Ả Rập Xê Út sẵn sàng cho viễn cảnh thế giới không cần dầu mỏ

22/03/2016 09:40 AM | Kinh tế vĩ mô

Mặc dù đang khai thác dầu với sản lượng gần như kỷ lục nhưng Ả Rập Xe Út vẫn tuyên bố đang sẵn sàng cho viễn cảnh thế giới không còn cần dầu mỏ nữa.

Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này cho biết họ đang tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời nhằm dự phòng cho trường hợp không cần dầu mỏ nữa trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali Al Naimi cho rằng viễn cảnh trên vẫn còn rất xa và người tiêu dùng trên toàn cầu vẫn sẽ còn cần sử dụng loại nhiên liệu này trong ít nhất 50 năm nữa.

Theo ông Naimi, Ả Rập Xê Út là quốc gia lý tưởng cho công nghệ năng lượng tái tạo với môi trường nắng gắt, nhiều gió, cát và đặc biệt là còn trống rất nhiều diện tích đất, vốn là những yếu tố cần thiết cho công nghệ năng lượng mặt trời.

Đây không phải lần đầu tiên quốc gia có tiếng nói nhất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có những tuyên bố ủng hộ sự hạn chế gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu, bao gồm việc sẵn sàng cho một thế giới không cần dầu mỏ.

Tại hội nghị về môi trường và khí hậu ở Paris tháng 5/2015, ông Naimi cho biết Ả Rập Xê Út đã lên kế hoạch trong vòng vài thập kỷ tới để xuất khẩu hàng gigawatt điện năng được tạo ra từ năng lượng mặt trời.

Đa dạng hóa nền kinh tế?

Động thái đề nghị bán cổ phần trong công ty dầu mỏ quốc gia Saudi Arabian của Thái tử Mohammed bin Salman vào tháng 1/2016 đã thổi bùng những suy đoán rằng giá dầu giảm đã thúc đẩy kế hoạch đa dạng hóa kinh tế của Ả Rập Xê Út.

Quốc gia này đang có kế hoạch tăng công suất năng lượng sạch lên khoảng 54 GW vào năm 2040. Hiện năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm 14% lượng tiêu thụ toàn cầu và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên 19% vào năm 2040.

Trong khi đó, ông Naimi cho biết Ả Rạp đang tập trung nghiên cứu cách thu thập khí thải carbon dioxide để chuyển hóa thành dầu hóa học. Tuy nhiên, vị bộ trưởng này cũng cho rằng những nỗ lực nhằm từ bỏ nhiên liệu hydrocarbon rắn (chủ yếu gồm dầu mỏ) hiện nay là phi thực tế.

Nhiều nhóm hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường đã kêu gọi chính phủ các nước thoái vốn khỏi những tập đoàn dầu khí quốc doanh và để yên cho những mỏ dầu trong lòng đất.

Mặc dù có những tuyên bố ủng hộ năng lượng tái tạo nhưng Bộ trưởng Naimi từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào về thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng như không cho biết kế hoạch của cuộc họp tháng 4/2016 tại Doha với Nga và các nhà sản xuất dầu khác nhằm đạt được một thỏa thuận về “đóng băng” mức sản lượng.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM