Bộ Tài chính: Doanh nghiệp xăng dầu mới “bỏ túi” sơ bộ hơn 3.500 tỷ đồng

21/03/2016 08:00 AM | Chính sách

Năm 2015, số tiền hoàn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp xăng dầu ở mức hơn 3.500 tỷ đồng. Số liệu này này chỉ là số liệu sơ bộ vì doanh nghiệp có thể tiếp tục được hoàn trong các tháng tiếp theo.

Trong khi mức thuế nhập khẩu tính vào giá bán đến người tiêu dùng đối với 2 mặt hàng xăng và dầu này ở mức 20% và 10%, mức thuế nhập khẩu doanh nghiệp xăng dầu thực sự phải chịu chỉ là 10% đối với xăng nếu nhập từ Hàn Quốc, và 0% đối với dầu nếu nhập từ các nước ASEAN.

Điều này cũng có nghĩa: Các doanh nghiệp xăng dầu đang được “bỏ túi” khoản chênh giữa mức thuế suất thực tế và mức thuế tính vào giá bán cho người dân – khoản tiền lẽ ra người tiêu dùng phải được hưởng thông qua việc giảm giá xăng dầu do thuế nhập khẩu giảm.


Giá xăng lẽ ra đã giảm nữa nếu người tiêu dùng không bị gánh oan 3.500 tỷ đồng. Nguồn giá xăng: Petrolimex.

Giá xăng lẽ ra đã giảm nữa nếu người tiêu dùng không bị "gánh oan" 3.500 tỷ đồng. Nguồn giá xăng: Petrolimex.

Trước thông tin người dân đang bị “móc túi” nghìn tỷ đồng, Bộ Tài chính cho biết: Trong năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) đã thu từ xăng dầu nhập khẩu là gần 36.000 tỷ đồng. Số thuế hoàn theo chứng từ doanh nghiệp nộp bổ sung C/O mẫu D (theo Biểu thuế Atiga) là hơn 3.500 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, số liệu hoàn thuế nhập khẩu này chỉ là số liệu sơ bộ vì doanh nghiệp có thể tiếp tục được hoàn trong các tháng tiếp theo.

Theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do, các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu đang trong lộ trình giảm dần.

Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn mà mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu được giảm mạnh, do việc đàm phán ký kết của từng Hiệp định tại các thời điểm khác nhau nên có các mức cam kết cắt giảm thuế suất khác nhau và vào các thời điểm khác nhau tùy theo từng Hiệp định.

“Việc chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định là tất yếu”, ông Lưu Đức Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính giãi bày trên Cổng thông tin điện tử Bộ.

Mặc dù mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của mặt hàng xăng dầu hiện đang cao hơn so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA nói trên, nhưng theo đại diện của Bộ Tài chính, để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì hàng hoá nhập khẩu từ các nước này phải đảm bảo điều kiện về xuất xứ (C/O), về điều kiện vận chuyển...

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM