt nghiệp loại Giỏi toàn khối Y đa khoa, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

  • Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu Tiết niệu - Bệnh viện Bình Dân.

  • Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Tưởng chừng cuộc đời của bác sĩ Quốc Phong như đã được “thiết lập” sẵn để trở thành người hành nghề Y, tuy nhiên, ít người biết anh mang trong mình một niềm đam mê với nghệ thuật:

“Có một điều mà bây giờ tôi mới được chia sẻ là lúc trước khi chọn trường đại học, tôi rất phân vân giữa thi Sân khấu Điện ảnh với việc trở thành bác sĩ.

Từ nhỏ, tôi có cơ hội được gia đội kịch của Nhà thiếu nhi TPHCM, tới giờ tôi vẫn còn giữ video về những vở diễn mình từng đóng. Đam mê nghệ thuật có lẽ được thắp lên từ đó. Lớn hơn, tôi may mắn đạt một vài thành công nho nhỏ tại các cuộc thi, bản thân cũng bị thu hút bởi các bộ phim, cảm xúc và diễn xuất của các diễn viên, nên lúc đó tôi nghĩ sẽ lựa chọn trường sân khấu điện ảnh là nơi tuyệt vời để thử sức.

Tuy nhiên, cuối cùng, với niềm thôi thúc mạnh mẽ trong việc được đồng hành cùng bệnh nhân, tôi đã quyết định tạm gác ngọn lửa đam mê nghệ thuật để trở thành bác sĩ.

Và tới bây giờ tôi hoàn toàn tin đã quyết định đúng".

Bác sĩ “triệu tim” trên Tiktok: “Tạm gác ngọn lửa đam mê nghệ thuật để trở thành bác sĩ” - Ảnh 2.

Đến thời điểm hiện tại, dù không theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng bác sĩ Phong cho biết bản thân vẫn thông qua việc thực hiện các video truyền thông về sức khỏe trên nhiều kênh khác nhau như tiktok, youtube… để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình:

“Tôi nghĩ đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa các yếu tố y khoa với nghệ thuật trong diễn xuất, làm nội dung, edit hình ảnh, là nơi tôi tiếp tục duy trì và nuôi dưỡng chất nghệ thuật".

Chia sẻ về thêm việc lựa chọn chuyên khoa tiết niệu, bác sĩ Phong cho biết bản thân đã phân vân rất nhiều về việc chọn chuyên khoa. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với nhiều trường hợp bệnh nhân gặp các vấn đề về tiết niệu và sinh lý, họ đi khám ở những phòng khám không đủ chất lượng, bị lừa cũng như gặp phải các di chứng về sức khỏe…, chính điều này đã thôi thúc bác sĩ Phong quyết định lựa chọn chuyên khoa Tiết niệu để có thể góp phần giúp đỡ các bệnh nhân gặp phải vấn đề như trên.

Dù có niềm tâm huyết với nghề, tận tâm với người bệnh nhưng trên hành trình ấy, bác sĩ Phong đã từng có lúc cảm thấy hoài nghi bản thân:

“Ngành nghề nào cũng sẽ có những khó khăn và thử thách. Tôi cũng từng trải qua nhiều giai đoạn cảm thấy rất chán nản và cũng cảm thấy rất nghi ngờ bản thân tôi liệu có thực sự phù hợp với ngành Y không. 

Nhưng cũng rất may mắn tôi nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của gia đình và những người yêu thương, giúp tôi vượt qua tất cả. Đến bây giờ nhìn lại, tôi cảm thấy một chút tự hào về bản thân vì đã vượt qua được giai đoạn và khó khăn đó và trở thành phiên bản tốt hơn vào ngày hôm nay".

Bác sĩ “triệu tim” trên Tiktok: “Tạm gác ngọn lửa đam mê nghệ thuật để trở thành bác sĩ” - Ảnh 3.

Đối với, bác sĩ Phong được sống với nghề Y là niềm hạnh phúc mỗi ngày của anh:

“Điều quý giá nhất mà ngành Y mang lại với tôi chính là những người bệnh nhân từng gặp. Tôi được nghe những vấn đề, cũng như nỗi đau mà họ trải qua. Tôi nghĩ mình may mắn khi nghề Y đã lựa chọn, cho tôi được đồng hành và gặp gỡ rất nhiều bệnh nhân.

Có người đem đến cho tôi cảm xúc, cũng lại có người đem đến câu chuyện và sự trăn trở. Mặc dù là rất nhiều bệnh nhân có câu chuyện tương tự, nhưng có lẽ do đây là ca bệnh đầu tiên tôi tiếp nhận nên đã để lại ấn tượng rất sâu sắc. 

Đó là một bạn bệnh nhân nam, còn rất trẻ, chỉ khoảng 16-17 tuổi. Và điều làm tôi nhớ nhất là gương mặt của bạn khi nhận tin mình nhiễm HIV sau khi quan hệ tình dục thiếu an toàn. Bạn có hỏi tôi một câu là vì sao bạn bị như vậy, và vì sao là bạn…” - bác sĩ Phong chia sẻ câu chuyện về một bệnh nhân khiến anh ấn tượng sâu sắc.

“Mục tiêu duy nhất là để ai cũng biết cách chăm sóc sức khỏe của chính mình”

Vào năm 2022, bác sĩ Trần Quốc Phong cùng những người cộng sự của mình sáng lập tổ chức Saigon Medicine - tổ chức truyền thông về Y tế theo cách sáng tạo và gần gũi - với mục đích chính là truyền tải các kiến thức y tế đến gần hơn với cộng đồng thông qua các nền tảng MXH cũng như các hoạt động cộng đồng. 

Dù còn khá non trẻ nhưng Saigon Medicine do bác sĩ Trần Quốc Phong sáng lập đã thực hiện được nhiều chuỗi hoạt động chia sẻ về giáo dục giới tính và sức khỏe cho nhóm cộng đồng LGBTQ+, cho nhóm đối tượng học sinh cấp 2 trong Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và nhóm đối tượng học sinh - sinh viên đại học trong thành phố… cũng như có hàng ngàn người theo dõi trên các nền tảng.

“Thông tin trên mạng về sức khỏe rất nhiều, nhưng những thông tin chính xác và chất lượng lại khá ít, đặc biệt về những chủ đề sinh lý dành cho nam và nữ. Chính bởi vậy, có thể nói đây là dự án tôi cảm thấy tự hào nhất vì những giá trị tốt đẹp nhất nó mang lại cho cộng đồng” - bác sĩ Phong chia sẻ. 

Để có thể mang nhiều kiến thức chính xác hơn đến với mọi người, bác sĩ Phong đã tự mình xây dựng các kênh truyền thông. Những năm tháng trau dồi trên giảng đường cùng thực tế trải qua trong quá trình công tác đã giúp anh có được kiến thức chuyên môn vững vàng nhưng việc xây dựng kênh truyền thông lại khác:

“Xây dựng kênh truyền thông đối với tôi là một hành trình dài và khó khăn. Bản thân là một bác sĩ nên những kiến thức hay kinh nghiệm xây dựng kênh truyền thông đều phải tự làm, tự học và tự rút kinh nghiệm".

Bác sĩ “triệu tim” trên Tiktok: “Tạm gác ngọn lửa đam mê nghệ thuật để trở thành bác sĩ” - Ảnh 4.

Cùng với đó, thời gian eo hẹp dành ra để xây dựng kênh truyền thông cũng là một khó khăn khác với bác sĩ: “Hiện tôi vẫn đang có hai công việc chính ở bệnh viện và giảng đường đại học, vì vậy, thời gian dành ra cho việc xây dựng nội dung rất hạn chế. Đối với việc sáng tạo nội dung, theo tôi thấy, việc không có nhiều thời gian sẽ rất khó để đảm bảo được sự sáng tạo và duy trì chất lượng của nội dung ở mức cao nhất".

Sáng tạo nội dung truyền thông liên quan đến ngoại tiết niệu - những vấn đề trước giờ nhiều người vẫn cho rằng khá nhạy cảm, mặc dù vậy bác sĩ Phong vẫn có những cách chia sẻ rất duyên và tự nhiên, giúp người bệnh cởi bỏ những ngại ngùng, sẵn sàng chia sẻ các vấn đề của mình:

Mọi người đó giờ vẫn nhìn nhận những vấn đề về ngoại tiết niệu là những vấn đề rất “nhạy cảm”. Tuy nhiên, hiện nay internet đã rất phát triển, rất dễ dàng để các bạn trẻ được tiếp xúc về những vấn đề ở trên. Vì vậy, quan điểm của đa phần bạn trẻ về các vấn đề trên đã trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn so với những thế hệ đi trước. 

Tất nhiên, vẫn sẽ luôn có những nhóm đối tượng khác nhau xem các nội dung này, vì vậy, sẽ có những sự tiết chế về mặt ngôn từ và cách biểu đạt, để người xem không thấy quá phản cảm" - bác sĩ Phong chia sẻ.

Vừa song song hai công việc chính ở bệnh viện và giảng đường, vừa tiếp tục thực hiện dự án truyền thông về sức khoẻ nhưng bác sĩ Phong vẫn cố gắng dành ra một khoảng thời gian trong ngày để tự “chữa lành” chính mình giữa guồng quay bận rộn của công việc.

Đối với tôi, sẽ rất khó để có thể tách bạch rõ rệt giữa công việc và đời sống hàng ngày. Tôi sẽ luôn sắp xếp ra những khoảng thời gian trong ngày riêng cho bản thân, nơi có thể dành thời gian để đọc sách, ở bên gia đình hoặc giải trí, để có thể tạm gác bỏ các áp lực công việc và nghiên cứu. Những khoảng thời gian này sẽ không cố định mà linh động trong ngày, sau khi đã hoàn thành hết các công việc cần làm” - bác sĩ Phong chia sẻ

Bác sĩ “triệu tim” trên Tiktok: “Tạm gác ngọn lửa đam mê nghệ thuật để trở thành bác sĩ” - Ảnh 5.

Cùng với đó, sống mỗi ngày trong tình yêu cũng là sự đồng hành quý giá giúp bác sĩ thêm năng lượng trong cuộc sống.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM