Alibaba đang muốn cho thế giới thấy họ bán tất cả mọi thứ trên đời, kể cả khi đó là một chỗ trên tàu container ngoài biển
Bạn muốn mua gì, là Alibaba có nấy.
Giờ đây, bạn có thể sử dụng trang thương mại điện tử Alibaba để đặt chỗ cho một chuyến đi trên biển – tuy nhiên điểm đáng lưu ý, đó là không phải trên con thuyền hạng sang cao cấp, mà là một chiếc tàu chở hàng ở Trung Quốc. Báo The Reuters cho biết, trang bán hàng online này đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên các tàu chứa hàng của Maersk - hãng tàu lớn nhất thế giới tính về lượng chở hàng và số đội tàu, thông qua cổng giao dịch OneTouch của họ.
Dịch vụ này đã “giáng” một đòn mạnh vào các bên trung gian (những người nhận vận chuyển hàng của chủ hàng, hoặc gom nhiều lô hàng nhỏ thành những lô hàng lớn hơn, sau đó lại thuê người vận tải (hãng tàu, hãng hàng không) vận chuyển từ điểm xuất phát tới địa điểm đích) và sẽ tái thiết lập lại quá trình vận chuyển hàng hóa. Người có nhu cầu chuyển hàng có thể chọn được chỗ trên một số chuyến tàu nhất định bằng cách trả tiền đặt cọc trước, đại diện của hãng Maersk chia sẻ với tờ Reuters.
Nền tảng OnTouch của Alibaba đưa ra rất nhiều dịch vụ vận chuyển ưu đãi dành cho thương gia, hỗ trợ họ về mặt tài chính lẫn giao dịch hàng hóa. Nó là mảng phát triển mạnh mẽ nhất trong mô hình B2B (mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau) của Alibaba, và đã phục vụ hơn 20.000 nhà buôn, theo như một bản báo cáo mà trang Internet Retailer cho biết.
Việc cho phép đặt chỗ trên tàu chở hàng online đã cho thấy cách mà Alibaba cải thiện khả năng lập kế hoạch tổ chức, thực hiện và kiểm soát có hiệu quả dòng dịch chuyển hàng hoá, tồn trữ các dịch vụ. Nó thể hiện rõ nhất qua việc hợp tác với Maersk – hãng tàu lớn nhất thế giới, và với Công ty Dịch vụ bưu chính Mỹ. Không chỉ dừng lại ở đó, điều này còn được nhấn mạnh bằng những món đầu tư khổng lồ, cụ thể là khoản tiền 300 triệu USD “đổ vào” dịch vụ bưu chính của Singapore, SingPost.
Đó là còn chưa kể tới Cainiao, đơn vị tổ chức và cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu mà Alibaba đồng sáng lập vào năm 2013, nắm giữ 47% cổ phần của nó. Cainiao đã chiếm tới 70% số thương vụ vận chuyển trên toàn đất liền của Trung Quốc, và trung tâm phân phối lớn nhất của nó rộng bằng 37 sân bóng đá, theo tờ Bloomberg cho biết. Alibaba cũng có trong tay một số lượng cổ phần nhỏ tại YTO Express, công ty vận chuyển ở Thượng Hải đã từng đạt kỷ lục chuyển 8 triệu gói hàng một ngày trong năm 2015. Nói để bạn dễ hình dung hơn: FedEx của Mỹ mới chỉ đưa 12 triệu gói hàng một ngày mà thôi.
Thương vụ đầu tư tỷ đô của Alibaba khiến gã khổng lồ của dịch vụ thương mại điện tử, Amazon, cũng phải dè chừng. Tuy nhiên công ty của Jeff Bezos cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi mới đây đã thuê cả một “hạm đội” máy bay chở hàng và mua hàng ngàn những chiếc xe tải chứa đồ để phục vụ cho mục đích giao hàng của họ; Amazon sở hữu hơn 6 triệu mét vuông nhà kho và trung tâm phân phối sản phẩm chỉ riêng trên đất Mỹ, trích Bloomberg.
Mặc dù Alibaba và Amazon thường được so sánh là những “kỳ phùng địch thủ”, nhưng có những điểm khác biệt cơ bản giữa hai ông lớn bán hàng online này. Alibaba là bên trung gian giữa người bán và người mua (giống Lazada), và họ không giữ hàng trong kho như Amazon (tương tự với Tiki). Chính sự tự do, không phụ thuộc vào nguồn hàng này đã cho phép họ tự phát triển cơ sở hạ tầng của mình, và nhờ vậy mà họ đã có thể thay đổi về cách mà người Trung Quốc mua sắm. Và giờ đây, Alibaba đang hướng tới cách thay đổi cách giao/nhận hàng của người Trung Quốc.