Bác sĩ bệnh viện Việt Đức tư vấn giải pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống: 90% bệnh nhân không cần phải mổ

27/07/2017 20:55 PM | Sống

Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống gây đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của nhiều người. Bác sĩ của bệnh viện Việt Đức tư vấn những giải pháp điều trị bệnh tối ưu và phù hợp với từng người bệnh.

Trong các bệnh lý về xương khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống khá phổ biến, nhất là đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng. Bệnh không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn để lại nhiều hậu quả lâu dài đến vận động của chân, tay, thậm chí có thể gây liệt. Việc điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm được rất nhiều người quan tâm.

Trong chương trình Cùng bạn sống khỏe phát sóng trên kênh VOV FM89, bác sĩ Trần Quốc Khánh, khoa phẫu thuật cột sống bệnh viện Việt Đức tư vấn, giải đáp về các dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống, phương pháp điều trị nào là tối ưu, khi nào cần phải phẫu thuật...

Các nguyên nhân gây bệnh phổ biến là công việc nặng nhọc, gây áp lực cho cột sống; những người ngồi lâu trong một tư thế như lái xe đường dài, nhân viên văn phòng, đi guốc quá cao, nằm nệm quá mềm, gối đầu cao, ngủ sai tư thế...

Bệnh thoát vị đĩa đệm có các triệu chứng điển hình như đau cột sống cổ, lan xuống vai, cánh tay, cẳng tay, đau chẩm gáy, tê tay... Thoát vị đĩa đệm ở thắt lưng thì cơn đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân... Nếu người bệnh để cơn đau kéo dài mà không thăm khám và điều trị, bệnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt... Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến teo tay chân, khó khăn khi đi lại, cầm nắm các vật...

Rất nhiều bệnh nhân khi bị thoát vị đĩa đệm thường lo lắng bởi bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng, thậm chí gây liệt. Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, bệnh có nhiều phương pháp điều trị như dùng thuốc, nằm nghỉ ngơi, châm cứu, phục hồi chức năng, xoa bóp bấm huyệt hoặc can thiệp phẫu thuật... Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Không có phương pháp nào là tối ưu.

Bác sĩ Khánh hơn 90% bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có thể dùng thuốc và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Bệnh nhân nghỉ ngơi xây dựng thói quen tập luyện cũng có ý nghĩa quan trọng như đi bơi, luyện xà đơn, yoga, thiền để làm cột sống thoải mái hơn. Sử dụng thuốc, các biện pháp điều trị bằng thuốc, xoa bóp bấm huyệt có thể phát huy hiệu quả tốt, giúp bệnh nhân thoát khỏi các cơn đau lâu dài. Khi các phương pháp này không có tác dụng, các bác sĩ mới chỉ định mổ.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh cho biết bệnh viện Việt Đức thường có 150 bệnh nhân đến thăm khám bệnh thoát vị đĩa đệm mỗi ngày. Nhưng trong đó, chỉ khoảng 10 -15% bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật mổ cột sống hiện nay rất phát triển với các thiết bị công nghệ hiện đại, với tỷ lệ phẫu thuật thành công rất cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, bệnh nhân có thể vẫn đau cột sống do tái phát hoặc các biến chứng sau mổ. Vì thế, sau khi mổ cột sống, người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và quay lại bệnh viện khi có các triệu chứng bất thường. Trong 1 tháng đầu, phải tuyệt đối đeo nẹp cố định. Sau 3 tháng hạn chế bê vác vật nặng, chơi thể thao...

Bệnh nhân nên nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh, luyện tập thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe và ngăn ngừa bệnh. Mỗi người nên uống nhiều nước lọc, hoa quả tươi. Không nên hút thuốc , bởi hút thuốc không chỉ mỗi bệnh phổi mà còn ảnh hưởng đến xương khớp vì nó làm giảm oxy trong quá trình tuần hoàn.

Theo Thu Hoài

Cùng chuyên mục
XEM