Bà Lê Thị Lệ Hằng: Từ nhân viên phố Wall đến CEO công ty quản lý quỹ 350 triệu USD
Trước khi trở thành Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), bà Lê Thị Lệ Hằng từng có 8 năm kinh nghiệm làm việc tại phố Wall và trải qua nhiều vị trí tại SSI.
Bà Hằng đã 5 lần liên tiếp được tạp chí Asia Asset Manangement vinh danh là “Tổng giám đốc của năm” tại giải thưởng thường niên cho các tập đoàn Tài chính trong khu vực Châu Á.
Trong một sự kiện do cộng đồng CFA tại Việt Nam tổ chức gần đây, CEO SSIAM đã có những chia sẻ thú vị về triết lý lãnh đạo cũng như con đường đến với ngành quản lý đầu tư.
Khởi nghiệp tại phố Wall
Bà Hằng cho biết con đường đến với ngành quản lý đầu tư của bà phần nào chịu ảnh hưởng từ người cha của mình. Cha của bà Hằng, ông Lê Văn Châu là một trong những người đầu tiên có công khai mở thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là lý do dù theo học ngành kế toán, sau khi tốt nghiệp bà quyết định ở lại Mỹ làm việc cho một công ty quản lý quỹ tại New York.
Trong thời gian gần 10 năm làm việc tại phố Wall, điều khiến bà Hằng vô cùng hứng thú là ngoài những kinh nghiệm đầu tư, bà còn học được rất nhiều điều bổ ích khác như đặc điểm của nhiều ngành nghề, các doanh nghiệp hoạt động ra sao và làm thế nào để “sống sót” trước các đối thủ cạnh tranh.
Trở về Việt Nam, bà Hằng đầu quân cho Công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI và kinh qua nhiều vị trí tại đây, trong đó có vị trí Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư. Khi mới được giao nhiệm vụ dẫn dắt công ty quản lý quỹ, bà Hằng cảm thấy vô cùng thách thức bởi trước bà mới chỉ có 3 tháng kinh nghiệm làm tự doanh.
Nhưng với sự hỗ trợ của công ty mẹ và các nhân viên, bà Hằng dần quen và làm tốt công việc được giao phó. “Tôi rất tự hào vì có một đội ngũ luôn song hành cùng với mình. Tất cả chúng tôi đều có một ước mơ - ước mơ xây dựng được công ty quản lý quỹ tốt nhất Việt Nam, có nhiều sản phẩm nhất và đa dạng hóa. Các bạn đã đồng hành cùng tôi từ lúc SSIAM không có gì cho đến nay là công ty quản lý quỹ 350 triệu đô (hơn 8 nghìn tỷ đồng)”, bà Hằng xúc động nói.
Triết lý lãnh đạo: “No stupid question”
Bà Hằng kể, khi mới bước chân vào phố Wall, vị sếp đầu tiên đã nói với bà rằng: “Em luôn phải học hỏi và đừng có sợ đúng hay sai”.
Chính bài học đầu đời đó nay lại được CEO SSIAM áp dụng tại công ty của mình. Đứng trên cương vị một người lãnh đạo, bà Hằng cho rằng người quản lý cần biết lắng nghe và chia sẻ với nhân viên.
“Team đầu tư thường nhiều cá tính và cái tôi cũng rất lớn, nhưng quan điểm của tôi là không có đúng hay sai trong phân tích và cũng không có câu hỏi nào ngu ngốc”, nữ doanh nhân cho biết.
Bà Hằng chia sẻ, tại SSIAM, từng có bạn mới thử việc được 2 tuần đã khóc và xin nghỉ việc. Khi đó vị CEO nói với bạn đó rằng, “Em có 2 tháng để thử, đừng vội vàng ra quyết định khi mới chỉ có 2 tuần”.
“Tại SSIAM cửa luôn luôn mở và mình sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến, không quan trọng bạn là nhân viên cấp thấp hay cao.”, bà Hằng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu SSIAM, “Không phải lúc nào chúng ta cũng đúng, cũng có những lúc tôi và các bạn mắc sai lầm. Lắng nghe sẽ giúp chúng ta hoàn thiện hơn”.
Cũng chính nhờ triết lý lãnh đạo đó, mà tỷ lệ thôi việc tại SSIAM khá thấp so với các công ty cùng ngành. Thậm chí nhiều nhân viên khi nhận được lời mời làm việc tại các doanh nghiệp khác đã tìm đến bà Hằng để chia sẻ và xin bà cho lời khuyên.
Đặt gia đình lên ưu tiên số 1
Theo bà Hằng, phụ nữ Việt Nam hiện nay được trao quyền và có nhiều cơ hội để phát triển. Đặc biệt tại các doanh nghiệp tư nhân, người ta không quan trọng bạn là nam hay nữ miễn là làm được việc.
“Khi bạn làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư tại New York, bạn sẽ phải mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nếu bạn ngồi trong một cái bàn với 80% là đàn ông, bạn vừa là phụ nữ vừa trẻ hơn họ, bạn có thể phải đập bàn nhiều hơn người ta. Bởi nếu không làm như vậy, họ sẽ nghĩ rằng bạn còn quá trẻ và không thể giỏi bằng họ”, CEO SSIAM bộc bạch.
Bà Hằng cũng cho biết, tại New York, chi phí thuê người giúp việc rất đắt đỏ. Việc bố mẹ giúp trông con hộ để bạn đi làm vô cùng hiếm gặp. Vì vậy nếu hai vợ chồng cùng làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, hoặc họ kiếm được rất nhiều tiền để thuê người giúp việc, hoặc họ sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi: tiếp tục công việc và bỏ bê con cái hay một trong hai người sẽ hy sinh sự nghiệp để có thời gian chăm sóc gia đình.
“Trong khi đó, việc tìm được một người giúp việc không phải quá khó khăn tại Việt Nam, với khoảng 5 triệu đồng/tháng, bạn đã tìm được một người giúp việc tốt”, bà Hằng chia sẻ.
Nữ CEO thừa nhận mình rất may mắn khi luôn được bố mẹ và chồng hỗ trợ trong việc chăm sóc hai con để bà được yên tâm công tác. Đổi lại, bà Hằng cũng luôn tâm niệm dù bận rộn đến mấy thì chồng con vẫn là ưu tiên hàng đầu.