“Anh Khải Silk nên trưng hóa đơn nhập hàng, nhập từ Trung Quốc là từ đối tác hay tiểu ngạch, giá nhập là 300.000 hay 50.000 đồng?”
Người Việt “không đánh kẻ chạy lại”, nhưng có lẽ ông Khải Silk nên làm rõ lụa ông nhập về chất lượng ra sao, bằng cách trưng hóa đơn nhập hàng, để mọi người biết ông nhập từ đối tác hay nhập theo đường tiểu ngạch, giá nhập là 300.000 đồng hay 50.000 đồng…
Sau 3 ngày im lặng trước scandal “khăn Tàu”, tối 25/10, doanh nhân Hoàng Khải (còn gọi là Khải Silk) đã viết lên Facebook cá nhân 2 chữ: “Tôi khóc”. Hiện status này đã bị xóa.
Đêm cùng ngày, ông Khải đã share link ông trả lời báo giới. Theo đó, ông cúi đầu xin lỗi và thừa nhận việc nhập hàng từ Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam.
Bên cạnh việc khen ông Khải chọn thời điểm xin lỗi thích hợp (10:30 tối), nhiều chuyên gia trong ngành thương hiệu thấy tiếc cho cách nhận lỗi này của ông Khải.
“Cách nhận lỗi của anh ấy vẫn có chút lấp liếm. Anh ấy nói rằng không chú tâm phát triển mảng này nữa vì kinh doanh đa ngành. Nhưng có mấy vấn đề trong lời nhận lỗi cho thấy thấy anh chưa nói thực lòng cho lắm”, một chuyên gia thương hiệu xin được giấu tên cho biết.
Trong khi, một mặt ông Khải chia sẻ với báo giới là “sau khi mở rộng phát triển sang các lĩnh vực khác như bất động sản, ẩm thực, du lịch… mảng lụa tơ tằm chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của tập đoàn và ông đã không chú tâm đầu tư phát triển”.
Mặt khác, ông lại rất mâu thuẫn khi nói “tất cả các hàng bán ở Khaisilk chính tay ông Khải phải quyết định mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập”.
Bên cạnh đó, việc thổ lộ đã nhập hàng Trung Quốc từ những năm 90s lại là một thừa nhận khác: Khaisilk đã bán lụa Trung Quốc gần 30 năm!
Khăn lụa Khaisilk giá lên tới 2 triệu, giá nhập vào là bao nhiêu?
Liên quan đến chất lượng sản phẩm, ông Khải cho biết lụa bán tại cửa hàng không phải hàng kém chất lượng. Vậy làm thế nào để biết lụa ông bán không phải hàng kém chất lượng?
“Anh phải chứng minh hàng Trung Quốc nhập về là hàng tốt, bằng cách trưng hóa đơn nhập hàng, nhập từ Trung Quốc là từ đối tác hay tiểu ngạch, nếu giá bán ra là 600.000 đồng chẳng hạn, thì giá nhập là 300.000 hay 50.000 đồng”, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Hình ảnh chiếc khăn vừa có Made in China, vừa có Made in Vietnam. Nguồn: Facebook Dang Nhu Quynh.
“Nếu anh không có hóa đơn chứng từ nhập hàng, thì anh đã nhập hàng ở đâu? Nếu có hóa đơn chứng từ thì giá nhập là bao nhiêu? Nếu anh bán một cái khăn lụa giá 600.000 đồng mà giá nhập của anh chỉ có 50.000 đồng sẽ là vấn đề rất lớn”.
Thực tế, khảo sát giá lụa Khaisilk trên Fanpage Khaisilk Boutique, một chiếc khăn lụa có giá lên tới 2.185.000 đồng. Một chiếc cà vạt có giá 1.610.000 đồng/chiếc, được quảng cáo là được chọn mua bởi một số nguyên thủ quốc gia.
Mặc dù nói không bán hàng giả, nhưng Khaisilk đã bán hàng sai xuất xứ. Còn bàn về câu chuyện thương hiệu, thương hiệu lụa Khaisilk hay thương hiệu lụa Việt Nam lớn hơn?
“Khaisilk chưa phải thương hiệu lớn nếu so với lụa Việt Nam. Phải xem người ta mua vì người ta tin đây là 100% lụa Việt Nam hay đây là 100% lụa Khaisilk? Mấu chốt ở chỗ đó”.
“Anh ấy đã đánh mất niềm tin của lụa Việt Nam rồi. Slogan của thương hiệu Khaisilk là “Tôn vinh lụa tơ tằm Việt Nam”, nhưng anh đã không giữ đúng cam kết với lời hứa thương hiệu của mình…”, chuyên gia bày tỏ.
Vị chuyên gia này nhận định không phải là không còn cơ hội để mọi người có thể bỏ qua cho doanh nhân Khải Silk vụ này, nếu ông Khải chứng minh được tất cả những gì ông làm là đàng hoàng.
“Mong là dù cho cắt tag thì việc nhập lụa vẫn là đàng hoàng, chứ không phải nhập giấu diếm qua đường tiểu ngạch, sau đó đem về trộn lẫn vào”.
“Cũng mong anh Khải vượt qua khó khăn này bằng cách bồi hoàn đầy đủ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa đầy đủ. Người Việt trước nay không ai đánh người chạy lại…”