­­­‘Xe khách Hà Nội - Nghệ An mất gần 50 triệu đồng tiền phí/tháng, các Bộ xem có cách nào cứu DN được không?’

23/05/2016 19:11 PM | Kinh tế vĩ mô

Một xe giường nằm 42 chỗ xuất phát từ Hà Nội đi Nghệ An 1 tháng mất 24,5 triệu đồng ở hai lượt đi về + 21 triệu đồng chi phí xuất bến, khi xuất bến chỉ có 5 – 7 khách. “Tôi muốn hỏi hai bộ Giao thông vận tải và Tài chính xem có cách nào cứu được doanh nghiệp vận tải không?”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đau đáu…

“Một xe giường nằm 42 chỗ xuất phát từ bên Nước Ngầm (Hà Nội) đi đến Bến Thuỷ (Nghệ An) theo thống kê 1 tháng mất 24,5 triệu đồng ở hai lượt đi về, chưa kể chi phí xuất bến là 700 nghìn đồng/chuyến, tức là mất 21 triệu đồng/tháng”.

“Như vậy là quá cao! Trong khi xuất bến trên xe chỉ có từ 5 - 7 hành khách”, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội than thở.

Các khoản phí này thực sự ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp vận tải. “Tôi muốn hỏi lại hai bộ Giao thông vận tải và Tài chính xem có cách nào cứu được doanh nghiệp vận tải không?”, ông Liên đưa ra câu hỏi đầy tính trăn trở cho đại diện của hai bộ ngành liên quan.

Ông Liên thừa nhận những dự án BOT hiện nay vừa làm thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng, vừa là tác nhân thúc đẩy kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, tình trạng “phí chồng thêm phí”, tức là doanh nghiệp vừa phải đóng phí trên đầu phương tiện, vừa đóng phí BOT và việc trạm thu phí “bủa vây khắp nơi” như 4 trạm thu phí trên đoạn đường 100km Hà Nội – Hoà Bình đã khiến cho người tham gia giao thông cảm thấy ác cảm, bức xúc với những dự án BOT này.

Trả lời cho vấn đề trên ông Nguyễn Hồng Trường,Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, khẳng định mức phí được đưa ra đã được các cơ quan nhà nước cân nhắc kỹ, căn cứ vào mức thu nhập của người dân cũng như tình hình, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước.

“Các dự án thu phí hoàn vốn trước đây thường thu đồng loạt 10 nghìn đồng/lượt xe con, các xe khác nhân lên gấp 4 – 5 lần. Từ năm 2000 về trước, giá vé đó là cố định, sau đó chúng ta hội nhập kinh tế thị trường, toàn bộ chi phí được tính theo thị trường”.

“Chúng tôi tính theo tốc độ tăng trưởng kinh tế để đưa ra giá tối thiểu là 20 - 25 nghìn/xe cơ sở, tương đương với giá 10 nghìn đồng/xe như trước đây. Khi làm việc với Bộ Tài chính, chúng tôi cũng tính rất kỹ về mức thu nhập của người dân. Thứ hai là phải tính mức lãi suất ngân hàng để có được phương án hoàn vốn cho dự án. Vì vậy có thể nói, các tính toán đó là có cơ sở khoa học”, ông Nguyễn Hồng Trường nêu rõ.

Đồng quan điểm, ông Vũ Khắc Liêm, Vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trước đây do không có sự thay đổi về mức phí nên việc thu hút nguồn vốn BOT đầu tư vào hạ tầng giao thông rất hạn chế. Vì vậy năm 2013, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh mức phí cơ bản để đến năm 2016, mức phí cao gấp 3,5 lần mức cơ bản trước đây nhằm phù hợp với thu nhập của người dân và đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.

Với những bức xúc từ người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hứa sẽ làm việc với Bộ Tài chính để rà soát, điều chỉnh các trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách; Các trạm đang thu tạm thời chưa tăng phí theo hợp đồng 3 năm/1 lần; Các dự án chuẩn bị thu phí, sẽ xem xét kéo dài tối đa thời gian hoàn vốn để ít nhất bằng hoặc không cao hơn các trạm đã có.

Đình Phương

Cùng chuyên mục
XEM