‘Anh ấy là nhân viên xuất sắc nhưng làm lãnh đạo thì chưa đủ tầm’: Câu chuyện tưởng tào lao chốn công sở nhưng lại có hẳn nguyên lý mà nhà quản lý nào cũng phải biết
Kết quả là họ sẽ được thăng chức từ vị trí này lên vị trí khác đến khi họ được đề bạt vào một vị trí mà trong đó họ không còn đủ năng lực thực hiện nữa, và từ đó họ không thể thăng tiến hơn nữa.
Vào năm 1968, Laurence J. Peter đã từng viết một cách châm biếm: "Trong một hệ thống phân cấp, mọi nhân viên đều sẽ được thăng tiến cho đến khi không đủ năng lực." Nhưng ngoài châm biếm thì khẳng định này hoàn toàn là sự thật.
Nguyên tắc Peter mô tả: Trong một tổ chức, một người được thăng chức mỗi khi người đó làm việc hết năng lực của mình. Kết quả là họ sẽ được thăng chức từ vị trí này lên vị trí khác đến khi họ được đề bạt vào một vị trí mà trong đó họ không còn đủ năng lực thực hiện nữa, và từ đó họ không thể thăng tiến hơn nữa.
Trong quản trị nhân sự, nhiều người còn gọi đây là nguyên tắc về "sự thăng tiến của những người không có khả năng". Bạn có thường nghe quanh mình có những câu chuyện như "Anh ấy làm Trưởng phòng giỏi nhưng Lãnh đạo thì chưa đủ tầm" hay "Anh ấy là một nhân viên tài năng nhưng làm nhóm trưởng thì chưa tốt" không?
Có những người được thăng chức vì làm tốt công việc và được mọi người công nhận. Nhưng khi ngồi lên vị trí mới mà thiếu năng lực và kỹ năng cần thiết thì việc làm tốt ở cương vị mới là điều không thể.
Nó có thể dẫn đến sự thất vọng và kiệt sức. Nó cũng có thể dẫn đến sự phẫn nộ từ những người cấp dưới trong trật tự thăng tiến cũng như các đồng nghiệp gánh một số khối lượng công việc mà bạn đột nhiên không thể quản lý.
Đồng thời, bạn thấy rằng những người cấp trên từng vui mừng với thành công trước đây của bạn đột nhiên không hài lòng với hiệu suất lúc này.
Sự thật không thể phủ nhận rằng, nhiều nhân viên bán hàng tuyệt vời có thể trở thành những người quản lý tuyệt vời. Tuy nhiên, bằng chứng về tiềm năng đó rất có thể không nằm trong doanh số bán hàng.
Tiếp đó thì không phải nhân viên nào làm tốt cũng có thể hay mong muốn trở thành người quản lý tốt. Rồi khi được thăng chức, họ lại phải thực hiện công việc ở khu vực mình thiếu khả năng, thiếu những tố chất mà không phải cứ rèn luyện là được.
Vậy làm sao để tránh những hệ quả của nguyên tắc này, hãy để tôi gợi ý vài điều:
- Phần thưởng không nhất thiết phải là sự thăng tiến. Với những nhân viên kinh doanh giỏi, phần thưởng có thể là niềm tin lớn hơn, cơ hội phát triển nghề nghiệp, lợi ích, công việc đảm bảo, điều kiện làm việc tốt hơn… Sự chú ý quá mức với các vị trí lãnh đạo là không cần thiết, nhất là trong các lĩnh vực như y học, xuất bản, thể thao và điện ảnh.
- Bạn có thể muốn tránh sự đề bạt. Một trong những phần bạn cần tự nhận thức là vị trí quản lý này đôi khi không xứng đáng với công sức, gánh nặng bạn phải chịu đựng. Ở vị trí nhân viên, bạn có thể hoàn thành xuất sắc công việc. Bạn làm quản lý cũng ổn. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu bạn mất năng lượng và sự nhiệt tình cho công việc mà bạn yêu thích. Bạn cảm thấy vị trí không phù hợp khiến bạn không thể phấn đấu lâu dài.
- Nếu bạn là một sales xuất sắc mới được thăng chức, hãy khiêm tốn và hợp tác nhanh chóng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tố giúp bạn bán hàng giỏi chưa chắc đã là thứ giúp nhóm của bạn lên vị trí dẫn đầu. Nếu bạn nghĩ rằng kỹ năng bán hàng tốt tỷ lệ thuận với kỹ năng quản lý thì chắc bạn vẫn chưa hết lòng, "mất ăn mất ngủ" với trách nhiệm mới.
Hãy bắt đầu bằng việc mời cà phê nhân viên của bạn và hỏi: Với vị trí công việc mới, liệu tôi có thể làm gì để giúp bạn tốt nhất? Ghi lại và thực hiện nó.
- Những người quản lý mới luôn cần sự giúp đỡ trong quá trình chuyển đổi. Tiếp thị, kế toán, bán hàng, kiến trúc,… được coi là những ngành đòi hỏi có đào tạo và truyền đạt kinh nghiệm liên tục. Dẫn dắt và quản lý? Không phải ai sinh ra cũng có tố chất lãnh đạo và làm tốt ngay cả, nhiều việc vẫn cần thời gian.
- Nếu một đồng nghiệp xuất sắc nhất vừa trở thành sếp của bạn thì có lẽ là thời điểm bạn nên rời đi. Có thể sếp bạn sẽ là trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc này. Có thể anh ta vẫn là một người hợp tác, có chiến lược, không ích kỷ và biết bảo vệ nhân viên. Nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều công ty sẵn sáng chấp nhận doanh số sụt giảm để làm phần thưởng cho những người xuất sắc nhất. Nếu rời vào trường hợp này, cách tốt nhất là bạn nên nghỉ việc thôi.