Brexit: Khi lá cờ bị xẻ làm đôi

25/06/2016 11:09 AM | Kinh tế vĩ mô

Sự kiện Brexit đã làm toàn thể thế giới bị bất ngờ. Cách đây 1 năm, người Anh vẫn thường phàn nàn về các quy định ngớ ngẩn của Liên minh Châu Âu (EU), về số ngân sách khổng lồ đang bị lãng phí và cơ chế quan liêu. Dẫu vậy, khi đó không có ai nghĩ rằng họ sẽ bỏ phiếu để rời thị trường chiếm tới gần 50% kim ngạch xuất khẩu của Anh.

Tuy nhiên, bất chấp những lời cảnh báo của các chuyên gia kinh tế và nhiều chính trị gia, người dân Anh vẫn bỏ phiếu ủng hộ Brexit vào ngày 24/6. Như vậy, sau hơn 40 năm là thành vien của EU, Anh chính thức là nước đầu tiên quyết định bước ra khỏi khối này.

Ngay lập tức, đồng Bảng Anh đã bị mất giá nghiêm trọng xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua do niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh trước khả năng kinh tế Anh rơi vào suy thoái.

Một nền kinh tế kém năng động hơn sẽ khiến nước Anh có ít việc làm hơn, nguồn thu từ thuế sẽ giảm và thậm chí chính phủ có thể phải thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm chống thâm hụt ngân sách.

Tồi tệ hơn, việc Scotland, một quốc gia theo danh nghĩa thuộc Liên hiệp Vương Quốc Anh (UK) nhưng có cơ cấu chính trị riêng bỏ phiếu ở lại EU khiến mọi chuyện ngày càng phức tạp. Theo lý thuyết, Scotland là một nước tại Châu Âu và họ có thể bỏ phiếu rời bỏ Anh để được ở lại EU.

Chắc chắn, Anh sẽ bị ảnh hưởng và chia cắt trong xã hội sau kết quả của Brexit và điều nguy hiểm là không ai biết chính xác điều gì sẽ đến tiếp theo đó. Mọi người luôn sợ hãi trước những gì mà người ta không thể dự đoán hoặc không biết.

Chống lại cả thế giới

Hầu hết những chuyên gia và chính trị gia nổi tiếng trên thế giới đều ủng hộ Anh ở lại EU, như Tổng thống Mỹ Barack Obama hay nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Rõ ràng, việc người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit ngày 24/6 đã khiến những chuyên gia và chính trị gia này lâm vào thế khó xử khi lời khuyên của họ có vẻ như bị “coi thường”.

Điều này cũng dễ hiểu khi việc cắt giảm chi tiêu công và bất bình đẳng trong xã hội hay những rối loạn do người nhập cư gây ra khiến chủ nghĩa dân túy ngày càng lên ngôi tại Anh. Giờ đây, cử tri Anh bị “đầu độc” bởi tư tưởng rằng Anh nên chơi một mình để có quyền tự quyết cho số phận bản thân.

Những người ủng hộ Brexit đưa ra rất nhiều lý lẽ cho việc này, như sự thiếu hụt dân chủ tại EU hay nền kinh tế giảm tốc của khu vực Eurozone. Dẫu vậy, nguyên nhân chính khiến nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Brexit, dù thậm chí họ còn chưa hiểu hết ý nghĩa của từ này là gì, chủ yếu do quy dịnh tự do di chuyển giữa các nước thành viên EU, qua đó thúc đẩy dòng người nhập cư vào Anh.

Những chính trị gia ủng hộ Brexit cam kết rằng họ sẽ phát triển kinh tế và kiểm soát người nhập cư, nhưng rõ ràng là Anh không thể chấm dứt tình trạng nhập cư một cách dễ dàng chỉ bởi lá phiếu ủng hộ Brexit. Nếu Anh muốn tiếp cận thị trường thương mại toàn cầu và giao thương với nhiều nước, họ buộc phải chấp nhận sự tự do giao thương, cả về hàng hóa lẫn con người và việc chặn hoàn toàn người di cư là điều bất khả thi.

Nếu Anh chọn hạn chế tự do thương mại, nền kinh tế này sẽ phải chịu thiệt hại nặng khi bế quan tỏa cảng. Rõ ràng, người nhập cư và sự giao thương đem lại giàu có là 2 vấn đề đi song hành. Nước Anh không thể chỉ chọn 1 mà phải cân bằng cả 2 yếu tố.

Thủ tướng Anh David Cameron không thể là người quyết định số phận này đối với cử tri khi ông đã liều lĩnh kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý và thất bại. Giờ đây, trách nhiệm điều hành đất nước và lèo lái con tàu Anh thuộc về những nhà lãnh đạo mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng Anh nên học Na uy, theo đó cho phép mở cửa tự do thương mại với EU nhưng cũng duy trì những hạn chế nhất định với việc nhập cư.

Việc chấp nhận người nhập cư từ EU không hoàn toàn xấu khi họ có đóng góp ròng cho ngân sách nhà nước. Nói cách khác, giá trị họ làm ra cao hơn số chi phí mà họ sử dụng với hệ thống sức khỏe cũng như giáo dục của Anh. Nếu không có những lao động nhập cư, hàng loạt các trường học, bệnh viện hay những ngành như nông nghiệp tại Anh sẽ bị thiếu hụt lao động.

Sau Brexit là Frexit

Nhiệm cụ khó khăn hiện nay của những nhà lãnh đạo mới sau khi ông Cameron từ chức là cho những cử tri ủng hộ Brexit biết rằng việc tăng trưởng kinh tế cùng với cấm nhập cư là điều không thể diễn ra song song.

Nói cách khác, vị Thủ tướng mới sẽ phải là người phá vỡ lời cam kết mà các chính trị gia ủng hộ Anh rời EU đã hứa, qua đó buộc phải chọn lựa giữa tăng trưởng kinh tế và cấm nhập cư.

Theo nhiều chuyên gia, việc tổ chức tổng tuyển cử để các chính trị gia giải thích cũng như lan truyền quan điểm của mình là hợp lý hơn so với việc đơn thuần bỏ phiếu khi nhiều cử tri còn chưa hiểu họ thực sự muốn gì.

Tuy nhiên, dù gì thì Brexit cũng đã chiến thắng và đây là một đòn nghiêm trọng với EU. Nhiều chuyên gia cho rằng EU đã mất sự kết nối nghiêm trọng với những thành viên chủ chốt không chỉ với Anh.

Nghiên cứu của Viện Pew cho thấy chỉ còn 38% số cử tri tại Pháp ủng hộ các quan điểm của EU, thấp hơn 6% so với Anh. Tồi tệ hơn, hầu hết các thành viên trong EU đều không muốn trao thêm quyền lực cho nhóm theo khảo sát, thay vào đó, họ muốn sự tự do hơn trong quyền quyết định của đất nước.

Hiện những mối bất hòa trong EU đều đang trở thành nguy cơ rời nhóm sau sự kiện Brexit. Những người dân Italy và Hy Lạp không ưa EU bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng mà nhóm đưa ra để được hưởng hỗ trợ tài chính. Tại Pháp, cử tri cho rằng các quy định của EU quá tự do, tạo điều kiện cho những người nhập cư và kẻ khủng bố tràn vào quốc gia này.

Trong khi đó, các thành viên Đông Âu cho rằng EU là thủ phạm của sự tha hóa xã hội, văn hóa từ Phương Tây mà điển hình là quan điểm về hôn nhân đồng tính.

Bất chấp sự bất hòa là gì, các chuyên gia đều cho rằng mấu chốt nằm ở nền kinh tế và sự thịnh vượng. Nếu kinh tế Anh tăng trưởng tốt và mọi người dân đều có thu nhập khả quan thì Brexit chưa chắc đã thắng.

Dẫu vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy các ngành dịch vụ công nghệ cao và thị trường vốn chung trong một khối liên minh sẽ thúc đẩy kinh tế và thịnh vượng nhiều hơn so với tách riêng từng nước.

Một nước Anh đóng cửa sẽ kém năng động và tăng trưởng hơn so với một nước Anh tự do. Nguy hiểm hơn, quan điểm Brexit này có thể trở thành dịch bệnh lây lan sang các nước thành viên EU khác và phá vỡ tổ chức lâu đời này, qua đó ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM