Anh rời khỏi EU: Tin buồn cho cả ngành công nghệ?

25/06/2016 20:09 PM | Công nghệ

Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 3 năm nay dành cho những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, 90% số người được hỏi đều không muốn Anh tách khỏi EU. Tại sao lại vậy?

Công dân Vương Quốc Anh vừa tham gia bỏ phiếu để quyết định xem quốc gia của mình sẽ ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu. Việc này còn được gọi với cái tên Brexit (British exit). Cuộc bỏ phiếu vừa có kết quả và theo đó Anh sẽ tách khỏi Liên minh châu Âu. Hơn một nửa công dân Anh đang hoan hỉ thế nhưng đây lại là tin buồn cho các công ty công nghệ.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 3 dành cho những người làm trong lĩnh vực công nghệ tại Luân Đôn, thủ đô công nghệ của châu Âu, 90% số người tham gia khảo sát phản đối việc Anh rời khỏi EU. Vì sao lại có sự chênh lệch lớn đến vậy so với con số chung 52%?

Các nhà kinh tế và các chuyên gia đều đồng tình rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả quốc gia và châu lục. Nó sẽ làm suy yếu những cuộc cải cách chính sách từng giúp cho chi phí du lịch rẻ hơn, giảm phí chăm sóc sức khỏe và cho phép sinh viên tại các quốc gia EU học tập tại các trường đại học trong liên minh.

James Waterworth, Phó Chủ tịch châu Âu của hiệp hội thương mại công nghệ Computer and Communication Industry Association (CCIA) trả lời trang Recode qua một cuộc phỏng vấn trên Skype cho hay điều này sẽ là một kết quả rất tàn khốc đối với các công ty công nghệ .

“Anh là một quốc gia hàng đầu về thị trường tự do mở, và nếu quốc gia này rời khỏi EU, sẽ không còn nhiều những quốc gia lớn còn lại [trong liên minh] có tính chất như vậy. Thị trường châu Âu có lẽ sẽ trở thành một nơi mang tính thù địch nhiều hơn”, ông Waterworth chia sẻ.

Luật pháp châu Âu, vốn được thiết kế để tạo nên một “thị trường số duy nhất” trên toàn châu Âu, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi Anh ra đi. Ví dụ như, các thỏa thuận về nguyên tắc “bến an toàn” (safe habour) trong chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia châu Âu, tương tự như thỏa thuận từng được ký giữa EU – Mỹ có hiệu lực hồi đầu năm nay, sẽ không còn hiệu lực với Anh.

Các dịch vụ tình báo Anh đã có thể mở rộng quyền giám sát hơn so với các dịch vụ đối thủ tại Mỹ. Nhưng bởi Anh là một phần của EU nên các dữ liệu về người sử dụng châu Âu có thể được chia sẻ với các công ty Anh bất chấp những quan ngại về quyền riêng tư của châu Âu. Thế nhưng sau khi Anh ra đi, chính phủ các nước gần như chắc chắn sẽ phải đưa ra một thỏa thuận chia sẻ dữ liệu mới, tuy nhiên ông Waterworth cho rằng “có thể tòa án sẽ đưa ra cùng một kết luận như những gì họ đã đưa ra với Mỹ” và sẽ giết chết bất cứ thỏa thuận nào về dữ liệu người dùng mà Anh đã ký với EU.

Ngoài ra, sự vắng mặt của Anh có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực trong quốc hội châu Âu và điều này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực với các công ty công nghệ.

Ông Waterworth bổ sung: “Khối các quốc gia lấy thị trường làm trung tâm như Scandinavi và Hà Lan sẽ thu hẹp lại từ 35 đến 20%. Tất cả các quy tắc trong tương lai ảnh hưởng đến ngành công nghệ sẽ hà khắc hơn, ít dễ dãi hơn”.

Polina Montano, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập startup Job Today lạitỏ ra lạc quan hơn và cho rằng mặc dù Brexit sẽ khiến việc tuyển mộ các nhân tài quốc tế giỏi nhất tới văn phòng của công ty này tại Luân Đôn gặp nhiều khó khăn hơn nhưng chừng nào startup còn sẵn sàng thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, chẳng có lý do gì cản trở được sự thịnh vượng của công ty.

Theo T.N

Cùng chuyên mục
XEM