Ăn chất cấm, lợn không được xuất chuồng sẽ chết

26/04/2016 14:16 PM | Xã hội

Sau 1 ngày ăn chất tăng trọng, lợn sẽ có biểu hiện khác. Đến ngày tiếp theo, chúng chỉ ăn và nằm yên tại chỗ, lười di chuyển. Đến ngày thứ 15, chân lợn có biểu hiện run, đứng không vững. Nếu không được xuất bán kịp thời, chúng sẽ chết.

Theo nghiên cứu của Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, trong danh mục các hóa chất cấm của Bộ NN&PTNT, có 7 hợp chất thuộc nhóm chất β2-agonist (chất kích thích tăng trưởng). Tác dụng của chất này làm tăng lượng thịt, giảm mỡ cho động vật tuy nhiên rất độc.

Lợn dễ chết sau khi ăn chất cấm

Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đưa ra đưa ra một ví dụ ở lợn sau khi ăn chất cấm:

Kể từ ngày thứ 2 sau khi ăn thức ăn có chứa β2-agonist, lợn đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi. Từ ngày thứ 3 lợn sẽ ít di chuyển và thường nằm ngủ li bì.

Sau ngày thứ 10, con vật có biểu hiện ăn ăn đâu nằm đấy, chân đứng không vững.

Đến ngày thứ 15, lợn có nguy cơ gãy chân rất cao. Nếu không xuất chuồng chúng sẽ chết. Do đó, khoảng thời điểm này cũng là lúc người nuôi xuất bán.

Không chỉ nở mông vai và siêu nạc mà sau khi ăn thức ăn chứa các chất trên, lợn còn cho kết quả tăng trọng cao hơn 15-20%. Nếu duy trì cho ăn, sau khoảng nửa tháng, lợn không đi được và sẽ chết.

Theo ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, lợn giống Thái Dương (Hưng Yên), cũng là cử nhân đại học Nông nghiệp Hà Nội (chuyên ngành Dinh dưỡng), chất tạo nạc trong thức ăn sẽ giúp mỡ lợn chuyển hóa nhanh chóng thành nạc. Lợn tiêu hóa Salbutamol sẽ có thịt đỏ, tỷ lệ móc hàm cao hơn, người giết mổ rất thích. Do đó, người nuôi rất chuộng.

Thông thường, 1 tạ lợn thường, móc hàm được 76-78 kg. Nếu chúng được ăn hóc-môn, ruột sẽ teo lại, tỷ lên móc hàm tăng lên 80 kg. Người giết mổ sẽ lời được khoảng 150.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, cho ăn Salbutamol dài hơi, ruột lợn teo lại, trọng lượng giảm. Nếu kéo dài quá 15 ngày, trung bình mỗi con lợn sẽ bị giảm 150 g/ngày.

"Thức ăn chứa Salbutamol chỉ có tác dụng chuyển đổi từ nạc sang mỡ, không tăng trọng lượng, người nuôi không được lợi nhưng họ vẫn cho ăn. Lý do là lợn mỡ thường bị chê, rất khó bán. Cũng vì thế, để dễ bán, người dân thường phải sử dụng thuốc tạo nạc cho vật nuôi", ông Thành cho hay.

Người dân hoang mang vì bị bỏ tù

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y Tế), trong danh mục các hóa chất cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) hiện có 27 hóa chất, kháng sinh đã bị cấm.

Trong đó, phổ biến là Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine. Chất Clenbuterol được cho là độc nhất. Hiện các nước trên thế giới đã cấm sử dụng 2 chất Clenbuterol và Salbutamol trong chăn nuôi. Còn chất Ractopamine chỉ được dùng tại Mỹ và các nước trong khu vực Châu Mỹ (khoảng 26 nước), tuy nhiên, sử dụng có kiểm soát chặt chẽ.

Tại Việt Nam, các chất kể trên đã được đưa vào danh mục chất cấm của Bộ NN&PTNT, thế nhưng, cơ chế còn khá lỏng lẻo. Thấy lợi trước mắt, người dân vẫn sử dụng. Thậm chí, nhiều người không hề biết các chất trên độc hại hay bị cấm trong chăn nuôi.

Chị Nguyễn Vương Hoa, chủ trang trại lợn ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết, thường mua cám ở các đại lý ở địa phương. Tuy nhiên, chị không biết hàm lượng các chất trong thức ăn. Thậm chí, người nuôi này chỉ biết gọi tên các loại cám theo tác dụng như cám tăng trọng, cám hỗ hợp, cám ngô nghiền,...

Cũng vì thế, khi xem trên thời sự, cho biết người chăn nuôi sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi có thể đi tù khiến chị Hoa vô cùng hoang mang.

Theo Bộ luật hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2016) quy định, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù 1-5 năm, nếu có những tình tiết tăng nặng như gây chết người, hậu quả lớn có thể chịu hình phạt lên đến 20 năm tù.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM