Amazon - 'Quái vật' đáng sợ đang dần ‘nuốt trọn’ nước Mỹ
Amazon giống như một "công ty quái vật" đang xâm nhập mọi ngõ ngách trong nền kinh tế Mỹ.
Cuối tuần trước, Amazon tuyên bố họ sẽ mua Whole Foods Market trong một thương vụ trị giá hơn 13 tỷ USD. Khoảng 1 giờ sau, cổ phiếu của Amazon đã tăng khoảng 3%, kéo theo giá trị thị trường tăng thêm 14 tỷ USD.
Như vậy về cơ bản, Amazon vừa mua chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn thứ 6 nước Mỹ "hoàn toàn miễn phí"!
Theo phóng viên tài chính kỳ cựu Ben Walsh đây là một trường hợp ngoại lệ. Bình thường, giá cổ phiếu công ty đi thâu tóm sẽ giảm sau những thương vụ lớn nhưng Amazon thì ngược lại. Điều này chỉ có thể được giải thích rằng các nhà đầu tư dường như đang tin tưởng chắc chắn sẽ có một điều gì đó xảy ra với Amazon? Vậy đó có thể là gì?
Từ góc nhìn đơn giản nhất, thương vụ mua lại Whole Foods đồng nghĩa với việc Amazon sẽ tham gia vào mảng kinh doanh cửa hàng thực phẩm trị giá 700 tỷ USD. Bản thân Jeff Bezos – chủ tịch và CEO công ty đã tính toán, xâm nhập thị trường này trong nhiều năm nay – từ việc ra mắt Amazon Fresh - một dịch vụ vận chuyển thực phẩm tận nhà đến mở hàng loạt cửa hàng rượu vang mang thương hiệu Amazon tại Seattle. Và bây giờ, Bezos còn sở hữu một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, gác lại tất cả những điều đó, việc giá cổ phiếu tăng sau thương vụ thâu tóm lớn cho thấy một vấn đề đáng lo ngại hơn: Một khối lượng đáng kinh ngạc quyền lực kinh tế đang tập trung vào Amazon và các chuyên gia cho rằng điều đó khiến các công ty khác trong lĩnh vực bán lẻ khó cạnh tranh mà rộng hơn nữa là cả nền kinh tế Mỹ.
Amazon có phải kẻ độc quyền?
Nếu xét là nhà bán lẻ trực tuyến cung cấp trang thiết bị gia đình, Amazon hiện cạnh tranh với Walmart, Target, Bed, Bath & Beyond. Là một nhà bán lẻ quần áo và giày dép, Amazon cạnh tranh với DSW, Foot Locker và Gap. Nếu là một nhà phân phối âm nhạc, sách, truyền hình thì Amazon cạnh tranh với Apple, Netflix và HBO. Trong 1 thập kỷ qua, Amazon cũng đã mua lại cửa hàng giày trực tuyến lớn nhất, một cửa hàng quần áo, tã lót trẻ em trực tuyến lớn nhất và một cửa hàng mỹ phẩm trực tuyến lớn nhất.
Và trong mọi lĩnh vực Amazon đều thành công. Năm ngoái, Amazon đã bán được lượng hàng hóa trực tuyến nhiều gấp 6 lần cả Walmart, Targer, Best Buy, Nordstrom, Home Depot, Macy’s, Kohl's và Costco cộng lại. Amazon cũng tạo ra 30% tổng tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ toàn nước Mỹ, gồm cả trực tuyến và không trực tuyến.
Chưa dừng lại ở đó, sự thống trị của Amazon còn vượt xa hơn nữa ngoài mảng bán lẻ. Họ cũng đã mở rộng sang tín dụng, xuất bản sách, thiết kế quần áo và sản xuất thiết bị phần cứng. 3 năm trước, công ty này đã mua lại Twitch.com – một website chuyên cung cấp trò chơi trực tuyến với giá 1 tỷ USD. Và trên tất cả, Amazon đang sở hữu Amazon Web Services – mảng kinh doanh điện toán đám mây trị giá 12 tỷ USD. Slack, Netfix, Droboz, Tumblr, Pinterest và hàng loạt cơ quan chính phủ Mỹ đang sử dụng AWS.
Có thể tóm gọn trạng thái hiện giờ của Amazon là: EVERYTHING STORE – Tức là một cửa hàng bán mọi thứ. Không chỉ là bán hàng hoá, Amazon thậm chí còn sản xuất ra chúng; Không chỉ phân phối nội dung truyền thông qua hệ thống server sẵn có, Amazon còn cho những đơn vị khác thuê lại.
Tất cả những điều đó khiến nhiều chuyên gia cũng như nhà phân tích băn khoăn: Liệu Amazon có phải là một kẻ độc quyền?
“Về phương diện thương mại, tôi nghĩ Amazon đang cung cấp mọi cấu trúc hạ tầng cần thiết cho nền kinh tế Mỹ. Và điều đó giúp Amazon có thêm rất nhiều quyền lực và sự kiểm soát”, Lina Khan – một thành viên tới từ Open Market nói.
Tháng 1, chính Khan đã kêu gọi cần phải thắt chặt kiểm soát chống độc quyền đối với Amazon thông qua một bài báo trên tờ The Yale Law Journal.
Trong lịch sử, Amazon đã chịu nhiều lời chỉ trích về Marketplace - tính năng cho phép các doanh nghiệp nhỏ bán hàng hóa thông qua website của họ. Một vài nhà buôn đã buộc tội Amazon bí mật sử dụng Marketplace như một "phòng thí nghiệm": Sau khi thu thập dữ liệu xem sản phẩm nào bán chạy nhất, họ sẽ cho ra mắt luôn một sản phẩm tương tự để cạnh tranh với giá rẻ hơn thông qua những dịch vụ có sẵn của hãng.
Institute for Local Self-Reliance – một tổ chức phi lợi nhuận cũng chỉ trích Amazon về hành vi độc quyền. “Bằng việc kiểm soát những cơ sở hạ tầng quan trọng, Amazon hiện cạnh tranh với cả những công ty khác và thiết lập nên những điều khoản để ngăn cản các đối thủ cạnh tranh có thể tiếp cận thị trường. Những hãng bán lẻ địa phương và nhà sản xuất độc lập sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong tình huống này”.
Khi Amazon đã phát triển trên khắp nền kinh tế, những lo ngại về sức mạnh của công ty này cũng càng mở rộng.
“Amazon ban đầu ra mắt người tiêu dùng như một người trung gian bán sách nhưng sau đó họ đã mở rộng và trở thành người trung gian bán mọi thứ. Đến thời điểm hiện tại, Amazon thậm chí đã tiến xa hơn nữa, không còn là người trung gian bởi họ phân phối nhiều nội dung và sản xuất nhiều hàng hóa hơn. Cũng bởi vậy mà nhiều xung đột về lợi ích hơn bắt đầu xuất hiện”.
Nhìn chung, mọi người bắt đầu băn khoăn liệu Amazon có phải quá lớn không: Một công ty nhưng lại đang kiểm soát quá nhiều thứ trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến và giờ thì họ đang dần mở rộng chiếm lĩnh những phần còn lại của chuỗi cung ứng.
Từ trước tới nay, Amazon vẫn không thừa nhận họ là kẻ độc quyền. Mới đây, công ty này bắt đầu tìm đến những chuyên gia kinh kế để tham khảo ý kiến về những lo ngại xung quanh luật cạnh tranh. Trước tháng 11, một trong những chỉ trích ồn ào nhất về lo ngại độc quyền của Amazon đến từ Tổng thống Donald Trump khi ông tuyên bố Jeff Bezos sẽ đối mặt với những sự trừng phạt về độc quyền. Dẫu vậy cho tới thời điểm này, ông Trump vẫn chưa bổ nhiệm người nắm giữ vị trí chủ tịch Uỷ ban thương mại Liên bang - đơn vị có nhiệm vụ kiểm tra những thương vụ thâu tóm trước khi chúng hoàn tất.
Những lo ngại về độc quyền bắt đầu nổi lên từ khoảng 1 thập kỷ nay một phần là bởi những công ty như Amazon. Trong 10 năm đầu hoạt động, Amazon hầu như không có lợi nhuận nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng Bezos, không ngừng rót tiền để công ty này đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mở rộng thị phần. Kết quả là hiện nay, Amazon trở thành một "công ty quái vật" dù lợi nhuận “tí hon” nhưng giá cổ phiếu thì tăng gần gấp 200 lần so với khi mới lên sàn.
Khan và một số người khác thì kêu gọi mọi người hãy bớt quan tâm tới giá cổ phiếu của Amazon mà nên chú ý tới sự thống trị của họ trong quá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. “Không ai có thể phủ nhận rằng Amazon trong trạng thái hiện tại là rất tốt cho người tiêu dùng. Câu hỏi là điều gì đang chờ đợi phía trước?
Cảnh tượng bên trong một kho hàng khổng lồ của Amazon:
“Người Mỹ luôn muốn nền kinh tế mở cửa và cạnh tranh. Tuy nhiên, khi một bộ phận đang ngày một phình to hơn của nền kinh tế bị chiếm giữ bởi Amazon, vấn đề trở thành sự tập trung hóa. Từ xưa tới nay, tự kinh doanh là cách người Mỹ sử dụng để xây dựng tài sản và chuyển giao sự giàu có qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên hiện tại, cứ nhìn vào bất kỳ lĩnh vực nào mà Amazon đang thống trị - tôi dám cá là ai cũng phát nản khi muốn thâm nhập vào đó”.
Thực tế này đang diễn ra đối với cả những startup lớn. Năm ngoái, Jet.com ra đời như một đối thủ cạnh tranh với Amazon trong lĩnh vực thương mại điện tử, thu hút được hàng triệu USD vốn đầu tư và không ít giấy mực của truyền thông. Nhưng, dù phát triển khá nhanh chóng, startup này vẫn không thể tồn tại được lâu dài dưới hình thức một công ty độc lập. Cuối cùng, Walmart đã thâu tóm Jet.com với giá 3 tỷ USD vào tháng 8.
Hay gần đây hơn, trường hợp Whole Foods bị Amazon mua lại với giá 13,7 tỷ USD càng khiến các chuyên gia tỏ ra cực kỳ lo ngại. Có thể dễ dàng nhận thấy, thương vụ đã ngay lập tức mang lại cho Amazon một lợi thế khác về cơ sở hạ tầng: Hơn 400 nhà kho, trải rộng khắp trên những khu vực sầm uất nhất ở nước Mỹ. Nhìn chung, với những lợi thế về logistic gồm mạng lưới nhà kho, hành trình vận chuyển, máy bay chở hàng trên khắp Bắc Mỹ, Amazon đang nắm trong tay những vũ khí mà không một công ty nào khác có thể đánh bại. Đáng lo ngại hơn, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng những lợi thế này không phải có được nhờ đổi mới, cải tiến về mặt công nghệ mà là bởi dòng tiền không ngừng đổ vào từ phố Wall.
Dường như Amazon đang nhận được những đặc quyền quá đà. Đầu tiên, Sở giao dịch chứng khoán nên cân nhắc kỹ hơn về thương vụ Whole Foods. Thứ 2, các nhà chức trách cũng nên xem xét lại cấu trúc tập đoàn này.
Khan nói rằng: "Amazon đang lan tràn trong khắp ngõ ngách của nền kinh tế Mỹ theo một cách thức chưa từng có. Các nhà đầu tư biết Amazon độc quyền. Đó là lý do vì sao giá cổ phiếu cứ tiếp tục tăng mặc cho lợi nhuận què quặt. Thị trường có thể lột tả một thực tế mà luật pháp không thể”.